Kiện ra tòa, chú nhé!

10:29 | 16/11/2018
(LĐTĐ) - Muốn mời chú uống trà mà sao mấy hôm nay không liên lạc được thế, cứ “thuê bao quý khách…” - Xin lỗi bác, em chưa kịp báo cho bác, em vừa phải thay số.
kien ra toa chu nhe Không còn mong manh…
kien ra toa chu nhe Đang hướng tới 4.0 cơ mà!
kien ra toa chu nhe Tiêu chí công nhận danh hiệu

- Chuyển nhà mạng hay là chú mới săn được cái số đẹp “lộc phát”.

- Nhà mạng nào chả thế bác. Còn “lộc phát”, em có buôn bán kinh doanh gì đâu, tháng nào cũng vẫn từng ấy đồng lương muốn “lộc phát” cũng chả được.

- Vậy tại sao bỗng dưng phải thay số. Mà thay số lại chả phức tạp à. Chẳng những tớ mà nhiều người mất liên lạc với chú ấy chứ. Tóm lại thay số điện thoại là rất phiền phức.

- Em biết vậy nhưng vẫn phải thay bác ạ. Cũng là bất đắc dĩ thôi. Khổ lắm.

- Chắc lại mấy em “quấy” sợ cô ấy biết chứ gì?

-Không, tuyệt đối không phải thế ạ, em mà có “em út”, bà ấy lại mừng ấy chứ. Chả là không biết vì sao cái số điện thoại của em suốt ngày nhận được những cuộc gọi, lại gọi rõ cả tên thân mật lắm, trao đi đổi lại mãi vẫn chả biết hân hạnh được tiếp chuyện ai, rồi đầu bên kia mới giới thiệu ở công ty này, tập đoàn nọ mời tham quan, mau sản phẩm…

-Tưởng chuyện gì, chứ chuyện hằng ngày nhận được các cuộc gọi mời mua nhà, tham gia bảo hiểm…là chuyện đã trở nên quá đỗi bình thường. Rồi tin nhắn “tinh tinh” suốt ngày mời mọc, giới thiệu sản phẩm, thậm chí có cả các dịch vụ vi phạm pháp luật như “mua bằng giả”, “vay tín dụng đen” ngang nhiên cũng là chuyện thường.

-Đấy, đang đi đường, đang họp hành, làm việc …điện thoại cứ rung lên bần bật, tưởng có việc gì cần gấp, hóa ra đa phần là những tin nhắn, điện thoại quảng cáo. Bức xúc quá, xét thấy số điện thoại của mình đã “bị lộ”, em thay số quách cho yên thân.

-Chú tưởng thay là yên à, ít ngày nữa số của chú lại suốt ngày “tinh tinh” cho mà xem.

-Sao thế được bác. Số điện thoại của em là thông tin riêng tư của em, ngoài những người em cho số để liên lạc khi cần thiết, ai biết được mà điện thoại với nhắn tin.

-Thì sao cái số cũ của chú họ lại biết?

-À số ấy lâu rồi, có thể do sơ suất trong giao dịch nào đó em chót để lộ, thêm nữa trước đây cái “bí mật quyền riêng tư” chưa được đề cao nên số điện thoại còn bị trôi nổi, chứ bây giờ số điện thoại được quản lý chặt rồi bác ơi.

-Chú vẫn mắc bệnh “ngây thơ”, chả có gì chắc cả, đấy rồi chú xem cái số mới của chú có bị quấy rầy không. Trong thời đại hiện nay, thông tin riêng như tên, địa chỉ nhà, email, số điện thoại… cũng trở nên có giá trị hơn bao giờ hết. Tình trạng bị mua bán; làm lộ, lọt những thông tin cá nhân đã diễn ra nhiều năm nay và ngày càng gia tăng.

-Vậy em hỏi bác tại sao thông tin về khách hàng lại có thể bị lọt ra ngoài? Có phải việc “bán thông tin” này mang lại cho các đối tượng một khoản lợi nhuận lớn. Có thể thấy, việc mua bán thông tin cá nhân một cách dễ dàng gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhiều người.

- Chắc chắn là ảnh hưởng rồi. Chú có biết tại sao tớ lại dám chắc là cái số mới của chú rồi cũng sẽ bị “bán” không? Chú có bao giờ đặt mua vé máy bay hay bất kể thực hiện một giao dịch nào đó mà không phải khai số điện thoại không?

- Chắc chắn là phải khai rồi, mà khai là để thuận lợi cho việc chăm sóc khách hàng, cũng cần thiết mà bác.

-Đấy việc lộ thông tin cá nhân, ngoài trách nhiệm của nhà mạng còn xuất phát từ đó đấy. Tháng trước tớ đăng ký vé máy bay đi Cam Ranh. Trước hôm cất cánh mấy ngày, nhận được điện thoại tại Hà Nội mời đi taxi ra Nội Bài. Đến hôm đang trên đường ra Nội Bài thì nhận được điện thoại từ Cam Ranh giới thiệu và mời đi taxi từ Cam Ranh về thành phố Nha Trang. Gọi tên rất thân mật, thế chả là cái nơi tớ đăng ký vé “bán” số của tớ cho taxi sao.

-Vậy làm sao để không bị phiền phức vào những chuyện bất đắc dĩ này. Em được biết pháp luật của ta có nhiều chế tài về “bảo vệ quyền riêng tư cá nhân”, sao tình trạng “bán” thông tin cá nhân vẫn xảy ra trắng trợn như vậy mà không bị xử lý?

- Đúng là hành vi này đã có luật điều chỉnh. Theo Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 về “Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” quy định: “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác…”

-Em còn biết: Với những người có hành vi vi phạm này, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý theo Điều 288 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” với khung hình phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 03 năm và hình phạt tù cao nhất là 07 năm.

-Như vậy, có thể khẳng định “hành vi mua bán thông tin cá nhân” là giao dịch vi phạm pháp luật, xâm phạm đến đời sống riêng tư được pháp luật bảo vệ. Sao lại không xử lý các đối tượng vi phạm, mà việc xác định những đối tượng này không có gì phức tạp, ví như trường hợp mua vé máy bay tớ vừa nêu.

-Trường hợp bác vừa nêu có thể áp vào Điều 387 Bộ luật Dân sự 2015 quy định trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác… để thấy rằng quyền riêng tư của bác đã bị xâm phạm trái luật.

-Xử lý vi phạm này như thế nào? Thiết nghĩ ngoài việc thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng, cần có cả sự tự bảo vệ của mỗi cá nhân khi bị xâm phạm. Pháp luật cho phép cá nhân bị xâm phạm có thể khởi kiện ra tòa, chú nhé.

Thiện Tâm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này