Thị xã Sơn Tây: Tích cực phòng chống dịch tả lợn châu Phi

14:59 | 22/03/2019
(LĐTĐ) Dịch tả lợn châu Phi đang tiếp tục diễn biến phức tạp, để chủ động phòng chống dịch, các địa phương trên cả nước đang tích cực triển khai các biện pháp ứng phó, khống chế, ngăn chặn dịch bệnh từ xa, không để lan rộng. Trên địa bàn thị xã Sơn Tây, công tác tuyên truyền, giám sát phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã và đang được đẩy mạnh thực hiện. Nhờ sự chủ động này, ý thức của người chăn nuôi trên địa bàn đã được nâng cao. 
thi xa son tay tich cuc phong chong dich ta lon chau phi Thừa Thiên Huế: Xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi
thi xa son tay tich cuc phong chong dich ta lon chau phi Quyết liệt triển khai các giải pháp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi
thi xa son tay tich cuc phong chong dich ta lon chau phi Hà Nội lập nhiều chốt kiểm dịch, phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Diễn biến phức tạp

Số liệu thống kê cho thấy, trên địa bàn Hà Nội tính đến ngày 18/3, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 30 hộ chăn nuôi ở 14 xã thuộc 6 quận, huyện (Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Sóc Sơn, Gia Lâm, Quốc Oai). Tổng số lợn bị tiêu huỷ là 765 con với tổng trọng lượng 48.441kg.

thi xa son tay tich cuc phong chong dich ta lon chau phi
Sự tuyên truyền đồng bộ sẽ trực tiếp góp phần giúp người dân hiểu và không quay lưng với những sản phẩm thịt lợn sạch, đảm bảo an toàn

Đáng chú ý, dịch tả lợn châu Phi hầu hết xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa xuất hiện tại các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Dịch bệnh xảy ra tại các hộ chăn nuôi có sử dụng thức ăn dư thừa tận dụng từ nhà hàng, quán ăn trong điều kiện không thực hiện đầy đủ quy trình vệ sinh đối với người, phương tiện, dụng cụ.

Trước diễn biến lây lan của dịch tả lợn châu Phi, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở ngành, các địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch lây lan. Đặc biệt, công tác hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu huỷ được Thành phố chỉ đạo sát sao.

Tại hội nghị trực tuyến với các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan về công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đặc biệt nhấn mạnh, nếu không kiểm soát kịp thời, dịch tả lợn châu Phi sẽ ảnh hưởng lớn đến xã hội, từ kinh tế đến tâm lý người dân; yêu cầu các địa phương cần vào cuộc quyết liệt trên cơ sở nhận thức đúng đắn, đầy đủ những nguy cơ, tập trung tuyên truyền để các hộ chăn nuôi, nhất là các hộ nhỏ lẻ biết, chủ động phòng tránh trên cơ sở thực hiện có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học; phổ biến rộng rãi các biểu hiện về dịch bệnh để người dân biết.

Đối với các địa bàn chưa phát hiện dịch phải phổ biến các biện pháp chăm sóc, hạn chế thấp nhất việc sử dụng thức ăn thừa tại các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể cho lợn ăn; làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại; tuyên truyền để người dân không “tẩy chay” thịt lợn.

Trước dịch bệnh, mặc dù chưa có bất cứ sự cố gì về dịch bệnh xảy ra trên địa bàn nhưng thị xã Sơn Tây đã có nhiều biện pháp nhằm chủ động phòng chống dịch cũng như sẵn sàng các phương án dự phòng trong trường hợp xuất hiện ổ dịch. Thống kê cho thấy, trên địa bàn thị xã Sơn Tây có 23 trang trại, 2.984 hộ chăn nuôi với tổng đàn lợn 84.764 con, 21 chợ và 120 điểm, hộ giết mổ gia súc gia cầm.

Để chủ động phòng chống dịch, Trạm thú y thị xã phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức kiểm soát công tác giết mổ, vệ sinh thú y, tiêm phòng, khử trùng tiêu độc, thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm; tổ chức tập huấn cho trên 360 hộ kinh doanh, chăn nuôi, giết mổ; phát 10.500 tờ rơi tuyên truyền; ký cam kết đối với 6175 hộ chăn nuôi gia súc gia cầm.

