Hà Nội đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

16:09 | 06/12/2018
(LĐTĐ) Sau 10 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành T.Ư 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, TP Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần làm thay đổi căn bản cục diện sản xuất nông nghiệp và bộ mặt nông thôn, đời sống nông dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.  
ha noi dat nhieu ket qua tich cuc trong phat trien nong nghiep nong dan nong thon Huyện Thanh Trì nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới
ha noi dat nhieu ket qua tich cuc trong phat trien nong nghiep nong dan nong thon Lúa Nếp cái hoa vàng niềm tự hào của người dân Thủ đô
ha noi dat nhieu ket qua tich cuc trong phat trien nong nghiep nong dan nong thon Nâng cao đời sống văn hóa của người dân

Những con số đáng ghi nhận

Qua 10 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết 26 của T.Ư, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2017 đạt 41.741 tỷ đồng (theo giá thực tế), tăng 207,3% so với năm 2008, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 38.076 tỷ đồng, tăng 197,2%; lâm nghiệp đạt 109 tỷ đồng, tăng 184,7%; thủy sản đạt 3.556 tỷ đồng, tăng 357,7% so với năm 2008.

Đặc biệt, trong những năm qua, Hà Nội đã xác định dồn điền đổi thửa là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới đồng thời tạo tiền đề để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và là cơ sở để tập trung tích tụ ruộng đất, đưa cơ giới hóa và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Đến nay, toàn Thành phố thực hiện dồn điền, đổi thửa được 79.183ha (đạt 104,2%) so với kế hoạch. Sau dồn điền đổi thửa, Hà Nội chỉ đạo đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để tạo điều kiện cho các hộ yên tâm sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Kết quả đến nay đã cấp được 616.704 giấy chứng nhận (đạt 99,1%). Toàn Thành phố đã chuyển đổi được 33.884ha từ sản xuất kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất cho năng suất và hiệu quả cao.

ha noi dat nhieu ket qua tich cuc trong phat trien nong nghiep nong dan nong thon
Diện mạo nông thôn Hà Nội có nhiều khởi sắc. Ảnh M.Q

Toàn thành phố đã có 4/18 (đạt 22,22%) huyện đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức). 297/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng thêm 96 xã, đạt tỷ lệ 76,9%); trong 89 xã còn lại, có 72 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 17 xã đạt và cơ bản đạt từ 11 - 14 tiêu chí, bình quân đạt 18,19 tiêu chí/xã. Năm 2018, có khoảng 30 xã đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến Chương trình đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Đáng chú ý, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến nay đạt 43,16 triệu đồng/người/năm tăng gấp 5,4 lần so với năm 2008 (8 triệu đồng/người/năm). Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn thành phố đạt 86,06%. Thực hiện chuẩn nghèo mới đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 12,19% năm 2008 (theo chuẩn cũ) xuống còn 1,8% (theo chuẩn mới). Trong giai đoạn 2008 - 2018, tổng kinh phí huy động thực hiện Nghị quyết là 118.719,2 tỷ đồng.

Những bài học kinh nghiệm quý giá

Từ thực tiễn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của T.Ư, TP Hà Nội rút ra một số bài học kinh nghiệm. Đó là cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội từ Thành phố đến cơ sở phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về mục tiêu, phương châm, cách làm, tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới với tinh thần tự nguyện và trách nhiệm cao.

Công tác quy hoạch, xây dựng đề án xây dựng nông thôn mới phải đi trước một bước, gắn với thực tiễn, đảm bảo dân chủ, sự đồng thuận, khoa học, có tính khả thi cao. Chọn dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch sản xuất làm khâu đột phá để phát triển sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên các dự án phục vụ sản xuất như thủy lợi, giao thông nội đồng. Kế thừa đối đa các công trình hiện có kết hợp với nâng cấp và xây dựng mới. Lấy thôn, xóm làm đơn vị cơ sở và hộ gia định là hạt nhân để vận động xây dựng nông thôn mới.

Phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân, dân được bàn bạc dân chủ, công khai, minh bạch những công việc trực tiếp liên quan đến lợi ích của cộng đồng và người dân, nhất là xây dựng quy hoạch, đề án nông thôn mới, xây dựng kết cầu hạ tầng nông thôn, quy hoạch sản xuất, dồn điền đổi thửa và đặc biệt là việc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới… phát huy hơn nữa vai trò giám sát, kiểm tra của người dân đối với việc thực hiện các dự án dân sinh trên địa bàn.

Dành nguồn lực đáng kể từ ngân sách Thành phố để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình thiết yếu về cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) cho xây dựng nông thôn mới. Tích cực tuyên truyền, vận động các quận nội thành, doanh nghiệp và nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng nông thôn mới.

Kịp thời xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn phù hợp với thực tế, thực hiện đơn giản, nội dung thiết thực, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, huy động được nguồn lực xã hội tham gia xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và tập huân về kiến thực xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ trực tiếp làm công tác xây dựng nông thôn mới ở cấp xã, thôn. Coi xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các cấp.

Đẩy mạnh phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới“, định kỳ sơ, tổng kết rút kinh nghiệm. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật có cách làm sáng tạo, hiệu quả; coi trọng nhân rộng các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực. Cán bộ làm tốt cần được quan tâm phát triển.

M.Q

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này