Hướng đến nền hành chính không còn thông tư

13:19 | 15/03/2019
(LĐTĐ) Ngồi nhâm nhi cà phê, một doanh nhân trẻ nói vui: Đảng, Nhà nước đang triệt để tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy; Quốc hội đã thực hiện bước đi đầu tiên là tại Phiên họp thứ 32 vừa qua đã thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã… sao trong lĩnh vực văn bản pháp quy vẫn rất ít chuyển biến. Các văn bản dưới luật như thông tư của các bộ vẫn rất ‘to” là sao?
huong den nen hanh chinh khong con thong tu Hà Nội bãi bỏ 9 thủ tục hành chính lĩnh vực ATTP
huong den nen hanh chinh khong con thong tu Hà Nội quyết định bãi bỏ 82 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực nông nghiệp

Hướng đến mô hình quản lý không còn thông tư

Ở các nước phát triển, Luật là văn bản pháp quy cao nhất (sau Hiến pháp), duy nhất để quản lý Nhà nước. Ngoài Luật, đạo luật không có văn bản nào khác. Tuy nhiên, với đặc thù nước ta, dù Quốc hội đang cố gắng đổi mới công tác làm Luật, ban hành, thông qua các dự án luật theo hướng giảm các dự án luật khung thì hiện tại ít nhất vẫn có 3 loại văn bản quy phạm pháp luật, đó là: Luật do Quốc hội ban hành; Nghị định thực thi luật do Chính phủ ban hành; Thông tư hướng dẫn thực thi Luật, Nghị định do các bộ chủ quản ban hành.

Xét về phương diện quản lý với một hệ thống văn bản pháp quy như trên, nước ta được xếp hạng quản lý nhà nước chặt chẽ nhất. Tuy nhiên, xét dưới góc độ khoa học pháp lý và thực tiễn thì chính hệ thống văn bản luật như trên vô cùng rắc rối và hiệu quả không cao.

huong den nen hanh chinh khong con thong tu
Người dân, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn luật có hiệu lực là đi vào cuộc sống chứ không cần các văn bản dưới Luật hướng dẫn như Thông tư. ảnh minh họa

Đơn cử, khi Quốc hội xem xét, thông qua một dự án luật bất kỳ bao giờ cũng đề rõ ngày luật có hiệu lực (trước khi có hiệu lực Chủ tịch nước ký Lệnh ban hành). Nói một cách nôm na khi luật có hiệu lực nghĩa là các cơ quan hành pháp, tư pháp và mọi công dân bắt đầu thực thi theo luật. Nhưng khổ nỗi đa số là luật khung, nên khi luật có hiệu lực nhiều khoản không thể thực thi đành phải chờ Nghị định hướng dẫn do Chính phủ ban hành. Có nghị định của Chính phủ xong, nhiều doanh nghiệp thực thi theo luật, theo nghị định đến các cơ quan chuyên môn làm thủ tục… vẫn bị ách đơn giản vì lĩnh vực đó chưa có văn bản (thông tư) hướng dẫn của bộ chuyên ngành. Doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân đôi khi ngán ngẩm “kêu trời” tại sao thông tư to hơn cả luật!

Thế nên, bàn luận vấn đề này một số doanh nghiệp để cải cách hành chính một cách triệt để, để cải cách công tác làm luật trên cơ sở khoa học, biện chứng lấy người dân, cộng đồng doanh nghiệp làm mấu chốt đã đến lúc cần phải bỏ khâu giấy phép con là các thông tư hướng dẫn do các bộ chuyên ngành soạn thảo, ban hành. Ví dụ, khi Quốc hội đã thông qua một đạo luật liên quan đến quản lý thị trường, cùng lắm Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn là đủ, chứ không nhất thiết Bộ Công Thương phải ban hành thông tư hướng dẫn mới “thông”!

Những ví dụ điển hình

Lại nói về văn bản pháp quy. Ngay đến văn bản là nghị định của Chính phủ theo thông lệ liên quan đến lĩnh vực nào thì bộ, ngành đó soạn văn bản trình Chính phủ ký ban hành. Thế nên mới có chuyện vừa qua Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ liên quan đến những quy định hiện hành của Nghị định 136/2018/NĐ-CP sửa đổi một số điều các nghị định liên quan đến điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường đã tăng thêm điều kiện hành nghề tư vấn giá đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) là cơ quan soạn thảo.

