Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, phụ nữ vẫn luôn giữ vị trí quan trọng và có những cống hiến hết sức to lớn, góp phần vào việc xây dựng nên truyền thống vẻ vang của dân tộc, đồng thời cũng tạo nên truyền thống của chính mình. Tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” chính là sự đúc kết sâu sắc truyền thống tốt đẹp đó.
Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát huy truyền thống tốt đẹp của mình, các chị em ngày càng phấn đấu không ngừng, học tập, rèn luyện, cống hiến tài năng cũng như trí tuệ cho đất nước. Không những khẳng định được vị trí, uy tín trên tất cả lĩnh vực trong nước, mà còn sánh vai cùng chị em phụ nữ các nước tiên tiến trên thế giới.
![]() |
Việc tổ chức cho cán bộ nhân viên nữ CNVCLĐ ngành GTVT Hà Nội đi tham quan, học tập và tìm hiểu di tích, lịch sử góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa thắt chặt thêm tình cảm đoàn kết, gắn bó bạn bè, đồng nghiệp. Ảnh: Minh Hoàn |
Đối với nữ CNVCLĐ ngành Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, họ không chỉ là một nửa của gia đình, của thế giới, mà còn là hậu phương vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của của từng đơn vị doanh nghiệp nói riêng và ngành GTVT Thủ đô nói chung.
Suốt những năm tháng qua, nữ CNVCLĐ ngành GTVT Hà Nội vẫn luôn nỗ lực, sáng tạo và hoàn thành xuất sắc công việc chuyên môn, nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ và nghiệp vụ. Thông qua phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, chị em còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động xã hội tại cơ quan, đơn vị thực hiện tốt thiên chức làm vợ, làm mẹ trong việc chăm sóc gia đình.
Vì những ý nghĩa trên, nhân dịp kỷ niệm 109 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và 1979 năm ngày khởi nghĩa Hai Bà Trưng, mới đây Ban Thường vụ Công đoàn ngành GTVT Hà Nội phối hợp với Ban Nữ công tổ chức chuyến tham quan cho các chị em phụ nữ các công đoàn cơ sở trực thuộc ngành GTVT Hà Nội.
Các địa điểm học tập, tham quan chủ yếu là mảnh đất Quảng Ninh - miền đất gắn liền với chiến thắng Bạch Đằng Giang lịch sử của vua Trần Hưng Đạo. Tại đây, đoàn đã đến các điểm di tích như: Bảo Quang Tự; khu di tích Bạch Đằng Giang… đặc biệt, ở khu di tích Bạch Đằng Giang, nhiều kiến thức lịch sử quý báu đã được truyền tải đến nữ CNVCLĐ ngành GTVT Hà Nội.
![]() |
Hoạt động này là dịp để các chị em phụ nữ gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ công việc, đồng thời trau dồi thêm kiến thức. Ảnh: Minh Hoàn |
Theo đó, khu di tích là quần thể lịch sử, văn hóa, gắn liền với 3 trận thủy chiến nổi tiếng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc: Năm 938, Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán; năm 981 Lê Hoàn đánh tan quân Tống và năm 1288 Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đánh tan quân Nguyên Mông.
Ngôi đền cuối cùng trong tứ linh từ của di tích là đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài tứ linh từ, khu di tích còn có đền thờ Thánh Mẫu, khu nhà bảo tàng trưng bày hiện vật cọc Bạch Đằng được bảo tồn nguyên trạng trong bể thủy tinh. Đặc biệt, từ ngôi chùa phỏng theo chùa Đồng (Yên Tử, Quảng Ninh) xây trên núi Tràng Kênh, du khách thấy được vẻ đẹp hữu tình của cả vùng Tràng Kênh.
Việc tổ chức cho cán bộ nhân viên nữ CNVCLĐ ngành GTVT Hà Nội đi tham quan, học tập và tìm hiểu di tích, lịch sử vừa thể hiện sự quan tâm của ban lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp trong toàn ngành, vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vừa là môi trường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho các thế hệ.
Không chỉ là chuyến tham quan thực tế ý nghĩa, hoạt động này còn là dịp để các chị em phụ nữ gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ công việc, đồng thời học tập, trau dồi thêm kiến thức, kĩ năng sống bổ ích và thắt chặt thêm tình cảm đoàn kết, gắn bó bạn bè, đồng nghiệp.
Minh Hoàn
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/giao-duc-truyen-thong-lich-su-van-hoa-qua-cac-chuyen-di-thuc-te-88425.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này