Những “dòng nước độc” bủa vây Hà Nội

Kỳ 2: Khốn khổ vì kênh mương ô nhiễm

11:42 | 06/12/2018
(LĐTĐ) Không chỉ tại các quận nội thành mà ở một số khu vực ven đô cũng đang hàng ngày, hàng giờ phải chịu đựng để sống chung với những kênh, mương bị ô nhiễm. Không ít nơi, đời sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn nghiêm trọng. 
ky 2 khon kho vi kenh muong o nhiem Ô nhiễm không khí từ các “đại công trường”
ky 2 khon kho vi kenh muong o nhiem Kỳ 1: “Ngạt thở” bên những dòng nước ô nhiễm
ky 2 khon kho vi kenh muong o nhiem Kiểm soát ô nhiễm không khí tại Hà Nội: Quan trọng là ý thức người dân

Nhà nhà cửa đóng then cài vì mùi hôi thối

Từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân trên địa bàn các xã An Khánh, An Thượng, La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội) phải sống trong cảnh “ăn không ngon, ngủ không yên” bởi mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ con kênh T3A chạy qua địa phận xã. Đây là con kênh đảm bảo tưới tiêu cho gần 500ha đất đô thị, công nghiệp, nông nghiệp của 3 xã.

ky 2 khon kho vi kenh muong o nhiem
Đoạn kênh khu vực chân cầu Sơn Đồng tạo thành những “tảng băng váng” dày hàng chục cen-ti-mét bắt đầu phân hủy, bốc mùi hôi thối.

Có mặt tại xã La Phù – thủ phủ gia công bánh kẹo trong những ngày cuối năm, hình ảnh quen thuộc là những đoàn ô tô, xe ba gác ra vào tấp nập chở bánh kẹo, vải len … phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Theo tìm hiểu, xã La Phù có khá nhiều hộ sản xuất dệt len, nhuộm vải và sản xuất bánh kẹo. Chính vì thế, nước thải công nghiệp của các hộ trong quá trình làm nghề đều xả thẳng ra 2 kênh tiêu nhỏ rồi đổ ra kênh tiêu T3A khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng.

Tại đây, hình ảnh dễ dàng nhận thấy là dòng nước thải đen ngòm, đặc kịt bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nhiều đoạn kênh, váng bẩn và rác thải két lại thành những mảng lớn, khô cứng lại như bùn và nổi rêu xanh lét.Chia sẻ với PV, ông Thanh, một người dân sống gần kênh T3A cho biết: “Con kênh này lúc nào cũng đen đặc và bốc mùi như thế.

Vào mùa mưa, nước cũng không hết màu đen. Vào những ngày hanh khô như thế này, nước đặc lại trông như bùn, bốc mùi thối không thể chịu được. Ở đây, các hộ sản xuất sợi, len... đều bắc ống xả thẳng ra kênh chứ có qua hệ thống xử lý nào đâu. Chúng tôi sợ nguồn nước này sẽ ngấm vào đất và ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt. Chúng tôi cũng nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm”.

Anh Minh, người dân địa phương cho biết thêm: “La Phù có rất nhiều gia đình làm nghề nhuộm, nhưng chỉ có một vài hộ nhuộm được hàng dệt kim với số lượng lớn, còn lại là sản xuất nhỏ lẻ. Đa phần người làm nghề dệt do ông cha truyền lại, sản xuất thủ công và tự phát nên khó xử lý các chất thải trong quá trình sản xuất”.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác gây ra ô nhiễm ở làng nghề La Phù là do nhiều hộ kinh doanh thiếu ý thức trong công tác bảo vệ môi trường. Rác thải đổ tràn lan, bừa bãi trên bờ kênh, đổ xuống dòng chảy làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước, gây ô nhiễm.

