Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục xưa và nay

18:40 | 04/12/2018
(LĐTĐ) Nằm ở khu trung tâm phố cổ sầm uất, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục mang trong mình những ký ức, lúc thăng trầm khi huy hoàng của lịch sử Hà Nội, cùng sự biến chuyển không ngừng của mảnh đất nghìn năm văn hiến.  
quang truong dong kinh nghia thuc xua va nay Hà Nội xưa và nay qua những góc ảnh
quang truong dong kinh nghia thuc xua va nay Đầu xuân, trò chuyện với nhà sử học Lê Văn Lan về Tết xưa và nay
quang truong dong kinh nghia thuc xua va nay Đường Lâm, còn đó nét xưa

Khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục trước đây vốn là một bãi đất hoang trồng dừa ven hồ Gươm, dân gian thường gọi là “Vườn dừa”. Sau này, khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, quảng trường được đổi tên thành Place Négrier. Thực dân Pháp rất coi trọng vị trí của quảng trường này và xem nó như trung tâm của Thủ đô Hà Nội lúc bấy giờ. Tuy nhiên, sự ưu ái của Pháp dành cho quảng trường Place Négrier nhanh chóng bị chấm dứt bởi các hành động dã man của chúng. Pháp liên tục cho chém đầu, hành hình những người yêu nước chống Pháp ở Quảng trường Place Négrier. Trong đó phải kể đến sự kiện hành hình của ông cử Tạ Văn Đình năm 1883 và 4 năm sau đó là sĩ phu, thủ khoa Nguyễn Cao.

quang truong dong kinh nghia thuc xua va nay
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục xưa. (Ảnh tư liệu)

Năm 1907, một số sĩ phu yêu nước tiêu biểu là Lương Văn Can, Nguyễn Văn Vĩnh đã mở một trường tư mang tên Đông Kinh Nghĩa Thục (trường Đông Kinh – chỉ kinh thành Thăng Long xưa – trường dạy việc nghĩa). Ngôi trường này chủ yếu dạy miễn phí chữ Quốc ngữ cho các học trò thời Pháp thuộc. Không chỉ là nơi dạy học, về sau đây cũng trở thành một địa bàn hoạt động sôi nổi của các sĩ phu yêu nước, chống Pháp khắp Hà Nội và một số vùng lân cận. Để kỉ niệm và tôn vinh ngôi trường này, năm 1945, thị trưởng Trần Văn Lai đã cho đổi tên quảng trường “Place Négrier” thành “Đông Kinh Nghĩa Thục” như ngày nay.

Ai cũng biết, Hồ Gươm là trái tim của Thủ đô và Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục chính là cửa ngõ dẫn lối vào. Chính vì vậy, mọi sự biến đổi dù là nhỏ nhất của nơi này đều nhận được sự quan tâm đặc biệt. Theo thời gian, quảng trường cũng được khoác trên mình những tấm áo mới. Từ chỗ chỉ là một chiếc cột đồng hồ đơn điệu thì giờ đây nó đã trở thành một đài phun nước lung linh nằm ở ngã năm Lê Thái Tổ, Hàng Đào, Hàng Gai, Đinh Tiên Hoàng, Cầu Gỗ. Ngày nay, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục thường được người dân Hà Thành gọi là “Đài Phun nước Bờ Hồ”.

Đài phun nước Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục được thiết kế đơn giản nhưng không kém phần sinh động. Rào chắn cũ được dỡ bỏ và đài phun này được trang bị các thiết bị phun nước hiện đại cùng hệ thống đèn led chiếu sáng tạo nên một khung cảnh thơ mộng, đầy màu sắc. Trong các sự kiện lớn của đất nước hay các ngày lễ, tết, đài phun nước quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục cũng được trang trí bằng hoa tươi, hoặc gắn thêm những hệ thống trang trí hình hoa đẹp mắt. Vào buổi tối, nơi đây luôn đông dúc dòng người qua lại.

Hiện nay, khu vực này đã trở thành phố đi bộ, là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn của thành phố, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân Thủ đô và du khách. Hầu hết du khách qua đây đều phải nán lại chụp ít nhất vài kiểu ảnh làm kỷ niệm với địa điểm này. Trải qua hơn 100 năm Hà Nội đã thay đổi một cách chóng mặt và khung cảnh nơi Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đã không còn như xưa nữa. Tuy nhiên đài phun nước bờ hồ vẫn còn đó như một chứng nhân lịch sử. Trong thời gian tồn tại lâu dài ấy, đài phun nước có vài lần thay đổi hình dáng nhưng vẫn luôn giữ nguyên tính năng của mình. Đài phun nước không chỉ mang trong mình chức năng là một công trình kiến trúc cảnh quan mà nó còn mang một giá trị lịch sử cũng như giá trị tinh thần đối với người dân thủ đô ngàn năm văn hiến.

Hiện tại, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục là một phần của di sản sống, là một không gian mở phục vụ cho đời sống nhân dân, cho hoạt động văn hóa mang đậm nét Hà Nội, là những đêm cùng nhau hồi hộp chờ xem bắn pháo hoa đón giao thừa, những buổi biểu diễn văn nghệ ngoài trời mừng thủ đô giải phóng, là những bữa tiệc âm nhạc đường phố, trượt pa-tanh điệu nghệ... Nhưng ở góc nhìn này đâu chỉ có những cuộc vui. Vẫn còn đó hình ảnh những gánh hàng rong đi qua quảng trường mỗi sớm mai, trên đôi vai gầy của người phụ nữ, còn đó những hình ảnh bao người vất vả mưu sinh nơi thành thị tìm đến nơi đây dừng chân nghỉ ngơi với những giọt mồ hôi ướt đầm lưng áo. Những giá trị lớn lao ấy sẽ còn sống mãi với con cháu mai sau giống như đài phun nước Đông Kinh Nghĩa Thục qua bao thăng trầm, biến động nó không những bị mất đi mà còn được tôn tạo đẹp hơn, bền vững hơn.

P.B

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này