Chung cư liệt truyện: Đi thang máy (Bài 1)

14:43 | 14/12/2018
(LĐTĐ) Sống tại chung cư đang trở nên phổ biến tại các đô thị bởi những tiện ích của nó, xong ứng xử văn hóa ở chung cư như thế nào để góp phần khẳng định cái hiện đại, cái tiên tiến của chung cư cũng là điều đáng bàn. Hiện, chúng ta có quy chế gia đình văn hóa, xã, phường, khu phố văn hóa, vậy có nên xây dựng bộ Quy tắc ứng xử trong chung cư? Tại một cuộc hội thảo về văn hóa chung cư, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng, mỗi người cần có sự gắn kết, trách nhiệm với không chỉ đơn thuần là một ngôi nhà, đó còn là môi trường, thiên nhiên, văn hóa và con người với con người. Chỉ khi mỗi người gắn kết được với nơi mình sống thì mới có thể làm nơi đó trở nên có ý nghĩa và đẹp đẽ hơn. Điều này thực sự cần thiết với những khu đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM bởi đô thị là nơi có thể phá vỡ những gắn kết truyền thống của người Việt.  Khi mỗi người luôn ý thức được việc xây dựng và gìn giữ thì dù môi trường có thay đổi thế nào, kiến trúc quy hoạch có hiện đại văn minh ra sao cũng không thể trở thành hàng rào ngăn cách tình làng nghĩa xóm, ngăn cách tình cảm con người với con người. Cho đến bây giờ, khi tiến trình đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ, khi loại hình nhà ở chung cư là tất yếu thì con người cũng sẽ phải thay đổi để cùng xây dựng đời sống văn minh và ý nghĩa hơn. Điều này chắc chắn thực hiện được khi có sự chung tay của toàn xã hội, của mỗi một cư dân trong khu đô thị. Với mục đích góp nhặt từ những điều nhỏ nhất để xây dựng chuẩn văn hóa chung cư, từ số này, chúng tôi xin giới thiệu loạt bài với tiêu đề “Chung cư liệt truyện”..
chung cu liet truyen di thang may bai 1 “Lối thoát hiểm” có thật sự thoát hiểm?
chung cu liet truyen di thang may bai 1 Quy hoạch phải đáp ứng hai tiêu chí tầm nhìn và thực tiễn

Thang máy bây giờ đã không còn có gì là lạ, không còn có gì là hiếm, mà thực tế chuyện đi thang máy đã trở thành “cơm bữa” đối với người Hà Nội.

Trong khuôn khổ bài viết này tôi muốn nói đến chuyện đi thang máy ở chung cư. Bây giờ ở Hà Nội bạt ngàn là chung cư. Tòa thấp thì hơn chục tầng. Tòa cao thì hơn hai chục tầng, ba chục tầng và hơn thế nữa. Nhà cao như thế dĩ nhiên là phải có thang máy cho cư dân lên cư dân xuống.

Thang máy cũng là một trong những “tiêu chuẩn bắt buộc” để chủ đầu tư “xuống tiền” xây dựng và mời chào người đến mua nhà hay thuê nhà để ở.

Vui buồn cùng chiếc thang máy

Chuyện đi thang máy ở chung cư là hiển nhiên rồi. Chỗ cửa thang máy chẳng biết tự bao giờ đã trở thành “tụ điểm” cho mấy bà mấy cô đi chợ về hỏi han nhau về tình hình giá cá thị trường. Chuyện rau chuyện thịt hóa ra vẫn là chủ đề rôm rả nhất. Người đi chợ về có kẻ hí hứng nói mình hôm nay mua được món hời. Lại có người phàn nàn sáng nay chậm chân nên mua phải đồ bèo bọt. Người chưa đi chợ đứng đợi thang máy hóa ra lại thích bởi có người đã “khảo giá” hộ mình. Chỉ có mấy cô vợ trẻ là đứng nghe mấy bà mấy chị nói chuyện chợ búa mà bĩu môi: “Vào siêu thị mua vừa sạch vừa ngon lại chẳng lo bị dân chợ “chém đẹp” cho vất”.

chung cu liet truyen di thang may bai 1
Ảnh minh họa.

