Tư vấn pháp luật lưu động tại khu nhà trọ: Mô hình thiết thực, hiệu quả

17:53 | 12/10/2018
(LĐTĐ) Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là việc sẽ tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hoạt động được xác định là có tính cấp bách và chiến lược của tổ chức công đoàn là cần đổi mới mạnh mẽ, tập trung vào thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ. 
tu van phap luat luu dong tai khu nha tro mo hinh thiet thuc hieu qua Chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao vai trò của Công đoàn trong tranh tụng tại Tòa án
tu van phap luat luu dong tai khu nha tro mo hinh thiet thuc hieu qua Ngành xây dựng Hà Nội tập huấn tuyên truyền tư vấn pháp luật
tu van phap luat luu dong tai khu nha tro mo hinh thiet thuc hieu qua Tư vấn pháp luật và truyền thông dân số cho nữ công nhân lao động

Công tác tư vấn pháp luật và khởi kiện tại Tòa án là hai nhiệm vụ quan trọng trong chức năng nhiệm vụ thứ nhất của tổ chức Công đoàn là đại diện và bảo vệ cho người lao động. Qua các đợt khảo sát, đánh giá của Tổng LĐLĐ Việt Nam đã cho thấy, hoạt động tư vấn pháp luật và tuyên truyền pháp luật đã góp phần giúp người lao động nâng cao kiến thức pháp luật, giúp họ nắm được những quy định pháp luật cơ bản để bảo vệ quyền lợi của mình.

tu van phap luat luu dong tai khu nha tro mo hinh thiet thuc hieu qua
Ông Vũ Ngọc Hà – Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn LĐLĐ tỉnh Đồng Nai chia sẻ kinh nghiệm. Ảnh: L.N

Chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này, đại diện LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cho biết: Công tác tư vấn pháp luật ở Đồng Nai được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau. Cụ thể, mô hình tư vấn pháp luật có Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn thuộc LĐLĐ tỉnh; 2 Văn phòng tư vấn pháp luật tại LĐLĐ huyện Trảng Bom và LĐLĐ huyện Nhơn Trạch.

Để tư vấn, hỗ trợ cho người lao động ngoài giờ làm việc, LĐLĐ tỉnh còn thành lập 3 điểm hỗ trợ công nhân tại những nơi tập trung đông công nhân lao động, thời gian hoạt động từ 19-21 giờ hàng ngày. Các hình thức tư vấn pháp luật được triển khai đa dạng gồm: Tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại, tư vấn trên báo, đài, và tư vấn qua tổng đài… Hàng năm, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai còn triển khai hàng chục cuộc tư vấn pháp luật lưu động tại các khu nhà trọ để mang kiến thức đến với người lao động.

Theo ông Vũ Ngọc Hà – Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (thuộc LĐLĐ tỉnh Đồng Nai), hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả nhất chính là việc tư vấn pháp luật lưu động tại các khu nhà trọ. Bên cạnh đội ngũ cán bộ công đoàn, LĐLĐ tỉnh đã đào tạo được đội ngũ công nhân nòng cốt để cùng với các cấp công đoàn tuyên truyền pháp luật và tư vấn pháp luật cho người lao động tại nơi cư trú và trong từng doanh nghiệp.

“Mô hình tư vấn thông qua đội ngũ công nhân nòng cốt thực sự hiệu quả và được người lao động tin tưởng vì không ai hỗ trợ công nhân tốt hơn chính công nhân hỗ trợ nhau”, ông Hà khẳng định.

Ông Hà phân tích thêm, trong quá trình tư vấn pháp luật cho đoàn viên công đoàn, người lao động, nếu cần sự hỗ trợ về pháp lý và khởi kiện thì Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn thuộc LĐLĐ tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện các dịch vụ tư vấn hỗ trợ và tiến hành các thủ tục để người lao động khởi kiện người sử dụng lao động ra Tòa án.

Đối với những người lao động có trình độ cao, Trung tâm có thể sát cánh cùng người lao động ra Tòa với tư cách là cán bộ công đoàn bảo vệ quyền lợi cho người lao động tại tòa án theo quy định tại điểm 1, khoản 1, điều 75 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Đối với những người lao động không am hiểu kiến thức pháp luật cũng như không đủ tự tin để trình bày trước Tòa, Trung tâm sẽ cử cán bộ nhận ủy quyền để tham gia tố tụng thay cho người lao động.Với hai cách làm này, hằng năm Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn thuộc LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ và bảo vệ cho hàng trăm người lao động tại Tòa án. Kết quả của hoạt động này đã giúp cho người lao động tin tưởng vào tổ chức công đoàn.

Hiện nay, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đang thực hiện tốt việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động đối với các vụ án tranh chấp lao động cá nhân; riêng với các vụ án tranh chấp lao động tập thể, công đoàn chưa thể khởi kiện được, như các vụ án về bảo hiểm xã hội, tiền lương…

Việc này không phải vì Công đoàn không tiến hành khởi kiện mà bởi hệ thống pháp luật của chúng ta chưa đồng bộ, còn chồng chéo… dẫn tới việc luật này quy định cho công đoàn được quyền khởi kiện nhưng luật khác lại không. Khái niệm về tranh chấp lao động tập thể trong Bộ luật Lao động hiện hành còn những vướng mắc, khiến các thẩm phán hiểu khác nhau, dẫn đến việc không thụ lý, giải quyết các vụ án tranh chấp lao động tập thể.

Về kinh phí công đoàn, một số doanh nghiệp chưa tuân thủ quy định của pháp luật, song Công đoàn chưa thể khởi kiện được vì pháp luật quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ sở hữu của tài sản công đoàn. Như vậy, chỉ có Tổng LĐLĐ Việt Nam mới được quyền khởi kiện; trong khi Luật Công đoàn 2012 không quy định rõ về phần kinh phí công đoàn nếu doanh nghiệp không đóng thì Công đoàn được quyền khởi kiện.

Do đó, các vấn đề tranh chấp lao động tập thể phát sinh tại Đồng Nai, tổ chức công đoàn vẫn chưa thể tiến hành khởi kiện; việc này vừa gây khó khăn cho người lao động, vừa làm cho doanh nghiệp coi thường pháp luật lao động Việt Nam.

Từ thực tiễn công tác tư vấn pháp luật và khởi kiện tại Tòa án, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai kiến nghị với Tổng LĐLĐ Việt Nam: Đóng góp hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động để Công đoàn có thể tiến hành thủ tục khởi kiện tranh chấp lao động tập thể về quyền. Bổ sung hoàn thiện trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Chủ tịch UBND huyện. Cấp công đoàn khởi kiện là công đoàn cấp trên cơ sở, vì hiện nay pháp luật giao cho công đoàn cơ sở nhưng công đoàn cơ sở không thể thực hiện việc này.

Về kinh phí công đoàn, cần quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ sở hữu của kinh phí công đoàn và có phân công trách nhiệm thu cho các địa phương. Trên cơ sở đó nếu doanh nghiệp không đóng kinh phí công đoàn thì công đoàn cấp nào thu, công đoàn cấp đó có quyền khởi kiện. Số lượng các vụ án lao động giải quyết tại Tòa án có Công đoàn tham gia rất ít do nhiều lý do khác nhau. Vì vậy, cần có một cơ chế mới, một phá để đẩy mạnh công tác này; có thể vận dụng mô hình Công ty Luật của Công đoàn Đức và xây dựng đội ngũ luật sư công đoàn.

Ngọc Lan

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này