Để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cung cấp nguồn lao động đạt yêu cầu:

Chỉ quy hoạch thôi chưa đủ

15:51 | 21/03/2019
(LĐTĐ) Không thể phủ nhận thời gian qua, hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn cả nước đã đào tạo nghề cho hàng chục nghìn lao động nông thôn… góp phần vào nguồn cung cho thị trường lao động, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động. Tuy nhiên, thực tế các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy mô còn nhỏ, năng lực quản lý và chất lượng đào tạo còn thấp, vì vậy, việc quy hoạch các cơ sở này để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; đặc biệt là thu gọn đầu mối quản lý gắn với tự chủ tài chính là việc làm cần thiết.
chi quy hoach thoi chua du Năm 2019: tạo chuyển biến mạnh mẽ, căn bản chất lượng giáo dục nghề nghiệp
chi quy hoach thoi chua du Tạo cơ hội học nghề, lập nghiệp và việc làm bền vững cho người lao động

Nhiều nhưng chưa tinh

Theo thống kê của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (BLĐTBXH) trong một văn bản gửi Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, tính đến ngày 31/12/2018, cả nước có 1.948 cơ sở GDNN. Trong đó, có 397 trường cao đẳng (309 trường công lập, 84 trường tư thục và 4 trường có vốn đầu tư nước ngoài), 519 trường trung cấp (283 trường công lập, 235 trường tư thục và 1 trường có vốn đầu tư nước ngoài) và 1.032 trung tâm GDNN (679 trung tâm công lập, 351 trung tâm tư thục và 2 trung tâm có vốn đầu tư nước ngoài).

Báo cáo với Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục -Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tại buổi làm với Bộ LĐTBXH mới đây, Thứ trưởng Lê Quân cho biết, sau khi Luật GDNN có hiệu lực, công tác tuyển sinh các năm 2017 - 2018 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2017, cả nước tuyển sinh được 2.204.400 người, đạt 100,1% so với kế hoạch; năm 2018 là 2,2 triệu lượt người.

chi quy hoach thoi chua du
Cơ cấu ngành nghề trong tuyển sinh GDNN đã từng bước được điều chỉnh theo nhu cầu thị trường lao động

Bên cạnh nguồn tuyển sinh tăng lên, cơ cấu ngành nghề trong tuyển sinh GDNN đã từng bước được điều chỉnh theo cơ cấu ngành, nghề trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và theo nhu cầu thị trường lao động; mở thêm nhiều ngành, nghề đào tạo mới phục vụ cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và giải quyết việc làm cho người lao động. Nếu như danh mục nghề đào tạo năm 1992 chỉ có 226 nghề đào tạo, thì đến năm 2019, số lượng ngành, nghề đào tạo ở trình độ cao đẳng là 630 ngành, nghề; trình độ trung cấp là 871 ngành, nghề bao trùm mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của nền kinh tế.

Mặc dù đã có những chuyển biến rõ nét, song đại diện Bộ LĐTBXH vẫn khẳng định cơ cấu các cấp trình độ đào tạo trong GDNN vẫn còn bất cập, số lượng tuyển sinh tập trung ở trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên (chiếm 75%), trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm khoảng 25% tổng số tuyển sinh cả nước. Bên cạnh việc tuyển sinh thuận lợi đối với những ngành, nghề phổ biến, có nhu cầu cao trong xã hội, một số lĩnh vực ngành, nghề tuyển sinh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là những ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, hay các lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao đòi hỏi cao về năng khiếu.

Quy hoạch để nâng cao chất lượng?

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động cũng như yêu cầu đặt ra trong việc tinh gọn các cơ sở giáo dục, triển khai xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở công lập, tháng 8/2018, Bộ LĐTBXH đã có Văn bản số 3487/LĐTBXH-KHTC hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá cơ sở GDNN thuộc phạm vi quản lý. Về lộ trình thực hiện, bảo đảm giảm tối thiểu 10% cơ sở GDNN công lập đến năm 2021, tiếp tục giảm tối thiểu 10% đến năm 2025.Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN nhằm giảm bớt đầu mối đơn vị sự nghiệp, tinh gọn bộ máy; tiết kiệm ngân sách; phát huy được các nguồn lực và thế mạnh hiện có, khắc phục sự chồng chéo trong tuyển sinh... Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề đang vướng với các bộ, ngành, địa phương.

