Hành trình chở mùa Xuân đến với những “pháo đài thép” giữa biển khơi

Kỳ cuối: Đất nước mãi gọi tên

21:23 | 25/02/2019
(LĐTĐ) Trong hành trình chở mùa Xuân đến với những “pháo đài thép” giữa biển khơi, đoàn công tác chúng tôi cùng tham dự lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc trong không khí xúc động và thiêng liêng.  
ky cuoi dat nuoc mai goi ten Kỳ 4: Sức sống mới trên những “pháo đài thép”
ky cuoi dat nuoc mai goi ten Kỳ 3: Đón Xuân trên những “ngôi nhà” giữa biển
ky cuoi dat nuoc mai goi ten Kỳ 2: Vượt sóng gió chở mùa Xuân ra nhà giàn

Đứng trầm ngâm trên boong tàu, ánh mắt nhìn xa xăm, Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn DK1, người có thâm niên 14 năm công tác trên các nhà giàn DK1 chia sẻ với chúng tôi: “Tôi có rất nhiều kỷ niệm, tình bạn, tình đồng chí ở nhà giàn DK1 trong những năm tháng gian khổ. Chúng tôi gửi gắm cho nhau rất nhiều tin, yêu, đoàn kết cùng vượt qua những lúc khó khăn.”

Giọng trầm buồn, Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh cho biết, điều khiến ông ám ảnh và khó quên nhất chính là vào năm 1998, cơn bão số 8 – một cơn bão mạnh trên cấp 12 tràn qua vùng biển DK1, sau nhiều giờ chống chọi với trận cuồng phong, những cơn sóng dữ với đỉnh sóng cao 15 – 16 mét, nhà giàn DK1/6 (cụm Phúc Nguyên) đã bị đổ, 03 người đồng đội của ông đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi. Thời điểm đó, ông đang làm nhiệm vụ ở một nhà giàn khác chỉ cách nhà giàn DK1/6 vài hải lý.

ky cuoi dat nuoc mai goi ten
Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc trong không khí xúc động và thiêng liêng.

Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh vẫn còn nhớ như in, giữa biển khơi mênh mông, đêm tối mịt mùng, sóng gió vùi dập nhưng cán bộ chiến sỹ trên nhà giàn vẫn kiên cường bám trụ bảo vệ nhà giàn, liên tục giữ vững thông tin liên lạc, bình tĩnh, dũng cảm chống chọi với bão tố, dự kiến những tình huống xấu nhất có thể xảy ra và tìm mọi biện pháp để giảm thấp nhất thiệt hại về người và trang thiết bị kỹ thuật. Tuy nhiên, do trong một thời gian dài phải chống chọi với những trận cuồng phong, những cơn sóng dữ với đỉnh sóng cao 15 – 16 mét cùng với sức gió giật mạnh làm cho nhà giàn bị rung chấn dữ dội.

Đến rạng sáng, thời điểm mà sức mạnh và sự tàn phá của bão số 8 lên đến đỉnh điểm, cũng là lúc nhà giàn DK1/6 bị quật đổ, toàn bộ cán bộ chiến sỹ trên nhà giàn bị hất tung xuống biển. 03 cán bộ chiến sỹ là Đại úy Vũ Quang Chương – Trạm trưởng, người đã chỉ huy các cán bộ chiến sỹ kiên trì bám trụ, bảo vệ nhà trạm đến phút cuối cùng; Chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng – nhân viên Ra đa; Chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An – nhân viên cơ điện đã mãi mãi ở lại với biển khơi.

Trước những mất mát, hi sinh của đồng đội, không giấu nổi niềm xúc động, Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh bộc bạch lòng mình qua những vần thơ đầy xúc cảm: “Ngỡ ngưng bom đạn chiến trường/ Mà sao sinh tử vẫn thường xảy ra/ Trong cơn hồng thủy phong ba/ DK1 - Bản hùng ca lưu đời...”. Thi thể các anh đã hóa thân vào sóng nước của đại dương mênh mông nhưng tinh thần quả cảm, tấm gương anh dũng hi sinh của vì sự nghiệp bảo vệ nhà giàn, bảo vệ chủ quyền vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc mãi in đậm trong nỗi tiếc thương, sự cảm phục và niềm kiêu hãnh của cán bộ, chiến sỹ Hải quân, của người dân đất Việt.

Và hôm nay, giữa biển trời bao la, tại bãi cạn Phúc Tần, những hi sinh quả cảm của các cán bộ chiến sỹ khi đang làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc đã được trân trọng nhắc nhớ. Trong bài diễn văn đầy xúc động, Đại tá Nguyễn Quốc Văn, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân khẳng định, gần 30 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Hải quân, trực tiếp là cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn DK1 Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã gác lại những tình cảm và bao dự định để ra nhà giàn làm nhiệm vụ trong điều kiện vô vàn khó khăn, khắc nghiệt. Trong đó, có những người mãi mãi nằm xuống khi đang làm nhiệm vụ.

ky cuoi dat nuoc mai goi ten
Đất nước mãi gọi tên những anh hùng liệt sỹ đã hi sinh khi làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc

Đó là cán bộ, chiến sỹ nhà giàn DK1/3 (cụm Phúc Tần) đã anh dũng đối diện và chống chọi với cơn bão số 10 năm 1990, có sức gió giật trên cấp 12. Trong lúc kiên cường chống chọi bão dữ, Thượng úy Trần Hữu Quảng, khi biết mình không còn khả năng chống đỡ đã nhường mảnh phao và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sĩ yếu nhất, mong đồng đội có cơ hội trở về với đất mẹ yêu thương. Cơn bão quật đổ nhà giàn, cùng với Thượng úy Trần Hữu Quảng, Thượng úy Trần Văn Là và chiến sĩ Hồ Văn Hiền đã mãi mãi ra đi. Hay các cán bộ chiến sỹ của nhà giàn DK1/6 đã anh dũng hi sinh khi nhà giàn bị cơn bão số 8 năm 1998 quật đổ. Đại úy Vũ Quang Chương, trước khi rời nhà giàn không nghĩ đến bản thân mình mà lo thu xếp tài liệu, cuốn theo lá cờ đỏ sao vàng mang hình Tổ quốc; Chuẩn úy Lê Đức Hồng, Chuẩn úy Nguyễn Văn An vẫn kiên cường bám trụ, bình tĩnh, dũng cảm chống chọi với sóng to, gió lớn đến phút cuối cùng.

Đất nước vẫn gọi tên các anh: Thượng úy Phạm Tảo, Chuẩn úy Lê Tiến Cường, chiến sĩ Tạ Ngọc Tú… những người đã anh dũng hi sinh để đồng đội được sống. Linh hồn những chàng trai con Lạc, cháu Hồng đã hóa thân vào sóng nước đại dương mênh mông. Máu xương các anh đã thấm đẫm, hòa quyện với từng con sóng, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong giờ phút thiêng liêng, Đại tá Nguyễn Quốc Văn khẳng định: “Gương hy sinh của đồng đội đã trở thành biểu tượng cao đẹp của người chiến sĩ Hải quân trong thời kỳ mới. Sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn ở thềm lục địa phía Nam đã góp phần bồi đắp vững chắc tượng đài chủ quyền vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc”.

Mai Quý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này