Cùng chung cảnh ngộ với người dân La Phù là người dân xã An Thượng, An Khánh. Có mặt tại những khu vực kênh T3A chảy qua, mới thấy hết nỗi khổ của người dân nơi đây. Dù các cơ quan chức năng đã xây dựng bờ kè kiên cố nhưng hiện dòng nước vẫn có màu đen ngòm, bốc mùi hôi tanh, khó chịu. Thậm chí, tại một số đoạn kênh, rác thải nổi lềnh phềnh. Điều đáng nói, tình trạng này diễn ra khá lâu, người dân kiến nghị rất nhiều lần nhưng chất lượng nguồn nước vẫn không được cải thiện.

Cũng trên địa bàn xã An Thượng, tại khu vực cống kênh Đan Hoài thuộc địa phận thôn Đào Nguyên kênh thoát nước đã trở thành… hố rác. Theo ghi nhận thực tế, trên bề mặt mương nước, rác thải sinh hoạt đủ loại dồn tụ. Do rác thải, xác động vật chết phân hủy khiến nước trong mương luôn có màu đen kịt và bốc mùi rất khó chịu.

Một người dân bán hàng gần đó cho biết, thỉnh thoảng cũng có công nhân vệ sinh môi trường qua khu vực này dọn dẹp, vớt rác. Tuy nhiên, rác thải dập dềnh trôi theo dòng nước dồn tụ về khiến việc dọn dẹp, xử lý dù tích cực nhưng vẫn không xuể. Rõ ràng, việc để mương nước ngập trong rác thải khiến môi trường khu vực thôn Đào Nguyên bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Sức khỏe bị đe dọa, bệnh tật ghé thăm

Cũng trên địa bàn huyện Hoài Đức, đi đôi với sự phát triển kinh tế của các làng nghề Dương Liễu, Minh Khai và Cát Quế chuyên chế biến nông sản là sự ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Do việc những làng nghề này đến nay vẫn chưa có khu xử lý nước thải, nên mỗi ngày nước thải cùng nhiều hóa chất tẩy rửa vẫn được “xả” thẳng xuống kênh T2 và kênh T26.

Đây là hệ thống kênh dẫn nước tưới tiêu cho hàng trăm héc ta ruộng lúa của nhiều xã trong huyện, rồi đổ dồn vào sông Nhuệ. Thế nhưng, do ít được nạo vét, khơi thông nên 7 km của 2 con kênh, đoạn chảy qua xã Sơn Đồng đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đặc biệt, cứ vào dịp từ tháng 8 đến cuối năm, lưu lượng nước thấp, toàn bộ nước thải có lẫn tinh bột từ các làng nghề chảy đến địa phận xã Sơn Đồng rồi tạo thành những “tảng băng váng” dày hàng chục cen-ti-mét bắt đầu phân hủy, bốc mùi hôi thối.

Về Sơn Đồng, mặc dù chưa đến khu vực sông T2 nhưng chúng tôi đã ngửi thấy mùi hôi thối nồng nặc thốc lên. Đứng trên cây cầu Sơn Đồng vài phút đã có cảm giác ngạt thở, bởi mùi xú uế bốc lên từ con sông nước đen ngòm, sủi bọt, đặc quánh với đủ thứ rác thải.

Người dân địa phương sống ở gần kênh thường xuyên phải đóng kín cửa và đeo khẩu trang nhưng vẫn không thể tránh được mùi khó chịu được bốc lên từ 2 dòng kênh chết này. Nhiều gia đình thường xuyên phải gửi con ở nơi khác để tránh các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Nguy hiểm hơn, lượng nước thải theo cống rãnh chảy vào ao, hồ gây ô nhiễm cả mạch nước ngầm. Sản lượng lúa thu hoạch thì ngày một thấp do ảnh hưởng từ nguồn nước.

Trao đổi với PV, nhiều người dân ở đây cho biết, tình trạng ô nhiễm nặng tại kênh T2 và T26 chảy qua xã đã xảy ra từ lâu. Tại nhiều kỳ họp HĐND cấp xã, cấp huyện, người dân và cán bộ xã đã kiến nghị với UBND huyện về việc tăng cường thau rửa, nạo vét kênh để khơi thông dòng chảy.

