Chi tiêu dịp Tết: Khi công nhân là “kế toán trưởng”

11:43 | 28/12/2018
(LĐTĐ) Tết đến, xuân về là dịp để những người lao động xa quê trở về đoàn tụ với gia đình nhưng với nhiều công nhân lao động còn gặp khó khăn về kinh tế thì việc có về quê ăn Tết hay ở lại thành phố để làm thêm là một nỗi niềm trăn trở. Đặc biệt là đối với những gia đình không cùng chung hai quê nội, ngoại thì nỗi niềm trăn trở này lại càng lớn hơn.
chi tieu dip tet khi cong nhan la ke toan truong Xóm trọ công nhân và nỗi lo “bà hỏa”
chi tieu dip tet khi cong nhan la ke toan truong Chế độ phụ cấp đối với kế toán trưởng

Những ngày cuối năm, đến với công nhân lao động, chúng tôi có dịp được trò chuyện và thấu hiểu những nỗi niềm của người lao động xa xứ mỗi dịp Tết đến xuân về. Có nhiều người, để chuẩn bị về quê sum họp cùng gia đình nhân dịp nghỉ tết Nguyên đán, họ đã chủ động tìm kiếm việc làm thêm để có chút dư dả trang trải cho ngày Tết.

chi tieu dip tet khi cong nhan la ke toan truong
Dịp nghỉ tết, nhiều công nhân trăn trở nên về quê đón tết hay ở lại thành phố làm thêm

Nhưng cũng có không ít gia đình công nhân lao động, do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên những ngày này họ luôn đắn đo, trăn trở có nên về quê ăn tết hay ở lại làm thêm để vừa tiết kiệm được chi phí lại có thêm thu nhập cho gia đình. Nhất là đối với những gia đình công nhân không cùng chung hai quê nội, ngoại thì nỗi trăn trở này càng lớn hơn bao giờ hết.

Tết là dịp để đoàn viên, song những năm qua Tết cũng trở thành gáng nặng. Đối với những người có thu nhập cao, khá cao; có tích lũy thì chuyện tiền Tết họ không mấy bận tâm. Song đối với những người có thu nhập trung bình như công chức, viên chức, người lao động, công nhân làm việc xa nhà thì quả là đau đầu.

Tiền chi tiêu Tết cho gia đình và biếu nội, ngoại; tiền “ngoại giao”, tiền tàu, xe… tính sơ sơ cũng lên con số hàng triệu. Bởi thế, dẫu không học kế toán, song mỗi công nhân lao động cứ dịp Tết đến lại trở thành “kế toán trưởng” của chính mình.

Đã 3 năm nay, gia đình chị Huệ (công nhân đang làm việc tại Công ty Yamaha, KCN Nội Bài) chưa về quê ở Hà Tĩnh để đón Tết cùng ông bà, người thân. Những tưởng, chị đã quen với cảnh ăn Tết xa nhà nhưng khi được hỏi về mong ước trong dịp Tết đến xuân về, chị Huệ không giấu nổi niềm xúc động, chị rưng rưng: “Tết đến, tôi chỉ mong được cùng chồng và các con về quê sum họp cùng ông bà, người thân trong gia đình. Cứ nghĩ đến cảnh mọi người được quây quần bên nhau, cùng nhau ăn bữa cơm tất niên, cùng nhau đón giao thừa và trao nhau những lời chúc mừng năm mới tôi lại thấy nôn nao. Vì không có điều kiện về kinh tế nên đã 3 năm rồi, gia đình tôi không về quê ăn Tết, năm nay, các con cũng muốn được về quê thăm ông bà nhưng nghĩ đến vấn đề tài chính khiến vợ chồng tôi lại băn khoăn không biết có nên về hay không?”

Chị Huệ phân tích, về quê ăn Tết bao giờ cũng vui và hạnh phúc nhất, nhưng trước mắt là đã thấy tốn khá nhiều tiền nào tiền tàu xe, quà cáp, tiền mừng tuổi rồi đủ loại chi phí phát sinh, về có mấy ngày nhưng tốn cả chục triệu, với công nhân lao động, số tiền đó không phải là ít. Trong khi nếu ở lại thành phố và kiếm việc làm thêm ngày Tết thì vừa tiết kiệm được khoản chi phí về quê vừa có thêm khoản thu nhập từ việc làm thêm. Như Tết năm ngoái, chị ở nhà trông con còn chồng đi làm thêm ở nhà hàng cũng kiếm được mấy triệu. Chính vì thế, vợ chồng chị đang đắn đo suy nghĩ.

Tan ca làm, chị Thủy (công nhân đang làm việc tại Công ty Roki, KCN Nội Bài) vội phóng xe ra khỏi cổng khu công nghiệp để đến cửa hàng quần áo trẻ em gần nơi chị thuê trọ. Theo chị Thủy, buổi sáng khi đi làm qua cửa hàng chị thấy treo biển giảm giá từ 20 – 50% nên sau khi làm xong chị vội về đây với mong muốn mua được bộ quần áo làm quà Tết cho con chị ở quê.

Hai năm nay, dịp nghỉ tết Nguyên đán, thay vì bỏ chi phí để về thăm con và đón tết cùng gia đình, vợ chồng chị dùng số tiền đó để trang trải nợ nần và gửi cho ông bà nội để mua thêm đồ chăm lo cho con.