Chuyện đi thang máy ở chung cư là hiển nhiên rồi. Cái “hộp lên lên xuống xuống” ấy là chỗ cho người ta vui. Vui là vì ai đến đó đứng đợi lại chẳng mong cửa thang mau chóng mở ra, bước vào và ngóng mắt nhìn đồng hồ chỉ số đợi đến đúng tầng của mình để bước ra. Vui là vì sau một ngày làm việc mệt mỏi chiều tối trở về nhà đứng đợi thang máy rồi háo hức dảo chân về căn hộ của mình vui vẻ với vợ với con.

Vui là vì ngày nghỉ hay lễ tết đến thăm người thân. Cửa thang máy mở ra, bước vào, vèo một cái đã rối rít nhắc con nhắc cháu cất tiếng chào ông chào bà râm ran hành lang, làm nhà hàng xóm chưa thấy có ai đến chơi thầm nghĩ chạnh lòng. Song, cái “hộp lên lên xuống xuống” ấy đôi khi lại làm ta thấy buồn, làm ta thấy chán, làm ta thấy muốn nói một điều gì đó. Có người đã hỏi tôi “Theo ông, chuyện đi thang máy ở chung cư có cần “văn minh” có cần “lịch sự” không?”.

Trong thang chưa ra ngoài đã len vào

Tôi đây này. Nhà ở chung cư nên tôi thường đi thang máy. Có lần tôi đến cửa bấm xin tầng 1 để đi xuống đón vợ chồng anh bạn thân đến chơi. Thang từ từ xuống như không có gì xẩy ra, mặc dù đã có ý đứng sát cửa để ra cho nhanh vậy mà tôi không ra được. Cửa thang vừa mở tức thì bà thì bế cháu đi hóng mát về, bà thì đẩy xe đi chợ về, cô thì tay sách nách mang chừng đi siêu thị về, lại mấy cháu học sinh ba lô căng phồng mặt tứa mồ hôi, thôi thì những người đó ào vào rất nhanh.

Rất nhanh không đếm xỉa đến việc có người muốn ra. Sau mấy giây dừng lại, thang máy lại từ từ đi lên. Khổ, tôi bắt buộc phải “theo” ngược lên tới tận tầng 28 rồi mới được xuống.Vợ chồng anh bạn đứng đợi chắc lâu nên vừa gặp đã cười “Chờ thêm mấy phút nữa là bọn tao về đấy”. Tôi đành rối rít xin lỗi chứ tuyệt nhiên không dám nói là vì mình không ra được. Nói thế vợ chồng anh bạn bỏ ý định mua chung cư để ở thì chuyện “môi giới” cho bạn mua căn hộ gần mình cho tiện xem bóng đá bị phá sản mất.

Lại có lần vợ chồng tôi đến thăm cô giáo của con. Nhà cô ở chung cư Times city, tầng 32 cao vút. Bạn tính, từ tầng 1 lên tầng 32 mà gần như tầng nào cũng dừng thì mất bao lâu nhỉ? Đấy còn chưa tính đến từng tầng sẽ có người ra, sẽ có người vào. Người ra người vào có người nhanh nhẹn, có người lề mề nên “tốc độ” thang bị chậm lại và sẽ thêm bao nhiêu thời gian nữa. Đứng chờ ở tầng 1, vợ chồng tôi cùng một số người khác đứng về một bên với ý định là nhường chỗ cho người trong thang bước ra được thuận tiện.

Chờ đợi lâu lâu rồi thang máy cũng xuống tới tầng 1, nghĩa là xuống tới chỗ vợ chồng tôi đứng đợi đi lên. Cửa thang vừa hé mở vợ chồng tôi hơi lui về phía sau một bước chân để đoàn người chật ních trong thang bước ra nhưng tức thì “tự nhiên như ở nhà mình” mấy bà mấy cô chẳng biết “ở đâu ra”cứ thản nhiên không cần biết ai đến trước ai đến sau, chẳng cần biết ai phải nhường ai, họ tiến về cửa thang máy rất nhanh, lũ lượt nối nhau bước vào thang máy. Vợ chồng tôi “chậm chân” nên không vào kịp. Đành đợi “chuyến” khác vậy. Tôi tự nhủ và lại cùng vợ đứng tránh lối cửa ra vào và đợi.

