Không gian văn hóa nghệ thuật sáng tạo: Làm gì để hiện thực hóa?

15:06 | 23/10/2018
(LĐTĐ) Hà Nội là thành phố có tiềm năng rất lớn để đẩy mạnh phát triển các không gian sáng tạo. Tuy nhiên, để tận dụng lợi thế, Hà Nội cần phát huy hiệu quả các không gian sáng tạo lớn, hoàn thiện thêm công viên sáng tạo mới, có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển không gian sáng tạo... Đó là ý kiến của các chuyên gia, các nhà văn hóa tại buổi Hội thảo “Phát huy những tiềm năng, thế mạnh các không gian sáng tạo trong việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô thời kỳ hội nhập và phát triển” vừa diễn ra.
khong gian van hoa nghe thuat sang tao lam gi de hien thuc hoa Cây bán nước tự động dẹp nạn “chặt chém” trên phố đi bộ Hồ Gươm
khong gian van hoa nghe thuat sang tao lam gi de hien thuc hoa Lộn xộn các dịch vụ kinh doanh tại phố đi bộ Hồ Gươm
khong gian van hoa nghe thuat sang tao lam gi de hien thuc hoa NSND Vương Duy Biên với không gian nghệ thuật độc đáo sáng tạo

Phát huy hiệu quả của không gian sáng tạo

Kết quả khảo sát từ Văn phòng Hội đồng Anh, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số lượng không gian sáng tạo với 60/140 mô hình, trong đó, số lượng mô hình không gian văn hóa, nghệ thuật lên tới hơn 40.Theo các nhà văn hóa, quá trình vận hành các không gian sáng tạo này đang còn tồn tại nhiều hạn chế. Phần lớn các không gian sáng tạo đều hoạt động nhờ sự nhiệt tình của các sáng lập viên và các cộng sự, hoạt động chuyên môn của các địa điểm văn hóa này không có hoặc có rất ít lợi nhuận.

khong gian van hoa nghe thuat sang tao lam gi de hien thuc hoa
Phố đi bộ Hồ Gươm là không gian văn hóa thu hút nhiều du khách nhất hiện nay. Ảnh: Bảo Thoa

Nhận định việc phát triển các không gian sáng tạo ở Hà Nội gặp nhiều khó khăn, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng đề xuất một số giải pháp phát triển. Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn, cần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành về vai trò của các không gian sáng tạo trong phát triển Thủ đô. Các không gian sáng tạo không chỉ là nơi kinh doanh, khu vui chơi giải trí mà còn là nơi tạo ra động lực cho sự phát triển của thành phố.

Bên cạnh việc nhìn nhận những giá trị trực tiếp mà các không gian sáng tạo đem lại, Hà Nội cũng phải nhìn nhận thấy những giá trị gia tăng, gián tiếp của các không gian sáng tạo ấy như góp phần tạo bản sắc, quảng bá hình ảnh, tăng sức hấp dẫn cho Thủ đô và các tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế xã hội khác.

Cũng theo TS. Sơn, nghiên cứu về không gian sáng tạo không phải là chủ đề mới. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội đồng Anh, Viện Goethe Hà Nội đã tổ chức nhiều hội thảo về các không gian sáng tạo trong thành phố. Đây là những cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, đại diện của các không gian sáng tạo bàn các vấn đề liên quan đến không gian sáng tạo ở Việt Nam. Tuy nhiên, các kiến thức này dường như mới chỉ dừng lại ở các ý tưởng mà chưa thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống.

Bàn về các giải pháp phát huy hiệu quả của không gian văn hóa sáng tạo, ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, Hà Nội đã xây dựng chương trình khởi nghiệp với kế hoạch hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người trẻ trong lĩnh vực công nghệ có sáng kiến, ý tưởng phù hợp.

Về không gian phát triển văn hóa, Hà Nội đang phấn đấu từ nay đến năm 2020 sẽ có thêm khoảng 25 công viên mới, trong đó dự tính dành ra các không gian để trưng bày, giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật sáng tạo của văn nghệ sĩ Hà Nội. Thành phố cũng đã tính toán để mở thêm nhiều không gian phố đi bộ, đưa thêm nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm nâng cao đời sống tinh thần, thúc đẩy, truyền cảm hứng sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa trong cộng đồng.

Để thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Hà Nội thông qua phát triển các không gian văn hóa, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, áp dụng vào điều kiện thực tiễn của các ngành nghề, lĩnh vực trên địa bàn Thủ đô.

Có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia

Bên cạnh những giải pháp về phát triển văn hóa, nhiều ý kiến cho rằng, cần phát triển và hoàn thiện thêm những “công viên sáng tạo” mới, theo đó cần có cơ chế chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp tham gia.

Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo - VCE Club đưa ý kiến: Cần có sự kết nối giữa các không gian sáng tạo với nhau. Trên thế giới có rất nhiều không gian sáng tạo hợp tác với nhau để cung cấp một chuỗi sản phẩm hoàn chỉnh cũng như đủ sức thực hiện những dự án lớn. Tuy nhiên, ở nước ta, gợi ý này đang bị bỏ ngỏ, dẫn đến sức mạnh hoạt động của không gian sáng tạo bị hạn chế.

