Góc nhìn của Bộ trưởng và chuyên gia kinh tế

14:28 | 02/01/2019
(LĐTĐ) Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bắt đầu có hiệu lực từ trung tuần tháng 1 này. Vấn đề đặt ra chúng ta phải giải bài toán CPTPP như thế nào để thực sự đưa nền kinh tế cất cánh. Đây cũng chính là nội dung mà Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trao đổi với báo chí và chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đề cập.
goc nhin cua bo truong va chuyen gia kinh te 85601 Xây dựng nguồn nhân lực để tận dụng cơ hội mà CPTPP mang lại
goc nhin cua bo truong va chuyen gia kinh te 85601 Các nước đánh giá cao việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định CPTPP
goc nhin cua bo truong va chuyen gia kinh te 85601 Chia sẻ thông tin về các cam kết của Việt Nam trong CPTPP
goc nhin cua bo truong va chuyen gia kinh te 85601
Tham gia CPTPP cơ hội xuất khẩu hàng hóa càng nhiều. Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh:

Cần giải quyết 3 nội dung quan trọng

goc nhin cua bo truong va chuyen gia kinh te 85601

Hiệp định CPTPP đã chính thức được thông qua, đây là một quyết định chính trị quan trọng thể hiện bản lĩnh, tầm nhìn xa trông rộng của Đảng và Nhà nước ta vì lợi ích đất nước. Thế nhưng, để hiện thực hóa thành công các cơ hội từ CPTPP, nâng cao năng lực của cả chính quyền và doanh nghiệp, Việt Nam phải giải quyết được ba nội dung đó là: Sửa đổi luật pháp; công tác liên quan đến thông tin và truyền thông; chương trình hành động của Chính phủ.

CPTPP được Quốc hội thông qua là sự kiện có ý nghĩa rất lớn với Việt Nam, đánh dấu việc chúng ta đã trưởng thành trong quá trình hội nhập mang tính chủ động, xuyên suốt và hội nhập sâu rộng với thế giới. Thế nhưng, khi CPTPP có hiệu lực thì chúng ta cần điều gì? Điều đầu tiên chúng ta phải nhắc đến đó là chương trình sửa đổi luật pháp, trong đó, với việc sửa đổi và bổ sung 8 Bộ luật cùng hàng loạt Nghị định và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thì chúng ta hoàn toàn tự tin vào việc triển khai mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế khi CPTPP có hiệu lực một cách hiệu quả nhất.

Đây cũng là nội dung vô cùng quan trọng mà chúng ta phải thực hiện khi CPTPP chính thức có hiệu lực, bởi nó sẽ là những nội dung đòi hỏi chúng ta phải có những cải cách mạnh mẽ trong toàn bộ các lĩnh vực. Và nó không chỉ liên quan đến vấn đề quản lý nhà nước, quản lý của các ngành đối với xã hội, mà còn liên quan đến cả đến các thể chế, qua đó, chúng ta sẽ có những bước đi hướng đến sự bền vững trong tương lai.

Nội dung quan trọng thứ hai đó chính là Chương trình công tác liên quan đến vấn đề thông tin tuyên truyền, đây cũng là nội dung rất quan trọng bởi nó đảm bảo sự chia sẻ, hiểu biết, cũng như là quán triệt của tất cả các chủ thể trong hệ thống chính trị và xa hội của chúng ta.

Trong đó, bao gồm từ các tổ chức chính trị, các cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, cũng như người dân… bảo đảm phát huy và khai thác được các điểm mạnh, những lợi thế về kinh nghiệp trước đây, cũng như khắc phục được những tồn tại trong giai đoạn sắp tới đây.

Và nội dung cuối cùng đó chính là Chương trình hành động của Chính phủ, chương trình này bao gồm những nội dung quan trọng liên quan đến tình hình của từng ngành, từng loại hình kinh tế, từng bộ ngành quản lý nhà nước… Thậm chí, là cả những tổ chức trong hệ thống chính trị của chúng ta trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Vì vậy, tôi cho rằng chương trình hành động này sẽ có tính tổng thể và toàn diện tác động chung đến nền kinh tế của Việt Nam…

