Bất cập từ những khu chợ bị lãng quên

Kỳ cuối: Để tiền của không bị lãng phí!

11:20 | 21/12/2018
(LĐTĐ) Xoay quanh những khu chợ “cửa đóng then cài”, hoạt động thiếu hiệu quả ở kỳ trước, nếu nhìn rộng vấn đề có thể thấy thời gian qua không ít chợ ở Hà Nội vẫn phát triển cầm chừng. Nhiều chợ do hoạt động theo cách cũ nên vẫn tồn tại sự lộn xộn, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; luôn đối diện với nguy cơ cháy, nổ; phương thức quản lý thiếu khoa học…
ky cuoi de tien cua khong bi lang phi Kỳ 2: Khi ý kiến người dân chưa được tham vấn
ky cuoi de tien cua khong bi lang phi Kỳ 1: Lãng phí và kém hiệu quả

Nhiều bất cập

Theo số liệu của Sở Công Thương TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng trên 450 chợ đang hoạt động, với lượng hàng hóa lưu chuyển chiếm khoảng 60% lưu lượng hàng hóa trên địa bàn, góp phần tích cực phục vụ các nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.

ky cuoi de tien cua khong bi lang phi
Để khắc phục tình trạng “cửa đóng then cài”, hoạt động kém hiệu quả tại một số chợ dân sinh, rất cần sự chung tay của các cấp có thẩm quyền.

Tuy nhiên, hệ thống chợ của Hà Nội do nhiều yếu tố tác động, dẫn đến xuống cấp, thậm chí nhiều chợ lụp xụp, cảnh quan nhếch nhác, quá tải, rất khó đảm bảo được các yêu cầu về an toàn vệ sinh, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ...

Ở câu chuyện liên quan đến chợ Văn Phú, Phúc Lý - Minh Khai, chợ Kẻ Thượng Cát, chợ thương mại Cầu Bươu… chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan đều đang nỗ lực khắc phục tình trạng chợ xây xong vẫn “cửa đóng then cài”. Nhưng có một thực tế hiện nay là quanh các chợ này vẫn tồn tại hiện tượng chợ cóc, chợ tạm.

Theo Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND, ngày 16/11/2018 của UBND TP Hà Nội, các chợ đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp… đều phải đúng các quy hoạch, kế hoạch, tuân thủ các quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế và các quy định của pháp luật có liên quan; tuân thủ trình tự, thủ tục đầu tư dự án, điều chỉnh dự án theo quy định về đầu tư và xây dựng trên địa bàn.

Hiện một thói quen tưởng chừng đơn giản, nhưng lại rất khó thay đổi là mua hàng theo kiểu “tiện thể”. Không ít người thường mua luôn hàng hóa tại chợ cóc họp ven đường, hành lang an toàn giao thông… chỉ vì ngại phải gửi xe vào chợ, phải mất thêm chút thời gian.

Lợi của thói quen này thì trước mắt, nhưng hại rõ ràng là nguy cơ mất an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị và đó là lí do để các chợ cóc tồn tại. Nói cách khác, chợ cóc, chợ tạm mọc tràn lan, không những lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị, mà còn làm ảnh hưởng tới việc kinh doanh của các tiểu thương chợ chính.

Ngõ Yên Thái là một ví dụ. Địa điểm này chỉ cách chợ trung tâm thương mại Hàng Da vài trăm mét nhưng suốt một thời gian dài đã trở thành địa chỉ “truyền tai” của người dân khi có người hỏi mua thực phẩm. Theo quan sát, ngõ này tuy hẹp nhưng do thuận tiện đi lại nên mọi người đến mua hàng đến đây khá đông. Những mặt hàng được bày bán tại đây đa dạng, đầy đủ, từ thịt, cua, cá cho tới các loại rau củ. Cảnh người mua kẻ bán tấp nập, tạo nên một khu chợ dân sinh sầm uất ngay cạnh khu trung tâm thương mại Hàng Da hiu hắt bóng người.

Khách quan nhìn nhận, việc đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng, nhằm trở thành chợ đầu mối, hoặc chợ dân sinh của cả khu vực dân cư, nhưng hiệu quả không được như mong đợi, dẫn đến phải chuyển mục đích sử dụng. Nguyên nhân chung của thực trạng này là do công tác lập quy hoạch, lựa chọn vị trí xây dựng chợ chưa bảo đảm được yếu tố thuận lợi cho việc mua bán của người dân, giao thông khó khăn...

Đồng bộ các giải pháp

Cạnh đó, Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng xác định rõ, tại khu vực nội thành sẽ không xây mới các chợ, thay vào đó sẽ lựa chọn để nâng cấp, cải tạo một số chợ quy mô lớn (diện tích hơn 10.000m2) hiện có thành chợ trung tâm của quận, thành phố với quy mô chợ hạng I, khang trang và hiện đại, phù hợp quần thể kiến trúc chung quanh.

