Nơi cưu mang những phận đời

14:42 | 27/12/2018
(LĐTĐ) Thời điểm này, không khí năm mới đã rộn ràng trên từng con phố, người người tất bật mua sắm Tết, trang hoàng nhà cửa. Tại các nhà ga, bến xe, đoàn người nối nhau xếp hàng mua vé, lên xe về quê đoàn tụ cùng gia đình. Vậy mà có những người đã không có quê, không có nơi để trở về, họ tìm về một “tổ ấm” khác - Trung tâm Nhân đạo Linh Quang (Hà Nội).
noi cuu mang nhung phan doi Những người “giữ hồn” phố cổ
noi cuu mang nhung phan doi Chân dung cô giáo bộ môn Giáo dục công dân được học sinh lập hẳn fanpage

“Tha thiết” xin đón người về giúp đỡ

Khuất sâu trong con ngõ nhỏ Linh Quang (phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội), Trung tâm Dạy nghề nhân đạo và tạo việc làm cho trẻ em tàn tật - hay còn gọi là Trung tâm Nhân đạo Linh Quang do thầy Trần Duyên Hải quản lý hơn 20 năm qua đã tạo việc làm cho hàng trăm trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, vượt lên số phận để sống là người có ích cho bản thân, gia đình và xã hội…

Vừa cách đây ít ngày, thầy Hải đã gửi công văn tới UBND tỉnh Thanh Hóa, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam, với nội dung “xin” được nhận em Nguyễn Chí Dĩnh (quê Hà Trung, Thanh Hóa) - một nạn nhân của bạo hành để chuyển về trung tâm chăm sóc, cho đi học.

noi cuu mang nhung phan doi
Thầy Hải hướng dẫn các học viên của Trung tâm (ảnh: Cao Tiến)

Trò chuyện với chúng tôi, thầy Hải chia sẻ: “Ngay sau khi báo chí đưa tin về em Dĩnh, tôi vô cùng trăn trở, thương cảm cho số phận của em. Đó là một trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt. Từ nhỏ, khi lọt lòng, Dĩnh đã chẳng có bố, không lâu thì mẹ bỏ đi, để lại em cho bà ngoại. Sau đó, em được về chùa ở. Trong khoảng thời gian dài, em bị đánh đập bầm tím, luôn sống trong cảnh sợ hãi. Chưa biết đúng sai thế nào, song với cái tâm của một người thầy, tôi mong muốn được nhận em về với mái ấm của mình, nơi đã cưu mang hàng trăm em nhỏ tàn tật, mồ côi, khó khăn”.

Nói rồi, thầy trầm ngâm nhớ lại từng câu chuyện về các hoàn cảnh đã được trung tâm giúp đỡ trong quá khứ. Như câu chuyện về em Lý Thị Liều (24 tuổi, dân tộc Dao, Yên Bái) phải “lết” đôi chân tật nguyệt của mình để đi xin học cấp 1, sau 5 năm học đó lại “lết” từng nơi để xin học nghề, thầy Hải đã đến tận nơi đón Liều về dạy nghề may. Đến nay, cô gái ấy đã có được nghề may áo cưới, thu nhập vài triệu/tháng. Rồi đến chuyện của chị Phạm Thị Tuyến (SN 1974, Lào Cai) phải ôm con chạy trốn sự bạo hành tàn bạo của người chồng, may mắn được mọi người giới thiệu đến TT Nhân đạo Linh Quang.

Đến đây, 4 mẹ con chị được thầy Hải cưu mang, sắp xếp chỗ ở, dạy nghề may cho 2 con trai lớn của chị, còn đứa con gái út được bảo lãnh xin đi học tại Trường THCS Huy Văn, Đống Đa. Đặc biệt là chuyện của 3 bố con “người rừng” Sùng A Páo (Cao Bằng) từng sống lay lắt trong hang đá như thời nguyên thủy cũng được thầy “băng rừng, lội suối” hơn 2 tháng trời để tìm, đón về trung tâm, dạy nói, dạy viết và sắp xếp ăn ở, công việc, học hành chu đáo; trong đó em Sùng A Lự đến nay vẫn học tại trung tâm và được học văn hóa…

Tại đây, thầy Hải còn nhận những em bị gia đình chối bỏ vì quá hư, thường xuyên trộm cắp hoặc nghiện trò chơi điện tử. Khi đó, các bậc phụ huynh tìm đến thầy và nhờ thầy nhận giúp vì gia đình đã hết cách. Thậm chí có em còn rạch tay đòi tự tử, đập phá, nhưng nhờ thầy khuyên nhủ, các bạn ở đây động viên nên dần dần đã được cảm hóa, vui vẻ ở lại, giờ còn không muốn chuyển đi chỗ khác. Ở mái ấm này, các em dưới 15 tuổi được thầy gửi đi học văn hóa tại các trường trên địa bàn, trên 15 tuổi thì đi học nghề.

Nhiều em sau khi ra trường, tái hòa nhập cuộc sống bình thường đã trở thành doanh nghiệp, cán bộ tại các cơ sở, đơn vị tại Hà Nội. Đơn cử như bạn Lương Thị Nhã giờ đã trở thành giám đốc một trung tâm dạy nghề tại Thạch Thất, bạn có tên Hạnh trở thành doanh nghiệp có 2 cửa hàng kinh doanh lớn trên phố Hoàng Hoa Thám (Hà Nội).

