Để đô thị Hà Nội thực sự trật tự, văn minh:

Kỳ 4: Hướng tới sự phát triển bền vững

11:01 | 26/03/2019
(LĐTĐ) Để đưa “trật tự đô thị” vào khuôn khổ là một câu chuyện dài. Chính vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng quan trọng vẫn là cách làm dựa trên nền tảng luật pháp và đặc thù kiến trúc đô thị, văn hóa sinh hoạt và kinh doanh của đô thị đó ra sao. Hà Nội không là ngoại lệ.
ky 4 huong toi su phat trien ben vung Kỳ 3: Giải quyết hài hòa lợi ích
ky 4 huong toi su phat trien ben vung Kỳ 2: Góc nhìn từ một số quận trung tâm
ky 4 huong toi su phat trien ben vung Kỳ I : Trật tự đô thị sau một năm ra quân thiết lập
ky 4 huong toi su phat trien ben vung Đô thị Hà Nội: Song hành bảo tồn và phát triển

Hài hòa và linh hoạt

Từ khi Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội triển khai Kế hoạch 01/KH-BCĐ về tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện, công tác quản lý trật tự đô thị đã được nâng lên một tầm cao mới. Tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện đã giảm rõ rệt. Việc sắp xếp phương tiện đã cơ bản gọn gàng đúng quy định.

Các hộ kinh doanh không còn bày hàng hóa ra hè phố, lòng đường; các bục bệ, mái che, mái vẩy vi phạm hành lang an toàn giao thông, gây mất mỹ quan đô thị đã được người dân và các lực lượng chức năng phá dỡ đảm bảo đường thông hè thoáng. Vệ sinh môi trường được đảm bảo tạo nên bộ mặt đô thị văn minh trật tự hơn… Tuy nhiên, vẫn có điều lo ngại về những chuyển biến đó chưa thật sự bền vững, bởi tại không ít nơi, chỉ cần các lực lượng chức năng rút đi, vi phạm tiếp tục tái diễn.

ky 4 huong toi su phat trien ben vung
Hà Nội hướng tới sự bền vững trong quản lý trật tự đô thị theo hướng xanh- sạch- văn minh (ảnh T.Dũng)

Một số chuyên gia trong lĩnh vực quản lý trật tự đô thị cho rằng, sở dĩ công tác quản lý trật tự đô thị luôn rơi vào cảnh “ném đá ao bèo” xuất phát từ 2 nguyên nhân chính là bất cập của hạ tầng và ý thức của người dân. Đơn cử như việc thiếu hạ tầng giao thông tĩnh so với nhu cầu nên tình trạng dừng đỗ sai quy định, dưới biển cấm là điều đã được dự báo trước. Ngoài ra, việc thiếu quy hoạch các khu chợ cho dân sinh, siêu thị, trung tâm thương mại… để phục vụ người dân đã dẫn đến tình trạng chợ “tạm”, chợ “cóc”, những gánh hàng rong, sạp hàng vẫn len lỏi đến tận các ngõ ngách, gầm cầu thang tại các khu đô thị cũ, khu tập thể. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân cũng chưa cao, chưa có ý thức tự giác nâng cao nếp sống văn minh đô thị.

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, để công tác quản lý trật tự đô thị đem lại hiệu quả lâu dài, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm, điều quan trọng nhất là các cơ quan, lực lượng chức năng phải có giải pháp hài hòa giữa quản lý nhà nước và nhu cầu của người dân. Chẳng hạn, khi dẹp chợ “cóc”, chợ tạm nên bố trí một nơi buôn bán cho phù hợp để không làm xáo trộn cuộc sống của người dân. Hay khi xóa bỏ bãi xe không phép, sai phép nên xem xét bố trí lại điểm đỗ cho người dân.

“Để công tác quản lý trật tự đô thị đem lại hiệu quả lâu dài, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm, điều quan trọng nhất là các cơ quan, lực lượng chức năng phải có giải pháp hài hòa giữa quản lý nhà nước và nhu cầu của người dân” - PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội.

