Những “dòng nước bẩn” bủa vây Thành phố

Kỳ 1: “Ngạt thở” bên những dòng nước ô nhiễm

11:23 | 04/12/2018
(LĐTĐ) Trên địa bàn Hà Nội đã và đang tồn tại những tuyến kênh, mương, cống lộ thiên… ô nhiễm trầm trọng, tiềm ẩn nhiều mầm mống bệnh tật. Đáng nói, ở nhiều nơi, dù chính quyền và nhân dân địa phương đã chủ động, tích cực trong công tác xử lý ô nhiễm như thường xuyên khơi thông, nạo vét, dọn dẹp rác thải… song ô nhiễm vẫn không mấy cải thiện. Vậy khúc mắc của vấn đề nằm ở đâu? Hơn hết, việc sớm tìm ra giải pháp để xử lý triệt để vấn đề này đang là nhiệm vụ hết sức cấp bách. 
ky 1 ngat tho ben nhung dong nuoc o nhiem Cử tri quan tâm đến việc xử lý ô nhiễm trên các dòng sông
ky 1 ngat tho ben nhung dong nuoc o nhiem Kiên quyết xử lý các nguồn xả thải vào sông Đáy

Cụm từ “mương chết”, “dòng nước chết”… ở Hà Nội hẳn đã không quá xa lạ. Gọi là “chết” bởi tình trạng ô nhiễm, nghẽn dòng chảy vẫn diễn ra phổ biến. Đáng nói, hiện có không ít dự án cải tạo môi trường liên quan dù đã được phê duyệt, triển khai song cho đến nay vẫn trong cảnh ì ạch. Và bên những dòng nước ô nhiễm ấy, hàng trăm hộ dân vẫn sống trong cảnh mỏi mòn, tìm đủ mọi phương cách để gắng chống chịu lại mùi xú uế, độc hại.

ky 1 ngat tho ben nhung dong nuoc o nhiem
Trên địa bàn Hà Nội đã và đang tồn tại những tuyến kênh, mương, cống lộ thiên… ô nhiễm trầm trọng, tiềm ẩn nhiều mầm mống bệnh tật.

Chậm trễ trong cải tạo

Nhắc đến những dự án cải tạo kênh, mương, cống lộ thiên… ô nhiễm ở khu vực nội thành phải kể đến dự án cống hóa mương Kẻ Khế, nằm trên địa bàn các phường Kim Mã và Đội Cấn (quận Ba Đình). Dù đã được các ngành chức năng phê duyệt cải tạo và triển khai cống hóa để giảm ô nhiễm song, cho đến nay đã gần 10 năm trôi qua dự án vẫn dở dang.

Đánh giá về công tác cải tạo, hồi sinh sông hồ trên địa bàn Hà Nội, tại Tọa đàm “Đề xuất ý tưởng chỉnh trang đô thị và cải tạo môi trường sông Kim Ngưu” do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức, ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, chúng ta thường quan tâm đến vấn đề giao thông, kẹt xe, nhà “siêu mỏng, siêu méo”, quảng cáo lộn xộn... còn vấn đề ô nhiễm các dòng sông có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân lại chưa được quan tâm nhiều.

Để giải quyết dứt điểm ô nhiễm liên quan, theo các nhà khoa học về lâu dài, nếu vẫn cứ đặt người dân nằm ngoài cuộc, không huy động được sức mạnh tổng thể của cộng đồng như hiện tại thì các giải pháp hồi sinh sông ô nhiễm vẫn chỉ là những kế hoạch nằm trên giấy.

Theo nhiều người dân địa phương, tuyến mương Kẻ Khế bẩn và ô nhiễm. Mương quanh năm đều có màu đen, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, nhất là những ngày thời tiết thay đổi. Nghiêm trọng hơn, việc thi công dở dang, chậm tiến độ còn khiến dòng chảy thoát nước của mương bị ùn tắc.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tuyến mương Kẻ Khế có chiều dài hơn 1km, nằm trên địa bàn phường Đội Cấn, Kim Mã thuộc một phần dự án cống hóa mương và xây dựng tuyến đường từ nút rẽ ra phố Núi Trúc đến phố Sơn Tây, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội làm chủ đầu tư, được thành phố phê duyệt năm 2008. Kẻ Khế vốn là mương hở, thoát nước thải sinh hoạt và nước mưa của các hộ dân song tiến độ thi công tuyến mương hiện nay ì ạch, không đảm bảo. Nhiều người dân cho biết, hiện nước thải qua khu vực khó thoát, thường úng tắc và bốc mùi xú uế.

Cùng chung “số phận” ô nhiễm là tuyến mương thoát nước Thụy Khuê. Mương thoát nước Thụy Khuê dài khoảng 3km, kéo dài từ dốc La Pho đến cống Đõ (quận Tây Hồ). Đây là một nhánh của sông Tô Lịch và là đường thoát nước chính của 2 quận Ba Đình và Tây Hồ. Từ nhiều năm trước, con mương này đã bị ô nhiễm trầm trọng. Nước đen kịt, rác phủ kín mặt nước và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Hai bên bờ mương cũng không được kè bờ chắc chắn và có dấu hiệu sạt lở, lấn chiếm.

Trước tình hình đó, cuối năm 2012, dự án “Cải thiện môi trường xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê” được khởi công với tổng vốn là 400 tỷ đồng do UBND quận Tây Hồ làm chủ đầu tư. Theo dự án, quy mô cống hóa mương Thụy Khuê bằng hệ thống cống hộp hai làn, có vỉa hè hai bên cùng hệ thống cấp nước, chiếu sáng trên mặt cống. Dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2017. Thế nhưng, đến nay công trình này đã “lỡ hẹn” và tình trạng ô nhiễm vẫn gần như không thay đổi.