Càng làm càng thấy hăng say

Kể về câu chuyện thiện nguyện của mình, thầy Hải cho biết mình vốn là giáo viên dạy may và sửa chữa máy tại Công ty Bông vải sợi Hà Nội. Ngay từ khi còn rất trẻ, thầy đã ấp ủ nguyện vọng được giúp đỡ những người tàn tật, khốn khó. Thỉnh thoảng, nhà có gói bánh, quyên sách thầy lại đem tặng cho những số phận thiếu may mắn gần nhà hoặc chỉ tình cờ gặp trên đường. Nhưng không lúc nào thầy không trăn trở: Sức người có hạn, liệu có giúp được mãi, chi bằng cho người ta cái “cần câu cơm”.

Một buổi chiều đi dạo bên hồ Hoàn Kiếm, thầy gặp 2 em nhỏ bị dị tật ở chân, chìa nón xin tiền. Qua nói chuyện, được biết các em đã học xong cấp 2, muốn đi làm để kiếm sống nhưng không ở đâu nhận, cũng không biết học nghề gì, ở đâu. Thầy Hải cầm đôi tay lành lặn của các em, rồi hứa: “Bác sẽ giúp cháu”. Sau buổi gặp gỡ ấy, thầy tự bỏ tiền túi để thuê nhà, lấy đó làm chỗ để dạy các em. Thấy các em tuy tật nguyền, nhưng khéo tay, chăm chỉ, học tiến bộ, thầy càng quyết tâm truyền nghề. Ngày qua ngày, thầy lại đến các bến xe, gầm cầu vận động và đón thêm các em nhỏ mồ côi, khiếm thính về học…

Nhớ về những ngày đầu mở lớp, thầy trầm ngâm: “Ngày ấy chưa nhiều trung tâm nhân đạo, từ thiện như bây giờ. Tôi cũng nghĩ có ích cho tụi trẻ thì làm thôi, mong cho chúng có một mái ấm, ai ngờ nhiều người lại nghĩ tôi tụ tập, lôi kéo trẻ con, lợi dụng chúng làm điều “xằng bậy” nên không ít lần tôi và gia đình phải đi giải thích với chính quyền, làm giấy cam kết. Khó khăn thì nhiều vô kể, không chỉ không có tiền ăn, các em nhiều lần còn bị chủ nhà “đuổi khéo” vì thành phần phức tạp, ở chen chúc lại nợ tiền thuê nhà nhiều tháng”. Không đành lòng, người thầy ấy đã quyết tâm dành hết số tiền mà gia đình dành dụm để mua một khu đất rộng khoảng 200m2 nằm sâu trong xóm lao động Linh Quang, thành lập trung tâm dạy nghề may cho trẻ tàn tật, những hoàn cảnh đặc biệt.

Có những thời điểm, trung tâm nhân đạo của thầy lâm vào cảnh vô cùng khó khăn, không có kinh phí để duy trì, song thầy không từ bỏ, trăn trở, tìm kiếm mọi nguồn lực xin hỗ trợ, từ thiện. Đến bây giờ, thầy dành một căn nhà để cho thuê, đồng thời lập lên một sàn giới thiệu việc làm để vừa có thể giới thiệu việc làm cho các em, vừa có thêm một chút kinh phí để mọi người nơi đây trang trải.

Với thầy, sự nghiệp cứu người vô cùng thiêng liêng, cao quý, dù vất vả đến mấy, nhưng càng làm, bản thân thầy lại càng thấy ý nghĩa, vui vẻ. Tính đến nay, thầy Hải cũng không nhớ nổi trung tâm của mình đã tiếp nhận bao nhiêu mảnh đời, cứu vớt bao nhiêu số phận- những con người tưởng chừng như đã được sinh ra lần thứ hai. Chỉ biết rằng, bất cứ khi nào, ở đâu họ cần, thầy đều sẵn lòng tìm đến và tiếp nhận về.

Hãy về với chúng tôi

Hơn 54 năm gắn bó với cái duyên thiện nguyện, 20 năm trăn trở với hành trình cưu mang, giúp đỡ những số phận tại trung tâm, thầy Hải luôn tâm đắc câu nói: Nếu ai không có nơi để về, thì hãy về với chúng tôi! Đó không chỉ là tiếng lòng mà đã trở thành khẩu hiệu của thầy và tất cả mọi người nơi đây.

Năm nào cũng vậy, cứ đến Tết - thời điểm mà ai cũng mong ngóng được trở về quê nhà, thầy lại “cặm cụi” trên chiếc xe máy đi đến từng ngóc ngách nhỏ của thành phố để dán thông báo: Nhân dịp Tết cổ truyền, chúng tôi có tổ chức cho trẻ em khuyết tật, mồ côi ăn Tết tại trung tâm. Ngoài ra còn đón nhận những trẻ em lang thang, người cơ nhỡ, tha phương vì một lý do đặc biệt nào đó, không trở về quê hương ăn Tết với gia đình, còn lưu lạc tại các bến xe, nhà ga, xóm chài ven sông, nhà trọ, bệnh viện và những người ăn xin ở mọi nơi về ăn Tết cùng các cháu ở trung tâm…

Ngoài kia không khí xuân bắt đầu sôi động, góc nhỏ con ngõ Linh Quang cũng dần hối hả bởi những đơn hàng cuối năm, còn thầy Hải, cũng đang tất bật lên những lịch trình nhân đạo, từ thiện của mình. Lúc nào thầy cũng đau đáu một nỗi: Làm sao để người ta biết đến Trung tâm? Làm sao có thể đón được họ về? Làm sao để cho họ một cái Tết đúng nghĩa… Trên đường trở về, lòng tôi vẫn ghi nhớ câu thầy nói: Giúp thầy, hãy bảo mọi người đến đây. Đừng đi lang thang, tội lắm!

Cao Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này