Chương Mỹ: Tích cực chuyển đổi mô hình sản xuất rau Vietgap

09:33 | 25/12/2018
(LĐTĐ) Là một trong những đơn vị đi đầu của cả nước và huyện Chương Mỹ trong xây dựng nông thôn mới, xã Thụy Hương đã tích cực chuyển đổi mô hình sản xuất rau Vietgap đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
chuong my tich cuc chuyen doi mo hinh san xuat rau vietgap Tăng cường phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho Hà Nội
chuong my tich cuc chuyen doi mo hinh san xuat rau vietgap Ăn rau cũng có thể khiến bạn tăng cân?

Năm 2009, Thụy Hương được Trung ương chọn là 1 trong 11 xã điểm thực hiện thí điểm nông thôn mới. Đây là niềm vinh dự tự hào nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao đối với một xã đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của cả nước.

chuong my tich cuc chuyen doi mo hinh san xuat rau vietgap
Nông dân Thụy Hương sản xuất rau an toàn vụ đông 2018 (Ảnh: Lan Oanh).

Để khắc phục được khó khăn và quyết tâm thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tăng thu nhập, nâng cao đời sống nông dân, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã có Nghị quyết chuyên đề về công tác phát triển kinh tế nông nghiệp, trọng tâm là đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển mô hình trồng rau an toàn. Đồng thời chỉ đạo các ban ngành đoàn thể vào cuộc làm tốt công tác vận động, tuyên truyền cán bộ, hội viên tham gia.

Thực hiện Nghị quyết, Hội Nông dân xã Thụy Hương với vai trò là tổ chức chính trị xã hội nòng cốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới đã mạnh dạn tham mưu đề xuất cho Đảng ủy, chính quyền thành lập Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh rau an toàn. đặc biệt, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác truyền thống, nắm bắt nhu cầu thị trường, khai thác điều kiện đất đai, bố trí cây trồng phù hợp theo vùng quy hoạch, sản xuất ra những nông sản hàng hóa đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường nông thôn, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng để đem lại giá trị kinh tế cao.

Hội Nông dân còn vận động hội viên tham gia xây dựng các tổ hợp tác, tổ nông dân bảo vệ môi trường với 30 thành viên, tham gia làm thành viên của Hợp tác xã hoa và cây cảnh, Hợp tác xã rau an toàn để góp vốn, tập trung ruộng đất, thu hút các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân về quy trình sản xuất theo hướng Vietgap với hàng nghìn lượt hội viên tham gia.

Ngoài ra, Hội Nông dân xã Thụy Hương còn tạo điều kiện cho hội viên được tiếp cận với các kỹ sư đầu ngành về lĩnh vực nông nghiệp, được học tập, được chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ cao. Qua đó, nông dân trong xã đã được trang bị những kiến thức cơ bản về kỹ thuật, quy trình sản xuất theo công nghệ cao, về khả năng nắm bắt nhu cầu thị trường.

Đến nay, Hợp tác xã rau an toàn xã Thụy Hương đang sản xuất theo hướng Vietgap với diện tích trên 20 ha. Trong đó tập trung sản xuất trong nhà lưới, nhà kính hiện đại với diện tích trên 5.000m2 sản xuất theo công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, giá bán cao, thu nhập bình quân đạt 275 triệu đồng/ha/năm.

Đặc biệt, một số loại rau đem lại giá trị kinh tế cao như cây măng tây xanh với diện tích 3 ha, sản lượng bình quân 21 tấn/ha, đơn giá 80.000 đồng/kg, thu nhập bình quân đạt 168 triệu đồng/ha/năm. Một số diện tích còn lại được bố trí trồng nhiều loại rau khác nhau và sản xuất được tuân thủ theo quy trình Vietgap, có thời gian cách ly đảm bảo, sản lượng bình quân đạt khoảng 10 tấn/ngày, cho thu nhập từ 75 - 90 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa 2 vụ.

Nhìn chung, mô hình sản xuất rau an toàn của xã Thụy Hương đã dần từng bước có những chuyển biến tích cực. Các hộ sản xuất đã mạnh dạn đầu tư thâm canh, tìm kiếm nhu cầu thị trường, vận dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn theo hướng Vietgap, đảm bảo sản xuất và cung ứng ra thị trường sản phẩm nông nghiệp sạch, mẫu mã đẹp có uy tín và thương hiệu trên thị trường nội địa.

Như vậy, chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của Đảng, chính quyền xã Thụy Hương là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết, phù hợp với điều kiện thực tế, phát huy được tiềm năng, lợi thế vốn có, khai thác được mọi nguồn lực của địa phương, giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập, cải thiện được đời sống cho nông dân, góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là tiêu chí thu nhập, năm 2018 này ước đạt 42 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 3%.

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này