Ngoài ra, tranh thủ những ngày nghỉ Tết, hai vợ chồng chị đăng ký phụ việc tại các quán ăn để kiếm thêm thu nhập.“Hai vợ chồng tôi làm công nhân, lương cũng đủ chi tiêu hàng tháng và gửi về nhờ ông bà nội nuôi con. Hôm trước, đứa con gái 4 tuổi gọi điện thoại nói chuyện rồi đột nhiên con khóc và nói nhớ bố mẹ, đòi bố mẹ tết này về với con. Nghe tiếng con mà tôi như đứt từng khúc ruột. Lúc đó tôi chỉ cố nuốt nước mắt vào trong và nói với con là bố mẹ mua quần áo đẹp cho con, con ở nhà với ông bà ngoan, qua Tết bố mẹ về với con” - chị Thủy nghẹn ngào nói.

Tuy cũng có đắn đo về vấn đề kinh tế chi tiêu trong những ngày Tết nếu như về quê đón Tết cùng gia đình, nhưng vợ chồng anh Tuấn (công nhân đang làm việc tại KCN Thăng Long) vẫn quyết định sẽ đưa các con về quê Nghệ An để thăm và đón Tết cùng hai bên gia đình nội, ngoại. Bởi đã mấy năm rồi vợ chồng anh và các con chưa về thăm họ hàng hai bên nội, ngoại, hơn nữa, dịp này về, vợ chồng anh sẽ tiết kiệm được khoản tiền vé xe.

Theo anh Tuấn, được biết, năm nay LĐLĐ TP Hà Nội tiếp tục triển khai Chương trình “Xe ô tô miễn phí đưa công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết Kỷ Hợi- 2019”.Tiêu chí đối với công nhân lao động thuộc diện được hỗ trợ là đang làm việc trong các KCN - CX Hà Nội, có hoàn cảnh khó khăn, quê ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; chấp hành tốt nội quy, kỷ luật lao động, tích cực tham gia các hoạt động công đoàn…

Xét thấy mình đáp ứng được các tiêu chí đưa ra nên anh quyết định đăng ký để cả gia đình được miễn phí vé xe về quê đón Tết. “Chương trình đưa công nhân về quê ăn Tết của LĐLĐ TP Hà Nội rất có ý nghĩa, nó không chỉ thể hiện sự quan tâm, chăm lo cho công nhân lao động của tổ chức Công đoàn mà còn góp phần hiện thực hóa mong muốn của những công nhân có hoàn cảnh khó khăn được sum vầy cùng gia đình trong dịp nghỉ Tết cổ truyền của dân tộc”.

Về quê ăn Tết cùng gia đình, ngoài lo lắng về điều kiện kinh tế, những gia đình công nhân không cùng hai quê nội, ngoại lại có thêm một nỗi niềm trăn trở nữa là sẽ về thăm bên nào? Vợ chồng anh Thuận, chị Mai (đang làm việc tại KCN Thăng Long), một người quê Nghệ An, một người ở Lào Cai, mặc dù đã nên duyên vợ chồng mấy năm nay nhưng chưa năm nào ngày tết gia đình anh chị được ăn Tết cùng hai bên nội, ngoại.

“Hằng năm, cứ gần đến Tết là hai vợ chồng tôi lại phải tính toán xem về quê nội hay ngoại để đón Tết. Thực ra, ai cũng muốn về thăm quê, thăm họ hàng nhưng do khoảng cách địa lý hai bên nội, ngoại xa quá, không có thời gian để đi mà có đi thì cũng không đủ điều kiện kinh tế. Vậy nên, chúng tôi thường lựa chọn phương án là chồng hoặc vợ sẽ đưa con về quê ăn Tết, người còn lại sẽ tranh thủ làm thêm mấy ngày Tết để phụ tiền xe, tiền quà rồi đến dịp con được nghỉ hè, sẽ xin nghỉ phép ở công ty để cùng con về thăm gia đình” – chị Mai chia sẻ.

Tiếp sau lời của vợ, anh Thuận cho biết: “Năm nay do gặp khó khăn về kinh tế, vợ chồng tôi mất một khoản để lo chữa bệnh cho con, vì thế hai vợ chồng quyết định sẽ không ai về quê đón Tết cùng gia đình mà ở lại thành phố, người trông con, người đi làm thêm. Thực ra, ăn Tết ở thành phố cũng không quá buồn vì công nhân chúng tôi đã được công ty và Công đoàn tổ chức Tết.

Năm ngoái tôi có tham gia chương trình “Tết sum vầy” do Công đoàn tổ chức và thấy rất vui, ý nghĩa, ở đó công nhân được thưởng thức các tiết mục nghệ thuật, được tham gia các trò chơi như gói bánh chưng, đố vui có thưởng... không khí của chương trình ấm áp đúng như ngày Tết thực sự. Được biết, năm nay tổ chức Công đoàn tiếp tục triển khai chương trình “Tết sum vầy” cho công nhân lao động, chắc chắn tôi sẽ cùng vợ con đến tham gia, coi như đón tết sớm luôn”.

Mai Quý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này