Giải pháp tối ưu cứu người mắc kẹt trong đống đổ nát, hỏa hoạn

21:40 | 10/12/2018
(LĐTĐ) Thời gian qua, tình trạng sập nhà cửa, lũ lụt, cháy nổ… xảy ra liên tục, khiến người dân luôn phải sống trong sự sợ hãi, lo lắng. Vậy, khi sự cố xảy ra, làm thế nào để có thể cứu người mắc kẹt và tìm kiếm người nạn thoát ra khỏi hiện trường một cách nhanh nhất? 
giai phap toi uu cuu nguoi mac ket trong dong do nat hoa hoan Chủ động phòng cháy chữa cháy tại các chung cư không bao giờ là thừa
giai phap toi uu cuu nguoi mac ket trong dong do nat hoa hoan “Lối thoát hiểm” có thật sự thoát hiểm?
giai phap toi uu cuu nguoi mac ket trong dong do nat hoa hoan Người dân cần làm gì để nâng cao kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn?
giai phap toi uu cuu nguoi mac ket trong dong do nat hoa hoan
Các vụ hỏa hoạn, sập nhà, động đất...thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro (Ảnh minh họa)

Trước sự quan tâm của người dân liên quan đến vấn đề hạn chế thiệt hại khi các sự cố như: Sập nhà, thiên tai, hỏa hoạn…xảy ra, Trung úy Phạm Quốc Hưng, giảng viên Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã có những chia sẻ về các giải pháp nhằm hạn chế tối đa nhất thiệt hại về người và tài sản.

Theo đó, khi sự cố xảy ra thường tiềm ẩn rất nhiều tình huống nguy hiểm. Chính vì vậy, hoạt động tìm kiếm cứu nạn cần được thực hiện một cách nhanh chóng.

Nhằm triển khai công tác cứu nạn tìm kiếm người mắc kẹt được thực hiện một cách nhanh nhất, trước hết chúng ta cần thực hiện việc thăm dò gồm: Sự bố trí, sắp xếp, lắp đặt thiết bị trong khu vực có đống đổ nát và tính chất của các trường hợp khẩn cấp đang xảy ra; xác định vị trí của các nạn nhân và tình trạng hiện tại của họ. Tiếp đến là, đánh giá về tình trạng của các đối tượng trong khu vực khẩn cấp cần thực hiện công tác cứu nạn cứu hộ.

Bên cạnh đó, cần xác định nơi bắt nguồn cháy, hóa chất độc hại, chất cháy nổ có thể phát sinh; xây dựng và hình thành đường ra vào và lắp đặt thiết bị kỹ thuật cho việc sơ tán dân ra khỏi đống đổ nát. Đề nghị để ra phương hướng, biện pháp để quản lý, hướng dẫn, lãnh đạo thực hiện các hoạt động cứu nạn cứu hộ và hoạt động khẩn cấp trong thời nhanh nhất có thể.

Để hỗ trợ các nạn nhân thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm khi xảy ra sự cố, cần phải tháo dỡ các đống đổ nát từ phía trên hoặc xây dựng lỗ, ngách ra vào trong đống đổ nát. Với việc tháo gỡ đống đổ nát, đầu tiên cần tháo dỡ phần phía bên trên của đống đổ nát, để có thể tiếp cận người bị nạn, những người mà nằm trên phần trên cùng của đống đổ nát và đảm bảo lối ra thuận tiện cho hoạt động cứu nạn cứu hộ.

Các phần cấu kiện nhỏ sẽ được di chuyển bằng tay và để di chuyên các phần cấu kiện lớn, các tấm bê tông lớn thì cần sử dụng các thiết bị nâng: tời, kích, cần cẩu. Trong trường hơp phức tạp và khó khăn hơn thì sẽ sử dụng các trang thiết bị hiện đại phục vụ tốt nhất cho công tác cứu nạn cứu hộ. Sau khi di chuyển các nạn nhân ra tới khu vực an toàn nên tiến hành ngay biện pháp sơ cấp cứu ban đầu và di chuyển họ đến bệnh viện gần nhất.

Với nạn nhân nằm sâu trong các công trình bị sập đổ, để đưa nạn nhân từ đó lên, các lực lượng cứu nạn cứu hộ sẽ làm một lối hẹp đặc biệt - lối vào hẹp. Làm lỗ hẹp, cần tập trung gia cố nó để ngăn bức tường không bị đổ. Để thực hiện được thì cần sử dụng một dụng cụ đặc biệt: thanh giằng, cột chống, dầm, ván, tấm ván, xà ngang, kèo. Lối hẹp không được thực hiện gần những tảng đá lớn, để không làm tắc hay cản trở công việc của lực lượng cứu nạn cứu hộ. Lối hẹp có thể được thực hiện theo ba hướng: Ngang, dọc và nghiêng. Thông số tối ưu: Chiều rộng khoảng 0,8-0,9 m, chiều cao 0,9-1,0 m.

Để bố trí, sắp xếp có hiệu quả tại lỗ, ngách vào, ra phải cần sự góp sức của một nhóm lực lượng cứu nạn cứu hộ gồm có 3- 4 người. Họ có nhiệm vụ tiến hành tháo dỡ đống đổ nát, tiến hành các hoạt động đi lại làm các nhiệm vụ cần thiết như: thiết lập các ốc vít để giữ cố định các tấm bê tông lớn, giữ chúng ở vị trí cân bằng; loại bỏ các mảnh vụn, tiếp cận người bị nạn và di chuyển họ đến nơi chăm sóc y tế chuyên nghiệp.

Song song với đó, lực lượng cứu nạn, cứu hộ di chuyển xuống dưới qua các lối đi có thể bằng hai tay và hai chân hoặc trườn, bò... Nếu trên quãng đường đi gặp phải khối bê tông lớn, gỗ, kim loại hay khối lượng gạch lớn thì cần phải tránh hoặc phá hủy chúng ngay.

Đặc biệt, trước khi đưa nạn nhân ra khỏi đống đổ nát, cần thiết phải tiến hành đánh giá tình trạng và mức độ chấn thương của nạn nhân. Nếu cần thiết thì phải bó nẹp, băng bó cho nạn nhân, tiến hành các bước sơ cấp cứu ban đầu. Phương pháp đưa và di chuyển nạn nhân ra ngoài khỏi đống đổ nát phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của nạn nhân. Nếu nạn nhân bị các khối lớn đè lên thì cần phải tháo dỡ các khối đó bằng kích, tời hay cần cẩu.

Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay của lực lượng cứu nạn, cứu hộ khi đến hiện trường là phải nhanh chóng tìm mọi cách, áp dụng linh hoạt các phương pháp và biện pháp cứu nạn cứu hộ để cứu những người bị nạn đưa họ đến nơi an toàn. Đồng thời, thực hiện các biện pháp sơ cấp cứu ban đầu và giao họ cho lực lượng y tế chuyên nghiệp.

Điều quan trọng khi tiến hành cứu nạn, cứu hộ những nạn nhân bị chấn thương cột sống là không để cho nạn nhân bị nặng thêm, phải cố định được cột sống và cổ cho nạn nhân. Chính vì vậy khi tiến hành cứu người bị nạn, lực lượng cứu nạn cứu hộ phải có tính chuyên nghiệp cao, trình độ kỹ thuật cứu nạn cứu hộ điêu luyện, sử dụng thành thạo các trang thiết bị cứu nạn cứu hộ và khi thực hiện nhiệm vụ phải thận trọng, đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như cho người bị nạn.

Phạm Quốc Hưng (Đại học Phòng cháy chữa cháy)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này