Cụ thể, theo quy định mới, cá nhân có thẻ thẩm định viên về giá muốn hành nghề tư vấn xác định giá đất thì bắt buộc phải có giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học nghiệp vụ về định giá đất theo chương trình bồi dưỡng về định giá đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Theo Bộ Tài chính, quy định trên không phù hợp với Chương trình Tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020. Đặc biệt, không phù hợp với chủ trương của Chính phủ hiện nay là cắt giảm và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp, tạo ra sự chồng chéo trong các quy định pháp luật về thẩm định giá.Trong khi, quy định trước đó chỉ cần có thẻ thẩm định viên về giá hoặc có chứng chỉ định giá bất động sản hoặc chứng chỉ định giá đất là đủ điều kiện hành nghề này.

Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo lại các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực thẩm định giá đất, định giá đất, trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 136/2018/NĐ-CP theo hướng không làm tăng thêm thủ tục cho doanh nghiệp, không làm phức tạp thêm đối với hoạt động thẩm định giá đất, định giá đất.

Đấy là nghị định, còn dưới nghị định là thông tư đôi khi còn lắm nhiêu khê. Bộ Công Thương trong các năm 2017, 2018 được đánh giá là Bộ tiên phong về việc bãi bỏ giấy phép con để tránh phiền phức cho doanh nghiệp. Song theo phản ánh, bỏ được nhiều giấy phép này, thì giấy phép khác lại mọc lên. Cụ thể, liên quan đến lĩnh vực dệt may, trước đây Bộ đã bãi bỏ Thông tư 37/2015/TT-BCT về kiểm tra formaldehyde và các amin thơm với các lô hàng dệt may nhập khẩu.

Song bỗng dưng lại mọc ra Thông tư 21/2017/TT-BCT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may. Thông tư này được ban hành thay thế Thông tư 37/2015/TT-BCT. Theo đại diện Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương thì khi tạo một Hội thảo liên quan đến giấy phép con tổ chức mới đây, đã có nhiều doanh nghiệp phản ánh chính quy định trong Thông tư 21 khiến doanh nghiệp tốn kém về thời gian và kinh tế hơn trước.

Cụ thể, với quy định về phương pháp lấy mẫu phục vụ đánh giá sự phù hợp tại Thông tư 21/2017/TT-BCT, Thông tư 21/2017/TT-BCT chỉ khác Thông tư 37/2015/TT-BCT về thời điểm lấy mẫu là sau thông quan, còn dù doanh nghiệp nhập một mã hàng, chia thành 2 lô nhập về 2 cảng khác nhau, thì việc lấy mẫu sẽ vẫn thực hiện ở cả 2 lô. Nhưng Thông tư 21/2017/TT-BCT tạo thêm chi phí và thời gian tuân thủ vì các kết quả lấy mẫu sẽ được sử dụng để làm thủ tục về hợp quy, để có được tem QR dán trên sản phẩm.

Quy định này, không những làm doanh nghiệp không chỉ mất chi phí kiểm tra mẫu, mà còn chi phí in tem QR. Tem QR thì chỉ in khi có kết quả kiểm tra theo lô. Thời gian chờ đợi để có kết quả hợp quy khoảng 15 - 20 ngày. Trước đó, tại Hội nghị tổng kết năm 2018, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục ngừng áp dụng Thông tư 21/2017/TT-BCT do tốn nhiều thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp đã nói, chi phí họ phải bỏ ra gấp 3 lần so với trước đây. Còn về phía Bộ Công Thương không đồng tình.

Cụ thể, ngày 24/1/2019, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đã công bố trên trang thông tin chính thức của Bộ lý do phải thực hiện quy định này là để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và khẳng định quy định này không phát sinh các thủ tục hành chính do các cơ quan quản lý nhà nước không trực tiếp tác động vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ở đây không bàn về tính đúng, sai của văn bản mà chỉ xét góc độ xây dựng Luật. Tại sao Thông tư lại có quyền lớn thế? Trong khi Luật mới là văn bản pháp quy mang tính tối thượng. Bởi vậy, vì một Nhà nước pháp quyền, vì một xã hội mà “mọi công dân sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” đã đến lúc phải loại bỏ các văn bản con như thông tư ra khỏi công tác quản lý hành chính; Nhà nước…

L. Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này