Thế nhưng, công tác thau rửa mỗi năm chỉ được làm qua loa nên tình trạng ô nhiễm chẳng được cải thiện là bao. Mặc dù chưa có nghiên cứu, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, nhưng mấy năm gần đây, ngoài các bệnh về đường hô hấp, số lượng người mắc các bệnh ung thư, tiêu hóa, da liễu tăng đáng kể khiến người dân lo lắng.

Chỉ tay xuống dòng sông đen ngòm, một người dân bức xúc nói: “Nhiều năm nay rồi, nhất là mỗi dịp cuối năm như hiện nay, các làng nghề làm miến dong thuộc các xã Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai phía thượng nguồn vào mùa sản xuất thì tình trạng ô nhiễm càng khủng khiếp hơn.

Bao nhiêu phế liệu họ đều đổ tất ra sông, chảy đến Sơn Đồng thì gặp hai cây cầu tắc lại, nên người dân ở đây rất khổ sở. Không chỉ vậy, những hộ ven sông còn tùy tiện vứt rác, lợn, gà chết luôn xuống sông, không biết có phải do ô nhiễm gây ra hay không, nhưng gần đây ở Sơn Đồng có rất nhiều người chết vì ung thư”.

Tìm vào nhà một người dân sống ven kênh, khi biết chúng tôi là PV, người này liền nói: “Những nhà quanh đây, nhà nào cũng cửa đóng then cài suốt. Không đóng cửa thì mùi xú uế ám hết vào đồ dùng, kinh lắm! Ô nhiễm đến mức này rồi mà các cơ quan chức năng vẫn chưa thấy giải quyết gì. Người dân chúng tôi sống dở chết dở”.

Cũng theo người dân này, điều đáng lo ngại hiện nay, ngoài việc ô nhiễm không khí thì việc người dân trong xã đang sử dụng nước giếng khoan cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Sở dĩ tỷ lệ người mắc bệnh ung thư ở Sơn Đồng ngày một tăng là vì người dân ở đây chủ yếu sử dụng nguồn nước giếng khoan. Trước đây ở khu vực này người dân đa số dùng nước giếng khơi, từ khi nước sông T2 ô nhiễm thì chuyển sang dùng nước giếng khoan hoặc nước mưa.

Nhưng gần đây nước giếng khoan rất ô nhiễm, nước bơm lên có màu vàng, để lâu chuyển sang màu đen, mùi thum thủm nên hầu như tôi chỉ dùng nước mưa, nhưng vẫn phải lọc qua máy RO. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để mua máy lọc, do đó nhiều hộ vẫn phải dùng trực tiếp nước giếng khoan để sinh hoạt.

Song nguồn nước ở đây không chỉ ô nhiễm mà còn bị nhiễm asen rất nặng. Về vấn đề này, cách đây vài năm, Viện Khoa học công nghệ (thuộc Bộ Khoa học công nghệ) đã về lấy khoảng 30 mẫu nước ở sông, ao, hồ, giếng, xét nghiệm, tất cả 100% mẫu đều bị nhiễm asen, COD, H25, NH3...và đều vượt hàng trăm lần cho phép.

Mong rằng các cơ quan chức năng của huyện Hoài Đức và TP Hà Nội nhanh chóng có phương án để có thể giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường kênh mương trên địa bàn huyện Hoài Đức để người dân yên tâm sinh sống và sản xuất. Mặt khác, thiết nghĩ chính quyền các xã La Phù, Sơn Đồng bên cạnh việc tăng cường tính chủ động trong công tác quản lý, đôn đốc nhắc nhở các hộ sản xuất trên địa bàn, cần có sự phối hợp hơn nữa trong công tác cải tạo và giữ gìn vệ sinh môi trường trên các dòng kênh đang bị ô nhiễm.

Hà Phong – Đinh Luyện (Còn nữa)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này