Với chủ trương “Phòng bệnh là chính” công tác bảo đảm vệ sinh môi trường được các ban, ngành thị xã ưu tiên hàng đầu. Trạm Thú y với vai trò là cơ quan tham mưu đã phân công cán bộ thường xuyên bám sát cơ sở, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, thường xuyên thực hiện chế độ báo cáo hàng ngày về Chi cục Thú y Hà Nội; tổ chức phun tiêu độc khử trùng tại tất cả các khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, trang trại, hộ gia đình, đặc biệt là ở những nơi có nguy cơ cao, ổ dịch cũ, khu vực tập trung đông người; phối hợp với Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội tổ chức tập huấn về kỹ thuật nhận biết và các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi cho trên 400 hộ chăn nuôi lợn tại 6 xã; phát 10.500 tờ rơi tuyên truyền; ký cam kết đối với 6175 hộ chăn nuôi gia súc gia cầm... Nhờ đó, nhận thức của người chăn nuôi được nâng lên rõ rệt.

Chủ động tập huấn, phòng trừ

Chủ động tập huấn các biện pháp phòng chống bệnh, nâng cao ý thức cho người chăn nuôi đã và đang là biện pháp được nhiều địa phương thuộc địa bàn thị xã Sơn Tây đẩy mạnh thực hiện.

Theo ghi nhận tại xã Kim Sơn, hiện địa phương có 5 trang trại và 268 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn 4.900 con, trong đó có 1.000 con lợn nái và lợn giống, còn lại là lợn thương phẩm.

Mới đây, Trạm thú y thị xã phối hợp với Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội tổ chức tập huấn về kỹ thuật nhận biết và các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi cho trên 60 hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn xã.

Tại lớp tập huấn, các đại biểu được cán bộ của Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội giới thiệu về tình hình chăn nuôi và một số điểm nổi bật trong chăn nuôi lợn tại Hà Nội; tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam; đặc điểm của bệnh dịch tả lợn Châu Phi (lịch sử bệnh, dịch tễ, tác nhân gây bệnh, quá trình gây bệnh, triệu chứng, bệnh tích; lấy mẫu, chẩn đoán, xét nghiệm bệnh); định hướng, giải pháp phát triển chăn nuôi của Hà Nội cũng như một số chính sách liên quan đến hộ chăn nuôi.

Ông Kiều Bá Phượng, một hộ chăn nuôi lợn ở xã Kim Sơn cho biết: Hiện gia đình đang có hơn 200 đầu lợn thịt, lúc cao điểm có thể lên tới 300 con. Ông thường xuyên cập nhật tình hình dịch tả lợn Châu Phi mỗi ngày. Trước đây, gia đình ông phun khử trùng tất cả các khu chuồng nuôi 15 ngày/lần, nhưng thời gian gần đây, cứ 10 ngày phun 1 lần. Đối với phương tiện ra vào trang trại như xe chở cám cũng đều phải phun khử trùng và tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh cho đàn lợn.

Trước đó, ngày 6/3, UBND thị xã cũng tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với khả năng bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn thị xã tới lãnh đạo các phòng, ban liên quan và 15 xã phường.

Theo đó, thị xã yêu cầu lãnh đạo các xã phường ra quyết định thành lập ban chỉ đạo và ban hành đầy đủ các văn bản phòng chống dịch; tăng cường kiểm soát, nắm bắt tình hình, thống kê, tổ chức ký cam kết đối với các trang trại, hộ chăn nuôi lớn, đảm bảo không giết mổ, tiêu thụ, vận chuyển, vứt lợn chết, lợn ốm ra môi trường; báo ngay với cơ quan cấp trên khi nghi ngờ có đàn lợn mắc bệnh để xử lý theo đúng quy trình. Đồng thời cần tiếp tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân xây dựng chuỗi sản xuất liên kết sản phẩm chăn nuôi an toàn, bảo đảm an toàn dịch bệnh đối với các sản phẩm từ thịt lợn.

Một điểm đáng ghi nhận tại Sơn Tây là, công tác tuyên truyền cũng đặc biệt được coi trọng. Minh chứng dễ thấy là tại Cổng Thông tin điện tử, hệ thống loa truyền thanh thị xã và các xã phường thường xuyên đăng tải các biện pháp ngăn chặn, phòng chống dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm nhằm tránh gây hoang mang lo lắng cho nhân dân, để người dân không quay lưng với những sản phẩm thịt lợn sạch, đảm bảo an toàn.

P.H- Đ.Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này