Tổ chức Công đoàn cần làm gì để thích ứng với CPTPP?

18:32 | 02/11/2018
(LĐTĐ) Như tin đã đưa, sau khi TBT- Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình Quốc hội cho ý kiến để phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào sáng nay (2/11), các đại biểu (ĐB) sau đó đã thảo luận tại tổ về Hiệp định. Trong quá trình thảo luận, các ĐB đại diện cho đoàn viên, người lao động cả nước đã tập trung phân tích những vấn đề mà CPTTP mang lại đối với Tổ chức Công đoàn và người lao động.    
to chuc cong doan can lam gi de thich ung voi cptpp Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP
to chuc cong doan can lam gi de thich ung voi cptpp Thực thi CPTPP: Công đoàn cần làm gì để khẳng định mình?
to chuc cong doan can lam gi de thich ung voi cptpp Mệnh lệnh không thể chần chừ

Công đoàn phải phát huy vai trò không thể thiếu

to chuc cong doan can lam gi de thich ung voi cptpp
ĐB Bùi Văn Cường phát biểu tại Tổ (ảnh L.Đ)

Thảo luận tại tổ, ĐB Bùi Văn Cường (đoàn Gia Lai) - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh, bên cạnh nhiều mặt tích cực cũng đặt ra cho chúng ta không ít thách thức phía trước, đặc biệt trong vấn đề lao động và tổ chức của người lao động. Cụ thể, liên quan đến lao động, công đoàn, thực chất những điều nêu trong Hiệp định CPTPP cũng chính là nội dung đã nêu trong Công ước 87 và Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà Việt Nam đã là thành viên. Song ta chưa phê chuẩn hai công ước này. Trong khi, Hiệp định CPTPP cũng như các công ước 87 và 98 có nêu người lao động có quyền tự do lập các tổ chức của mình. Tổ chức này quy định, 5 năm đầu khi chúng ta chưa thực hiện thì không bị trừng phạt về mặt thương mại, nhưng không phải là không được thành lập. Song nếu sau 5 năm, chúng ta không có hướng dẫn, không có quy định cụ thể thì sẽ bị trừng phạt về mặt thương mại. “Bai toán đặt ra, chúng ta cần đưa ra các quy định thế nào? Quản lý làm sao cho hợp lý, hiệu quả, nếu không sẽ rất phức tạp tình hình”- ĐB Cường nêu vấn đề.

Đi sâu vào các điều khoản mà Hiệp định quy ước, ĐB Bùi Văn Cường phân tích: Sẽ có ít nhất 3 dạng thức của tổ chức này. Thứ nhất là tổ chức do người lao động tự nguyện thành lập. Theo hình thức này rất tốt, không có vấn đề gì lớn. Thứ hai, là tổ chức do chủ sử dụng lao động lập ra để thao túng, chi phối. Thứ ba, nguy hiểm, nhất là tổ chức dù dứng dưới danh nghĩa đại diện của người lao động nhưng do các tổ chức, phần tử phản động thành lập, núp bóng, tiềm ẩn nguy cơ về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Vậy vấn đề đặt ra, Tổ chức Công đoàn phải làm gì để phát huy vai trò không thể thiếu của mình đối với đoàn viên, người lao động? ĐB Bùi Văn Cường cho rằng mấu chốt khi chúng ta phê chuẩn, cấp uỷ địa phương cần tập trung chỉ đạo hết sức cẩn trọng, bên cạnh đó, cần có hàng rào kỹ thuật để kiểm soát, hạn chế được những vấn đề phức tạp có thể xảy ra. Còn phía Công đoàn Việt Nam hiện đang thực hiện đề án đổi mới tổ chức, hoạt động. Theo đó, Công đoàn đã và đang tập trung đổi mới theo hướng lấy lợi ích của đoàn viên, người lao động làm điểm tập hợp; Tập trung quan tâm lợi ích của đoàn viên, người lao động; Tập trung thực hiện xây dựng các thiết chế công đoàn ở các khu công nghiệp, khu chế xuất mà chỉ đoàn viên công đoàn mới được thụ hưởng. "Nói một cách ngắn gọn, Công đoàn phải phát huy bản chấ tiên phong sao cho đoàn viên, người lao động hiểu rằng khi tham gia với Tổ chức Công đoàn Việt Nam thì có lợi ích thiết thân, còn tham gia các tổ chức khác chắc chắn sẽ không bằng Tổ chức Công đoàn, thậm chí không có lợi ích gì. Khi đó họ sẽ không tham gia" - ĐB Bùi Văn Cường gợi mở.