Như vậy, quá trình cải cách này bao gồm cả những cải cách hết sức quan trọng sẽ liên quan đến rất nhiều khía cạnh, trong đó nó sẽ mang lại sức bật mới, trở thành động lực mới cho những phát triển của chúng ta cả về kinh tế - xã hội và các nền tảng khác của đất nước trong giai đoạn phát triển tới đây. Vì vậy việc tổ chức xây dựng chương trình hành động tổng thể cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân có ý nghĩa then chốt để các chủ thể có điều kiện triển khai hành động, khai thác các thời cơ, vượt qua thách thức.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú:

Nâng cao sức cạnh tranh ở thị trường nội địa

goc nhin cua bo truong va chuyen gia kinh te 85601

Hiệp định này với mức độ cam kết mở cửa thị trường, được xem là kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam mở rộng xuất khẩu, tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, ngoài những tác động tích cực thì CPTPP vẫn còn nhiều thách thức đặc biệt là ngành nông nghiệp và da giày. Để giải bài toán này, bên cạnh việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thì doanh nghiệp Việt cần nắm chắc thị trường nội địa.

Chỉ còn không lâu nữa là Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực, có thể thấy, việc ký kết Hiệp định này là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường mới như: Canada, Peru, Mexico... Các doanh nghiệp (DN) trong nước sẽ có nhiều thuận lợi để gia tăng kim ngạch xuất khẩu vì hầu hết sản phẩm từ Việt Nam vào một số nước như Nhật Bản, Úc đều có thuế suất bằng 0%, cũng như các nguyên vật liệu đầu vào cũng không còn thuế. Trong khi đó, các đối thủ ở nhiều nước khác khi vào những thị trường này phải chịu thuế lên đến 30%.

Tuy nhiên, từ thực tiễn thương mại song phương giữa Việt Nam và 7 nước còn lại trong Hiệp định CPTPP sẽ khiến cho các DN Việt Nam gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là DN trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, đối với mặt hàng nông sản, để xâm nhập và chiếm lĩnh được những thị trường các nước CPTPP, nông sản Việt Nam đang có lợi thế xuất khẩu như: Gạo, cà phê, tiêu, điều, thủy sản... cần vượt qua được các hàng rào kỹ thuật và các biện pháp kiểm dịch vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nếu không, dù thuế suất nhập khẩu của các thị trường này bằng 0% thì sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cũng không thể tiếp cận, mở rộng thị trường.

Do vậy, thách thức đối với các DN đến từ việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, tổ chức lại sản xuất, quản lý lao động và tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường trong khối. Bên cạnh mặt hàng nông sản, các sản phẩm chăn nuôi như: Thịt lợn, thịt gà, thịt bò… có thể sẽ phải đối mặt với thách thức lớn do sức cạnh tranh kém. Trong nông nghiệp, trừ mặt hàng gạo, thuế quan hiện hành của các nước với sản phẩm chăn nuôi không cao, vì thế, việc hạ thấp thuế quan trong CPTPP không tạo ra nhiều tác động xuất khẩu.

Trong khi đó, thị trường trong nước lại đang bị các DN “bỏ quên”. Cụ thể, các mặt hàng như xoài Nhật Bản, thanh long Đài Loan… thường có giá cao ngất ngưởng, vẫn “cháy hàng” ở thị trường Việt Nam, trong khi Việt Nam có rất nhiều mặt hàng chất lượng cao lại mang đi xuất khẩu. Nhiều người Việt Nam có nhu cầu về hàng chất lượng cao, và rất nhiều mặt hàng Việt Nam xuất khẩu được thị trường thế giới đón nhận nhưng Việt Nam lại nhập khẩu các mặt hàng đã từng xuất khẩu.

Ngoài ra, khi CPTPP chính thức có hiệu lực các ngành dự kiến có mức tăng trưởng lớn sẽ là thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, dệt may, một số phân ngành sản xuất và dịch vụ. Trong đó, mức tăng trưởng lớn nhất là ở các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, dệt may, hóa chất, sản phẩm nhựa và đồ da, trang thiết bị vận tải, máy móc và các trang thiết bị khác…

Do đó, để có thể tận dụng được các cơ hội từ Hiệp định này, cũng như để thị trường trong nước không rơi vào tay các DN ngoại, không chỉ riêng đối với các DN thuộc ngành nông nghiệp, mà tất cả các DN thuộc lĩnh vực sản xuất, dịch vụ cần có chiến lược giành lấy thị trường nội địa. Khi nắm chắc thị trường nội địa, nâng cao sức cạnh tranh, thì việc xuất khẩu cũng sẽ thuận lợi và đạt hiệu quả cao nhất.

Đỗ Đạt (ghi)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này