Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Tạo việc làm, tăng thu nhập

21:30 | 01/11/2018
(LĐTĐ) Với tỷ lệ giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) sau đào tạo nghề khá hiệu quả, thiết thực, nhiều nơi lên tới gần 87%, chương trình đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn thành phố Hà Nội đã khẳng định chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc tích cực, có trách nhiệm của các ban ngành, đoàn thể và đặc biệt là các địa phương được thụ hưởng chính sách. 
dao tao nghe cho lao dong nong thon tao viec lam tang thu nhap Khảo sát đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Ứng Hòa
dao tao nghe cho lao dong nong thon tao viec lam tang thu nhap Lao động nông thôn ở Ba Vì đã chủ động 'nhập cuộc' để cải thiện đời sống
dao tao nghe cho lao dong nong thon tao viec lam tang thu nhap Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Mong được ổn định “đầu ra”

Thiết thực, hiệu quả

Chị Đỗ Thị Năm (SN 1983) ở xã Cao Viên, huyện Thanh Oai vừa tốt nghiệp khóa đào tạo nghề may công nghiệp trong chương trình đào tạo nghề cho LĐNT do UBND huyện Thanh Oai chủ trì. Là đối tượng thuộc diện hộ nghèo, quá trình đi học được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn, sau khóa học được giải quyết việc làm với thu nhập ổn định, chị Năm vui vẻ cho biết: Hiện, thu nhập trung bình của tôi được 6 triệu đồng/tháng, khá hơn rất nhiều so với làm nông nghiệp.

dao tao nghe cho lao dong nong thon tao viec lam tang thu nhap
Bà Nguyễn Thanh Nhàn – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội khảo sát thực tế đào tạo nghề sản xuất mây giang đan tại xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa. Ảnh: B.D

Cũng tốt nghiệp khóa đào tạo nghề máy may công nghiệp như chị Năm, chị Lê Thị Thoan (SN 1985) hiện đang làm việc tại xưởng may Hoa Tùng (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai) cho biết: Trước khi học nghề, thu nhập của tôi chỉ được 5 triệu đồng/tháng, nhưng sau khóa học nhờ tăng năng suất lao động, thu nhập hàng tháng của tôi tăng lên từ 7-8 triệu đồng/tháng.

Những người như chị Năm, chị Thoan là đối tượng thuộc diện chính sách được đào tạo nghề phi nông nghiệp theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho LĐNT.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều LĐNT khác trên địa bàn các xã, huyện của thành phố Hà Nội được đào tạo nghề gắn với nông nghiệp, nông thôn, qua đó góp phần tự tạo việc làm, phát triển kinh tế gia đình. Câu chuyện về nỗ lực vươn lên nắm bắt kiến thức, kỹ thuật, mở rộng khu nuôi trồng, gia tăng kinh tế gia đình của anh Bùi Văn Thùy (xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa) là một ví dụ.

Là chủ nhân của gần 1,7 mẫu vừa đào ao thả cá, vừa chăn vịt, nuôi gà, hàng năm trang trại của anh Thùy cho thu nhập từ 150-170 triệu đồng/năm, anh Thùy cho biết: Được tham gia khóa đào tạo về chăn nuôi thú y, điều khiến anh Thùy hài lòng nhất là đã nắm được cách chủ động phòng bệnh và chữa bệnh cho gia cầm; tiêm phòng bệnh đúng thời điểm, đúng liều lượng; biết sắp xếp diện tích nuôi trồng cho khoa học hơn.

“Người nông dân như chúng tôi quen bám ruộng đồng, nay được đi học, về áp dụng vào nuôi trồng sẽ cho năng suất cao hơn, đồng nghĩa với việc giá trị kinh tế cao hơn nên ai cũng hào hứng. Tôi kỳ vọng đợt xuất lứa vịt và cá mới của tôi sẽ đem lại nguồn thu hơn 200 triệu đồng/năm”, anh Thùy bày tỏ.

Báo cáo về kết quả thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn, ông Nguyễn Chí Viễn – Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết: Đến hết tháng 10/2018, UBND Huyện đã tổ chức được 44 lớp đặt hàng đào tạo nghề cho 1.511 học viên là LĐNT. Trong đó, đào tạo nghề nông nghiệp là 26 lớp với 895 học viên; nghề phi nông nghiệp là 18 lớp với 616 học viên. Về tỷ lệ LĐNT được giải quyết việc làm sau học nghề, UBND huyện Ứng Hòa đề ra mục tiêu tối thiểu 80% LĐNT có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Cũng kỳ vọng trên 80% số LĐNT học nghề được tạo việc làm, ông Nguyễn Huy Diệp – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết: Trong năm 2017, thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện Thanh Oai đã tổ chức đào tạo được 8 nghề ngắn hạn cho 978 LĐ tham gia thuộc các nhóm đối tượng 1, 2, 3; trong đó nghề phi nông nghiệp là 3 lớp, nghề nông nghiệp là 5 lớp.

Kết quả, có 842 LĐNT đã làm công việc theo các nghề đã học, đạt tỷ lệ 86,1% LĐ có việc làm sau khi được dạy nghề; trong đó: 151 người được các cơ sở sử dụng lao động tuyển dụng, 11 LĐ được bao tiêu sản phẩm, và 680 LĐ tự tạo việc làm.“Chúng tôi luôn xác định công tác đào tạo nghề phải thực chất, hiệu quả, không chạy theo số lượng. Do đó, lãnh đạo huyện cũng có sự kiểm tra lớp thường xuyên, đột xuất, đảm bảo những đối tượng được thụ hưởng là đúng người, đúng chế độ”, ông Diệp cho biết.

Nên có cơ chế kiểm soát ngay tại địa bàn

Nhấn mạnh ý nghĩa và hiệu quả của chương trình đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ thực tế đi khảo sát, nắm bắt tình hình đào tạo nghề cho LĐNT tại các huyện Ba Vì, Ứng Hòa, Thanh Oai... bà Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận, thời gian qua, LĐNT trên địa bàn huyện khá hào hứng với chương trình; các kiến thức người lao động thu lượm được từ khóa học rất bổ ích, được bà con ứng dụng hiệu quả vào phát triển kinh tế gia đình.

Bên cạnh đó, đoàn khảo sát cũng ghi nhận nguyện vọng từ người lao động, có mong muốn được học với thời gian kéo dài hơn, được học kiến thức nâng cao và gắn liền với thực tiễn hơn, được bao tiêu sản phẩm và có “đầu ra” ổn định…

Để công tác đào tạo nghề cho LĐNT các huyện hiệu quả, bà Nguyễn Thanh Nhàn cũng đề nghị UBND các huyện chỉ đạo các ban, ngành liên quan và các cơ sở đào tạo nghề cần giám sát và tổ chức thực hiện chi trả chế độ đúng người, đúng chính sách, đảm bảo tính ưu việt của chương trình.

Đồng thời đề nghị Ban Chỉ đạo cấp huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới LĐNT, để bà con vừa là người tham gia thụ hưởng chính sách vừa là người giám sát chính sách. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 1956 tại cấp xã cũng cần chủ động tham gia, phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo cấp huyện trong việc kiểm tra, giám sát người học và cơ sở đào tạo nghề tại địa phương.

Để công tác đào tạo nghề cho LĐNT đảm bảo tính hiệu quả, bền vững, đại diện cho cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của thành phố, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Nhàn cũng đề nghị UBND các huyện cần nghiên cứu, tổng kết những mô hình điểm trong đào tạo - giải quyết việc làm cả mô hình nông nghiệp và phi nông nghệp, qua đó tiếp tục thu hút LĐNT đến với chương trình.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này