Để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng được nhu cầu của thị trường các chuyên gia cho rằng điều quan trọng phải thực hiện một lúc 3 vấn đề. Thứ nhất, quy hoạch triệt để các trường lại với nhau; Thứ hai, giao một đầu mối quản lý là Bộ LĐTBXH. Thứ ba, đẩy nhanh quá trình tự chủ.

Nghĩa là Nhà nước chỉ ưu tiên lĩnh vực thuê đất, còn các cơ sở phải tự chủ về tài chính để cạnh tranh nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nghề. Nếu chỉ quy hoạch theo lộ trình mà các cơ sở giáo dục còn nhiều đầu mối quản lý, còn không đẩy mạnh quá trình tự chủ thì rất khó tạo ra những lao động đạt yêu cầu…

Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Nội vụ đánh giá, chất lượng GDNN ở Trung ương, bộ, ngành khá tốt, nhưng ở địa phương, đặc biệt là cấp huyện khó khăn. Nhiều cơ sở hoạt động không mấy hiệu quả, không có trang thiết bị, máy móc phục vụ đào tạo, chứ chưa nói học xong làm nghề gì. Do đó, cần sắp xếp hệ thống cơ sở GDNN gọn nhẹ, nhưng chất lượng tốt, góp phần làm giảm đầu mối biên chế, tránh lãng phí.

Ví dụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hiện có 31 trường (28 trường cao đẳng và 3 trường trung cấp) với số cán bộ quản lý và giáo viên trong biên chế của các cơ sở GDNN là gần 3.500 người. Tuy nhiên, đại diện Bộ này thừa nhận, chỉ 1/3 các trường tuyển sinh tốt, bảo đảm chất lượng đào tạo, sinh viên ra trường có việc làm, 1/3 trường tuyển sinh không đạt chỉ tiêu.

Thậm chí, không tuyển được mấy học sinh, nhưng vẫn phải chi lương cho giáo viên và bộ máy hoạt động. Vì thế, đại diện bộ này kiến nghị nên có cơ chế, chính sách cho người lao động để khuyến khích sắp xếp, giải thể. Còn đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cho hay, trong việc sáp nhập bài toán ở đây là sắp xếp lại các cơ sở GDNN gắn với nhu cầu thị trường, nhu cầu tổng thể của nền kinh tế trong 5 - 10 năm tới, cần bao nhiêu lao động, phân bổ trong những lĩnh vực nào, tiêu chuẩn ra sao... Việc xây dựng dự báo nhân lực qua đào tạo nghề của quốc gia đã được đặt ra, nhưng đó chỉ là một bước, vấn đề quan trọng là phải xây dựng được hệ thống thông tin để thu thập, dự báo xu thế, phân bổ nhu cầu về nguồn lao động qua đào tạo nghề... trên cơ sở đó cấu trúc lại hệ thống cơ sở GDNN.

Muốn hiệu quả cần bỏ chủ quản

Có thực tế hiện nay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang nhiều đầu mối chủ quản. Có cơ sở do Bộ LĐTBXH chủ quản; có cơ sở lại do bộ chuyên ngành chủ quản (như Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), rồi có các cơ sở do địa phương quản lý… dẫn đến tình trạng thiếu đồng nhất. Biên chế không ngừng tăng mà chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng được nhu cầu của thị trường các chuyên gia cho rằng điều quan trọng phải thực hiện một lúc 3 vấn đề. Thứ nhất, quy hoạch triệt để các trường lại với nhau. Thứ hai, giao một đầu mối quản lý là Bộ LĐTBXH. Thứ ba, đẩy nhanh quá trình tự chủ. Nghĩa là Nhà nước chỉ ưu tiên lĩnh vực thuê đất, còn các cơ sở phải tự chủ về tài chính để cạnh tranh nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nghề. Nếu chỉ quy hoạch theo lộ trình mà các cơ sở giáo dục còn nhiều đầu mối quản lý, còn không đẩy mạnh quá trình tự chủ thì rất khó tạo ra những lao động đạt yêu cầu…

H.P- T.Huyền

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này