Hôm đó nói thực với các bạn là vợ chồng tôi phải đợi đúng 6 “chuyến” mới vào được thang máy. Vợ tôi cằn nhằn (mà cằn nhằn là bản tính của những bà vợ) “Nói ông vào đi thì ông cứ bảo “chờ người ra hết đã”, ông đúng là…”. Khổ, bà ấy nói lửng mới “ngại” chứ. Không biết là chê mình “quê” hay nhắc mình già rồi nên chậm chạp. Khổ, có đi thang máy thôi mà cũng bị vợ “mắng”. Lần sau á. Bà đi mà đi một mình nhá.

Đi thang máy cũng cần phải học

Thang máy là một “công cụ” không thể thiếu đối với những nhà cao tầng, không thể thiếu đối với các tòa chung cư nhưng sử dụng thang máy, tức là sử dụng cái “công cụ công cộng” ấy xem ra còn có nhiều chuyện phải bàn. Tôi nghĩ rằng ở ta chưa hề có “lớp học nào” hay đại loại như là “phổ biến” cho cư dân chung cư và cho mọi người biết về “đi thang máy cũng cần văn minh, cũng cần lịch sự”.

Văn minh là không ồn ào xô đẩy. Văn mình là phải đợi người ở trong ra hết rồi mới bước vào.Văn minh là phải biết nhường những người chúng ta phải nhường cho dù bất cứ ở đâu. Ví như phụ nữ có thai, ví như người già, ví như trẻ em, ví như người có nhiều đồ hay mang vác nặng. Văn minh là phải biết trật tự xếp hàng, mà xếp hàng là rất văn minh nó vừa tránh xô đẩy, vừa thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau.

Còn lịch sự là phải biết đấy là chỗ công cộng, chỗ có nhiều đối tượng lên hoặc xuống vậy nên chúng ta không nên gây ồn ào, gây mất trật tự và không nên nói những chuyện khiến người khác vô tình nghe được cảm thấy khó chịu. Lịch sự là phải biết sử dụng thang máy đúng với quy định về trọng lượng, về số người.

Có lần tôi thấy chuông báo quá số người kêu “reng reng” tất cả ánh mắt đều nhìn ra phía cửa. Trong tình huống ấy ai cũng hiểu là những ai đứng sát ngoài cửa nên tự giác bước ra. Nhưng chuông reng mặc chuông reng. Vài giây nhìn nhau và đã có người lên tiếng nhưng chẳng thấy ai bước ra. Chưa có người bước ra là thang chưa hoạt động. Rồi mãi cũng có một cô tre trẻ đứng ngoài cùng nhất ngúc nguẩy bước ra. Miệng cô tre trẻ lầu bầu những câu khó nghe.

Lịch sự đi thang máy là việc chấp hành quy định giữ vệ sinh chung. Ôi mùa nhãn vừa rồi được mùa nên chỗ nào, ở đâu cũng thấy nhãn. Có bà dắt cháu đi chơi về, bước vào thang máy vẫn bóc nhãn cho cháu ăn. Cho trẻ ăn thì mấy ai nghĩ ngợi nhưng đúng là ở chỗ công cộng mà cứ nhai với nuốt vừa không vệ sinh lại vừa không thấy “đẹp”. Ấy thế mà bà ấy còn coi như sàn thang máy là chỗ hư không, bà ấy vừa bóc nhãn cho cháu ăn vừa thả vỏ xuống sàn thang máy. Có người nhắc thì bà nói “Rách việc, đã có người quét”.

Chuyện đi thang máy xem ra nói đến sáng mai cũng chưa hết. Chỉ mong mọi người biết đến câu “thang máy này là của chung” thôi.

Nguyễn Nguyễn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này