Thuận lợi nhiều hơn khó khăn

to chuc cong doan can lam gi de thich ung voi cptpp
ĐB Ngọ Duy Hiểu đánh giá cao cơ hội do CPTPP mang lại (ảnh L.Đ)

Tại Tổ Hà Nội, đại biểu Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá: “Qua theo dõi quá trình lãnh đạo, chỉ đạo việc đàm phán của các cơ quan chức năng, cụ thể là Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Chính phủ cho thấy, chúng ta đã tính toán, cân nhắc rất kỹ, bám sát yêu cầu mục tiêu đề ra, thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về hội nhập, thế nên khi tham gia CPTPP không có gì quá lo ngại.

ĐB Ngọ Duy Hiểu đưa ra dẫn chứng, qua thực tiễn hội nhập suốt 30 năm qua, nhất là từ khi tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), khi mới tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), chúng ta đều đối diện với cả thời cơ và thách thức. Tuy nhiên, phần được trong phát triển kinh tế là rất lớn. Bởi thế, với Hiệp định CPTPP đây là điều kiện chín mùi để chúng ta thông qua.

Là thành viên của Tổ chức Công đoàn Việt Nam, ĐB Ngọ Duy Hiểu cho hay, đối với Tổ chức Công đoàn Việt Nam, dù biết có nhiều thách thức, nhưng Công đoàn Việt Nam sẵn sàng chấp nhận và quyết vượt qua, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, bởi vì lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết, trước hết. Phát huy truyền thống vẻ vang của mình, Công đoàn Việt Nam sẽ tìm cách thích ứng. Một trong các thách thức mà ĐB Ngọ Duy Hiểu nêu ra chính là sự ra đời tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, cụ thể là tại doanh nghiệp. Điều kiện này sẽ đặt Công đoàn Việt Nam đứng trước thách thức về sự cạnh tranh trong thu hút, tập hợp, kết nạp đoàn viên, thành lập tổ chức tại cơ sở.

Thời cơ đi liền với thách thức đây chính là logich của cuộc sống, thế nên theo ĐB Hiểu, vượt qua thách thức nội tại với Tổ chức Công đoàn, trong bức tranh kinh tế chắc chắn số người có việc làm sẽ tăng lên. Các tiêu chuẩn lao động tiếp tục được yêu cầu cao hơn với sự giám sát chặt chẽ của các đối tác tham gia giúp người lao động được thụ hưởng. Cũng như phát biểu của ĐB Bùi Văn Cường, ĐB Ngọ Duy Hiểu cho rằng, tham gia Hiệp định CPTPP đây là cơ hội để Tổ chức Công đoàn Việt Nam tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, hướng tới thực chất, vì người lao động. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ cốt lõi, đổi mới tư duy và phương pháp tổ chức hoạt động, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn. Đặc biệt, là khắc phục bệnh hành chính, tư duy lạc hậu, hoạt động nặng về hiếu, hỉ, thăm nom, mà phải hướng tới việc đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền lợi người lao động tốt hơn.

Tuy nhiên, để Tổ chức Công đoàn Việt Nam phát huy vai trò tiên phong, bên cạnh sự đổi mới, ĐB Ngọ Duy Hiểu cũng đề nghị Đảng, Chính phủ có những cơ chế, chính sách, quy định để khi thực hiện CPTPP chúng ta không để xảy ra những sự cạnh tranh không lành mạnh, trong đó không loại trừ có cả yếu tố chính trị. Trên tình thần đó, ĐB Ngọ Duy Hiểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ phải hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực lao động và công đoàn. Trong đó yêu cầu đặt ra nên sửa đổi Bộ luật Lao động. Và tiến hành sửa theo hướng trong Bộ luật này phải quy định về tổ chức đại diện người lao động. Tuy nhiên, kỹ thuật thiết kế quy định này như thế nào để đảm bảo phù hợp với cam kết, tạo sự chủ động, linh hoạt trong quá trình áp dụng, tránh việc các tổ chức, cá nhân lợi dụng vì động cơ chính trị...

H.Lê- T.Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này