Ðồng thời, tiến hành nâng cấp và cải tạo các chợ bán lẻ nông sản, thực phẩm tươi sống hạng II (có diện tích đất chợ từ 5.000 – 10.000m2) ở các phường, liên phường phục vụ nhu cầu hằng ngày của dân cư. Từng bước chuyển hóa các chợ dân sinh loại nhỏ (có diện tích đất chợ nhỏ hơn 2.000m2) thành các siêu thị hạng III, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi.

Kết hợp với việc di dời các chợ bán buôn nông sản trong nội thành ra ngoại thành để xây mới các chợ bán buôn nông sản quy mô lớn. Tại khu vực nông thôn sẽ tập trung cải tạo, di dời, xây mới để bảo đảm đủ chợ dân sinh quy mô hạng III ở các xã; cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới các chợ lớn trung tâm thị trấn, thị tứ, quy mô chợ hạng I, hạng II.

Ngoài ra, sẽ hình thành và phát triển các chợ đầu mối buôn bán nông sản - thực phẩm chuyên ngành và tổng hợp quy mô lớn, hiện đại ở khu vực giáp ranh giữa nội và ngoại thành. Việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp các chợ sẽ được xã hội hóa với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm trên cơ sở tự nguyện và cùng có lợi.

Thời gian qua, để phát triển và đồng bộ hệ thống chợ trên địa bàn, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực và giải pháp. Chẳng hạn, việc UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND, quy định về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn, có hiệu lực từ ngày 26/11, là nhằm cụ thể hóa Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ của Thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã ban hành.

Nói cách khác, động thái này là căn cứ quan trọng để các ý tưởng đầu tư chợ có thể được hiện thực hóa. Đồng thời cũng là căn cứ pháp lý để các cấp quản lý trực thuộc Hà Nội lập các kế hoạch đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, kêu gọi đầu tư mới về phát triển chợ, giải tỏa các chợ không phù hợp với quy hoạch… phát triển hệ thống chợ theo hướng văn minh, hiện đại hơn.

Căn cứ Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, căn cứ vào nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn từng địa phương, UBND các quận, huyện, thị xã… sẽ lập kế hoạch đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các chợ cho từng giai đoạn 5 năm và hàng năm đối với tất cả các hạng chợ để trình cấp có thẩm quyền thành phố Hà Nội quyết định hoặc quyết định theo chức năng, thẩm quyền được phân cấp.

Các dự án đầu tư xây dựng mới, xây dựng lại, cải tạo, nâng cấp chợ phải có ý kiến của các cơ quan chuyên môn theo phân cấp quản lý về sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành.

Được biết, đối với các chợ đầu tư xây dựng lại hoặc cải tạo, nâng cấp, sửa chữa lớn có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của thương nhân đang kinh doanh tại chợ, UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các chủ đầu tư phải xây dựng phương án, chính sách hỗ trợ di chuyển, bố trí chợ tạm và sắp xếp cho thương nhân kinh doanh tại chợ tạm trong thời gian đầu tư xây dựng, cải tạo chợ; phương án sắp xếp kinh doanh tại chợ sau khi xây dựng, cải tạo lại phải trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đặc biệt, trước khi tiến hành cải tạo, nâng cấp chợ, chủ đầu tư phải công bố công khai cho thương nhân đang kinh doanh tại chợ biết để đóng góp ý kiến vào việc hoàn thiện các phương án. UBND TP Hà Nội sẽ duyệt phương án, chính sách hỗ trợ di chuyển, bố trí chợ tạm khi đầu tư xây dựng lại, cải tạo chợ hạng 1 trên cơ sở ý kiến thẩm định do Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan. UBND cấp huyện duyệt phương án, chính sách hỗ trợ di chuyển, bố trí chợ tạm khi đầu tư xây dựng lại, cải tạo các chợ hạng 2, hạng 3 trên cơ sở ý kiến thẩm định của các cơ quan chuyên môn về tài chính, kinh tế trực thuộc.

Những chính sách và nỗ lực của Hà Nội là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, việc sớm giải quyết những gút mắc liên quan đến các khu chợ “cửa đóng then cài”, hoạt động thiếu hiệu quả như Lao động Thủ đô đã đề cập đang là vấn đề hết sức bức thiết. Tháo gỡ những khó khăn sẽ trực tiếp thúc đẩy kinh tế tại các khu vực quy hoạch chợ phát triển, cải thiện đời sống sinh kế của người dân.

Luyện Đinh – Hà Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này