Theo ghi nhận thực tế, dù các cơ quan chức năng đã tích cực dọn dẹp rác thải trên bề mặt tuyến mương song hiện dòng nước vẫn có màu đen ngòm, bốc mùi hôi tanh, khó chịu. Tại các con ngõ nhỏ dọc tuyến đường Thụy Khuê như ngõ 123, ngõ 125, ngõ 167, ngõ 199... mùi hôi thối luôn phảng phất, án ngữ trong không khí.

Không khí ô nhiễm còn xuất hiện ở khu vực dọc sông Cầu Đá, đoạn chảy qua phường Cổ Nhuế 1 và phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm). Theo ghi nhận, do con sông trở thành tuyến nước thải chính chảy qua nhiều phường từ Xuân La, Xuân Đỉnh đến Cổ Nhuế rồi đổ về sông Nhuệ nên đã bị ô nhiễm nặng, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Ô nhiễm ở sông Cầu Đá đã và đang làm đảo lộn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Tương tự, tại ngõ 107 Trần Quốc Vượng, thuộc ngõ 233 Xuân Thủy cũ, phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) người dân cũng đang hàng ngày phải sống chung với mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ mương Đồng Bông. Điều đáng nói, tình trạng diễn ra đã quá lâu, dân kiến nghị rất nhiều lần nhưng chất lượng nguồn nước vẫn không được cải thiện.

Muôn cách “sống chung” ô nhiễm

Trong khi tình trạng những “dòng nước chết” vẫn hiện hữu, công tác cải tạo cảnh quan môi trường cho những dòng mương bị ô nhiễm dù đã được triển khai song thực tế vẫn chưa được triệt để. Nói các khác, tại nhiều nơi, dù chính quyền địa phương đã tích cực chấn chỉnh song để giải quyết tận gốc ô nhiễm thì dường như vẫn là “bài toán” khó. Sông Cầu Đá là một ví dụ.

Theo quận Bắc Từ Liêm, Cầu Đá là tuyến thoát nước thải sinh hoạt chính của nhân dân trên địa bàn các phường Đông Ngạc, Xuân Đỉnh, Xuân Tảo, Cổ Nhuế 1 với tổng số dân lên tới hơn 100.000 người, bằng 1/3 tổng dân số quận Bắc Từ Liêm. Hiện nay một số đoạn đã được quận cống hóa như: Đoạn đi qua khu đô thị Ecohome, khu đô thị Ciputra, khu đô thị Ngoại giao đoàn… Riêng với những tuyến mương hở, quận cũng đang có kế hoạch cống hóa.

Cụ thể, đối với đoạn mương ngõ 323 đường Xuân Đỉnh (phường Xuân Đỉnh), UBND quận đã có văn bản đề nghị thành phố chấp thuận chủ trương giao UBND quận làm chủ đầu tư, thực hiện việc cống hóa tuyến mương. Đối với đoạn mương ngõ 579 đường Phạm Văn Đồng (phường Cổ Nhuế 1) hiện nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng và thực hiện dự án tuyến đường số 3 vào trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây. Hiện công tác giải phóng mặt bằng đang được triển khai.

Kế hoạch là vậy nhưng theo tìm hiểu, hiện dự án cống hóa vẫn đang gặp nhiều khó khăn liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, tình trạng người dân lấn chiếm, xây chuồng cọp... tình cảnh khó khăn trên cũng đang diễn ra ở các dự án khác như: Cống hóa mương Kẻ Khế, mương thoát nước Thụy Khuê…

Trong khi các dự án chậm triển khai, không ít người dân vẫn đang hàng ngày phải tìm mọi cách để chống chịu lại ô nhiễm. Có tìm hiểu mới biết, hiện người dân ở các ngõ 579, 599, 521 đường Phạm Văn Đồng… đã và đang phải tìm mọi cách để đối phó với ô nhiễm từ con sông chảy qua địa bàn từ việc căng bạt ven sông, lắp cửa kính kín mít… tuy nhiên, các phương cách trên dường như vẫn không mấy hiệu quả.

Vào những ngày nắng nóng, một số nhà sống hai bên bờ sông buộc phải sơ tán sang nhà họ hàng ở các phường lân cận. Nhà nào không có anh em họ hàng thì chỉ còn cách đóng kín cửa. Còn tại khu vực mương thoát nước Thụy Khuê, bà Hoa, một cư dân trong ngõ 125 Thụy Khuê cho biết, bản thân gia đình bà phải tự khắc phục ô nhiễm bằng cách lắp cửa kính bịt kín và tự mua thuốc diệt muỗi, chuột để giảm bớt sự ảnh hưởng tiêu cực từ con mương này.

Trong khi chờ các ngành chức năng của Thành phố đầu tư, xem xét, phê duyệt cải tạo cảnh quan môi trường cho những kênh, mương, cống lộ thiên… bị ô nhiễm, để khắc phục tình trạng trên cơ bản vẫn phụ thuộc vào ý thức người dân. Thiết nghĩ, thời gian tới chính quyền sở tại cần chủ động khơi thông mương nước, dọn dẹp rêu rác.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân ý thức bảo vệ môi trường sống, tránh xả rác, nước thải bừa bãi ra lòng kênh, mương. Có như thế người dân sớm thoát khỏi tình trạng sống chung với ô nhiễm, góp phần cải thiện môi trường xanh - sạch - đẹp.

(Còn tiếp)

Luyện Đinh – L.THỊ Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này