Còn ông Đoàn Kỳ Thanh - đại diện Hanoi Creative City thì cho rằng, một trở ngại khác nằm ở khâu cấp phép tổ chức. Hiện nay, các không gian sáng tạo chưa có tư cách pháp nhân cụ thể, nhiều nơi phải vất vả để hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh và sứ mạng cộng đồng bằng việc “đóng nhiều vai” nên không thể làm tốt vai trò được. Trong khi đó, ông Hà Anh Tuấn, chủ không gian The Vươn - Luxury Garden Office thì cho rằng, đầu tư cho không gian sáng tạo còn nhiều rủi ro bởi đối tượng thụ hưởng thiếu mặn mà trong khi chi phí kiến tạo, duy trì rất tốn kém

TS. Bùi Hoàng Sơn khẳng định: “Chúng ta không thể ứng xử với các không gian sáng tạo như các doanh nghiệp bình thường vì đặc điểm của các không gian này mang tính thử nghiệm, hướng tới cộng đồng. Nuôi dưỡng ước mơ, sáng tạo phải được thực hiện theo cách khác thông thường. Vì vậy, chính quyền thành phố cần phải có những chính sách ưu đãi về đất đai, quy hoạch đô thị, chính sách thuế... thì các không gian sáng tạo ở Thủ đô mới có thêm những cơ hội phát triển”.

Nên duy trì và cải tiến các không gian hiện có

Sở hữu nhiều không gian sáng tạo, Hà Nội đã ghi dấu ấn bản sắc đô thị qua những góc phố, con đường, công trình nghệ thuật. Tuy nhiên, hầu hết vẫn chỉ dừng lại ở ở mức không gian vật lý, ít có không gian tạo được hiệu ứng tương tác trực tiếp với con người, chưa tạo được hiệu quả như kỳ vọng.

Điển hình, với trên 1.4 triệu lượt khách ghé thăm trong 9 tháng đầu năm 2018, có thể nói, Phố đi bộ Hồ Gươm là một không gian văn hóa sáng tạo thành công không chỉ về không gian thư giãn mà còn nơi diễn ra những hoạt động nghệ thuật đường phố được người dân đón nhận. Nơi đây đã trở thành điểm giao lưu văn hóa quen thuộc của người dân Thủ đô và du khách quốc tế, đáp ứng được nhu cầu thư giãn, thắng cảnh và hoạt động vui chơi giải trí của người dân. Cách Hồ Gươm không xa là Phố Bích họa Phùng Hưng cũng chuyển mình từ một nơi tối tăm, ngập rác đã trở thành điểm đến của người dân Hà Nội và du khách thập phương trải nghiệm những khoảnh khắc về Hà Nội xưa và nay…

Tuy nhiên, bên cạnh đó, không gian phố đi bộ Trịnh Công Sơn với phong cảnh đẹp, nằm bên Hồ Tây ngào ngạt hương sen thì lại chưa phát huy được hiệu quả của nó. Trước hết, không gian này chưa có đột phá và điểm mới so với con phố đã hình thành trước đó là Phố đi bộ Hồ Gươm, không những thế, không gian ẩm thực tại đây lại không có nhiều những món ăn truyền thống đặc sắc.

Hay nghệ thuật ca hát, nơi đây các liền anh liền chị mang Quan họ đến biểu diễn chung vui nhưng lại lác đác người dừng chân bởi các nghệ sỹ cũng chỉ biết hát chứ chưa tạo được sự tương tác với du khách, khiến nhiều người chỉ lướt qua, chụp ảnh rồi không nán lại thưởng thức. Còn một vấn đề nữa là giao thông chưa thuận tiện và biển chỉ dẫn đến nơi đây vắng bóng khiến nhiều người dân không thể tìm được điểm đến.

Hoặc như không gian Hanoi Creative City (Lương Yên), tuy có sáng tạo hơn bằng những trò chơi cảm giác mạnh dành cho người lớn hay trẻ nhỏ, nhưng người dân đến đây chủ yếu vẫn là để đứng ở trước những không gian chụp ảnh lưu niệm, đi loanh quanh và ra về, thậm chí cũng chưa thể thư giãn trong một không gian như thế này.

Còn nhiều nữa những không gian sáng tạo như Heritage Space (Trần Bình), Manzi (Phan Huy Ích), Ơ kìa Hà Nội (Hoàng Hoa Thám), The Vuon (Giảng Võ)... cũng là không gian đáng đến để thưởng thức và làm việc, nhưng theo các chuyên gia hàng đầu về phát triển không gian sáng tạo, các công trình mới chỉ thiên về vật lý mà chưa tạo được phần hồn cho các không gian đó.

Ngay như phố Bích họa Phùng Hưng thì người dân và du khách vẫn chỉ có thể đến chụp ảnh, chụp mãi rồi cũng sẽ chán và lượng khách quay lại lần 3, lần 4 là rất hiếm; hoặc Phố Sách Hà Nội mặc dù được thành phố đầu tư và kỳ vọng sẽ trở thành điểm “văn hóa đọc” của người dân Thủ đô nhưng cho đến hiện tại vẫn thưa thớt người ghé qua. Có lẽ ngoài những gian hàng sách do các nhà sách tự trang trí, bày bán với mục đích kinh doanh là chính thì “không gian văn hóa” thực sự vẫn chưa thể hiện rõ vai trò ở nơi đây.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này