Nói không với sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông

10:47 | 01/03/2019
Uống rượu, bia từ lâu là thói quen của nhiều người. Tuy nhiên, lạm dụng rượu, bia lại vô cùng nguy hiểm, không chỉ gây tổn hại cho sức khỏe mà sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. 
phat nang hanh vi su dung ruou bia khi tham gia giao thong Phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến kiến một khu vực có chất lượng không khí kém
phat nang hanh vi su dung ruou bia khi tham gia giao thong Công nhân cần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông
phat nang hanh vi su dung ruou bia khi tham gia giao thong Triển khai đồng bộ nhiều biện pháp

Thực tế đã chứng minh, ở các vụ tai nạn giao thông (TNGT) mà người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia, chất kích thích mức độ nghiêm trọng của vụ việc sẽ cao hơn rất nhiều so với bình thường. Đáng nói, theo Nghị định 46, người điều khiển phương tiện sử dụng, rượu bia khi tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền đến 17 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 5 tháng. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông vẫn diễn biến phức tạp.

phat nang hanh vi su dung ruou bia khi tham gia giao thong
Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện (ảnh L.Đ)

Tại Hà Nội, việc xử lý những vi phạm liên quan đến nồng độ cồn đã và đang được các ngành chức năng triển khai đồng bộ, mạnh mẽ với quyết tâm phòng, tránh các vụ TNGT thương tâm có thể xảy ra. Theo ghi nhận, đối với hành vi vi phạm này, lực lượng chức năng kiên quyết lập biên bản, giữ phương tiện và hướng dẫn người say rượu ra về bằng các hình thức an toàn. Tuyệt đối không để người say rượu tiếp tục điều khiển phương tiện, bởi có nguy cơ cao đến tính mạng chính họ, hoặc những người cùng lưu thông.

Theo Ủy ban ATGT quốc gia, đơn vị đã phối hợp Hiệp hội các doanh nghiệp Rượu châu Á - Thái Bình Dương (APIWSA) tiến hành nghiên cứu độc lập ảnh hưởng của việc lạm dụng rượu, bia đến hành vi điều khiển mô-tô, xe máy tại Việt Nam. Qua nghiên cứu cho thấy có tới 70% số người sau khi uống rượu, bia tại các nhà hàng vẫn tiếp tục tự lái xe, với tỷ lệ vi phạm các quy tắc ATGT rất cao: 36% chuyển hướng không đúng quy định, 26% đi ngược chiều, 17% không bật đèn xe...

Ủy ban ATGT Quốc gia cũng xác định, nguyên nhân TNGT do vi phạm nồng độ cồn còn chiếm tỷ lệ cao là do thói quen sinh hoạt, tập quán văn hóa chúc tụng nhau uống rượu bia vào dịp lễ, Tết; hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục và tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm còn hạn chế; các cán bộ, đảng viên chưa phát huy tốt vai trò nêu gương trong việc thực hiện quy định “đã uống rượu bia, không lái xe”;…

Để khắc phục tình trạng này, lực lượng CSGT, lực lượng Thanh tra giao thông các địa phương cần phải tăng cường kiểm tra, xử phạt các lái xe vi phạm nồng độ cồn tại các bến xe.

Bên cạnh đó, các ban ngành chức năng phải đề ra chế tài xử lý nghiêm đối với các chủ cơ sở kinh doanh vận tải nếu để lái xe sử dụng các chất có cồn khi tham gia giao thông. Siết chặt quy trình cấp mới, cấp lại giấy phép lái xe trong trường hợp người lái xe bị thu bằng do vi phạm nồng độ cồn…

Hạn chế tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia là vấn đề của toàn xã hội. Mỗi cá nhân, gia đình, địa phương và các cơ quan chức năng cần phải phối hợp chặt chẽ giáo dục quản lý và xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm. Nhưng trên hết, ý thức người tham gia giao thông là yếu tố quan trọng hàng đầu, góp phần giảm tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia gây ra.

Luyện Đinh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này