Mặt trận cần tăng cường đồng thuận xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước

20:22 | 08/02/2019
(LĐTĐ) Mặt trận các cấp cần tổ chức bồi dưỡng, tập huấn sâu theo từng chuyên đề giám sát, phản biện xã hội. Cùng với đó cần kết hợp liên thông ba nhiệm vụ: Giám sát; phản biện; góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, qua đó tăng cường đồng thuận xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ.
Trên 1,79 triệu suất quà Tết trị giá gần 900 tỷ đồng được trao tới người nghèo
Xứng đáng với vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng
Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội: Nhiều cách làm mới, chủ động, sáng tạo

Nhân dịp Xuân mới, TS Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã trao đổi với báo chí về quyết tâm chủ động, đổi mới của Mặt trận để Mặt trận thực sự là “cầu nối” vững chắc giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, làm cho nhân dân tin tưởng nhằm chủ động phản ảnh, góp ý kiến, tham gia những vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Mặt trận cần tăng cường đồng thuận xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn dự Ngày hội đại đoàn kết tại phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, để nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội, phát huy vai trò của của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cần phải thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như:

Việc đầu tiên là phải tiếp tục phát huy vai trò chủ thể, chủ động, tích cực làm tốt việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hằng năm; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác giám sát và phản biện xã hội. Làm tốt nhiệm vụ đề xuất thể chế quy định những nội dung cần giám sát, phản biện xã hội; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trong tổ chức thực hiện.

Mặt trận các cấp cần tiếp tục đề xuất thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc; phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”; hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát huy vai trò của nhân dân trong quyết định những vấn đề lớn của đất nước.

“Tôi đề nghị Mặt trận các cấp cần tổ chức bồi dưỡng, tập huấn sâu theo từng chuyên đề giám sát, phản biện xã hội. Cùng với đó cần kết hợp liên thông ba nhiệm vụ: Giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tăng giám sát vụ việc qua giám sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, thực hiện ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; công khai kết luận thanh tra, tính khách quan của các chỉ số hài lòng; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; vấn đề báo chí dư luận đang quan tâm, nhân dân đang bức xúc, góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”, tăng đồng thuận xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ", Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh.

Mặt trận cần tăng cường đồng thuận xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh giám sát hoạt động của Tổng Cục thuế

Tại Điều lệ của MTTQ Việt Nam đã thể hiện rõ việc Đảng là thành viên lãnh đạo của Mặt trận, chính vì vậy, ở đâu có sự quan tâm của cấp ủy các cấp thì hoạt động giám sát, phản biện xã hội sẽ đi đến thành công.

Việc quan tâm của cấp ủy phải bằng những việc làm cụ thể như bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị cho Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội để có đủ khả năng thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội; định kỳ lắng nghe và góp ý kiến vào báo cáo kết quả giám sát, chỉ đạo UBND, các cơ quan thực hiện các kiến nghị của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội sau giám sát; chủ động đề nghị MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phản biện xã hội đối với các dự thảo Nghị quyết quan trọng của cấp ủy.

Vấn đề tiếp theo là Mặt trận các cấp cần tăng cường tổ chức Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân, tập trung góp ý vào việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, những vấn đề “nóng” mà nhân dân địa phương quan tâm.

Yếu tố tiếp theo phải kể đến là vai trò quan trọng của chính quyền, theo đó, chính quyền cần có chương trình phối hợp cụ thể hằng năm với MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp. Tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội của mình.

Yếu tố cuối cùng phải kể đến đó là Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục nghiên cứu, xây dựng quy trình tập hợp ý kiến nhân dân, phát huy tốt nhất vai trò và trí tuệ của các vị ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, các vị nhân sĩ, trí thức, các giới, dân tộc, tôn giáo, các nhà khoa học, các chuyên gia, người uy tín, đoàn viên, hội viên và sự ủng hộ của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII khẳng định: “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân để tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt dân chủ, giám sát, phản biện xã hội, tăng cường đồng thuận xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này