Nhắc lại đề xuất trước đây của một lãnh đạo quận Hoàng Mai về cho thuê vỉa hè, PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng, cho rằng, trong bối cảnh hạ tầng còn hạn chế như hiện nay, chúng ta cần có những biện pháp táo bạo trong khuôn khổ cho phép để đáp ứng nhu cầu hiện tại của xã hội. “Phải làm sao người đi bộ vẫn có lối đi và việc mưu sinh của người dân sống và kinh doanh bên mặt đường vẫn diễn ra hợp lý. Do đó, chúng ta cần quan tâm kỹ hơn những đề xuất cụ thể cho từng khu phố, tuyến phố để giãn mật độ, san sẻ chức năng đô thị…” - PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Xây dựng văn hóa đô thị

Nhìn nhận công tác quản lý trật tự đô thị từ góc nhìn văn hóa, TS Đào Ngọc Nghiêm Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng, quản lý đô thị không phải là câu chuyện mới được nhắc đến, từ lâu khái niệm về công tác quản lý, phát triển đô thị đã trở thành một vấn đề toàn cầu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do đô thị ảnh hưởng đặc biệt tới con người, đến môi trường sống, đến chất lượng cuộc sống. Vì thế, người ta đặt ra xu thế phát triển bền vững với đô thị. Theo đó, con người sống trong các đô thị qua quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và phải tính đến lợi ích cho các thế hệ mai sau.

Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, trong quá trình đô thị hóa thì văn hóa đô thị là một trong những tiêu chí để đánh giá thực trạng, trình độ lối sống ở trong các đô thị, hay nói cách khác là văn hóa đô thị là tấm gương phản chiếu quá trình đô thị hóa, phản chiếu khả năng thích ứng của người dân đối với sự biến đổi về diện mạo của đô thị. Từ nhận định này, TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, để định hình lối sống đô thị phải có giải pháp thích hợp để hướng dẫn, quản lý. Quản lý ở đây không phải là ra lệnh, hoặc là quy định cấm mà quản lý theo cách truyền bá thông tin, giới thiệu những điều tốt đẹp, những nét truyền thống và phân tích rõ ràng các yếu tố để người dân hiểu và lựa chọn.

Để làm được việc này, cơ quan quản lý cần biết gắn kết giữa truyền thống với quá trình phát triển, với các yếu tố hiện đại. Nếu không sẽ làm mất đi các bản sắc đặc thù. Một thách thức lớn đối với đô thị, đó là cần hoàn thành các thể chế, quy chế, bởi văn hóa đô thị không phải là của một con người mà nó là biểu hiện văn minh, văn hóa của cả xã hội. Do đó, việc triển khai không nên chỉ do cơ quan chức năng tiến hành, mà ngay từ chính trong cộng đồng người dân, như mô hình vườn hoa, sân chơi ở một số địa điểm do người dân xây dựng là những mô hình tốt cần được nhân rộng.

Về vấn đề này, nhiều chuyên gia cũng đều nhất trí cho rằng “quản lý trật tự đô thị” là vấn đề khó, nhất là tại các đô thị đông dân, có tốc độ đô thị hóa nhanh như Hà Nội. Ngoài các đợt ra quân, điều quan trọng nhất là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp trước mắt và lâu dài để duy trì bền vững những kết quả đã đạt được, xây dựng Thủ đô Hà Nội đáp ứng những tiêu chí của đô thị văn minh, hiện đại, xứng tầm trong khu vực.

Một trong những bài toán đặt ra là cần ưu tiên đầu tư, xây dựng năm đô thị vệ tinh của Hà Nội theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, nhằm tạo việc làm, chỗ ở để thu hút lao động, giảm tình trạng quá tải về dân số, phương tiện tại khu vực đô thị trung tâm. Thành phố cần nhanh chóng xây dựng các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng dự án điểm đỗ xe mới, đồng thời rà soát, thúc đẩy thực hiện các dự án đã được phê duyệt, cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhất là bãi đỗ xe ngầm tại khu vực trung tâm thành phố, đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân. Ngoài xe buýt, cũng cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng mạng lưới vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như đường sắt đô thị, tàu điện ngầm...

Anh Tuấn

(Còn nữa)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này