Quản lý dạy thêm, học thêm bằng cách phạt nặng: Rất khó khả thi

16:51 | 04/10/2018
(LĐTĐ) Báo Lao động Thủ đô có bài viết về tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan ngay đầu năm học 2018 - 2019. Nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực quản lý giáo dục, trong đó có siết chặt việc dạy thêm, học thêm, mới đây, Bộ GD-ĐT đề xuất tăng mức xử phạt đối với những hành vi sai phạm.
quan ly day them hoc them bang cach phat nang rat kho kha thi Đề xuất tăng mức phạt đối với hành vi dạy thêm, học thêm
quan ly day them hoc them bang cach phat nang rat kho kha thi Dạy thêm, học thêm: Cấm cứ cấm, dạy cứ dạy

Theo dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục mà Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến đóng góp, các hành vi vi phạm về tổ chức dạy thêm, vi phạm về dạy thêm sẽ bị phạt tiền theo các mức từ 2 đến 15 triệu đồng. Cụ thể, theo dự thảo Nghị định, hành vi vi phạm quy định về tổ chức dạy thêm, mức phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng áp dụng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi không bảo đảm cơ sở vật chất; Phạt từ 2 đến 4 triệu đồng đối với hành vi thực hiện không đúng quy định về công khai thông tin tổ chức dạy thêm.

Đáng chú ý, hành vi dạy thêm cho học sinh tiểu học hoặc học sinh đã học 2 buổi/ngày sẽ bị phạt từ 5 đến 6 triệu đồng; Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường mức phạt từ 3 đến 5 triệu đồng.

quan ly day them hoc them bang cach phat nang rat kho kha thi
Ảnh minh họa: PV

Dự thảo Nghị định cũng đưa ra mức phạt tiền đối với các hành vi như: Sử dụng người dạy thêm không đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định; tổ chức dạy thêm theo các lớp học chính khóa; tổ chức dạy thêm không đúng địa điểm đã được cấp phép; tổ chức dạy thêm không đúng đối tượng, không đúng nội dung đã được cấp phép…Trường trung cấp sư phạm, trường cao đẳng sư phạm, cơ sở giáo dục đại học tổ chức dạy thêm theo chương trình giáo dục phổ thông sẽ bị mức phạt từ 8 đến 10 triệu đồng. Đối với hành vi ép buộc học sinh học thêm cũng sẽ bị phạt từ 8 đến 10 triệu đồng.

Ngoài phạt tiền, các hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép dạy thêm hay đình chỉ hoạt động dạy thêm theo thời hạn tùy theo mức vi phạm. Buộc trả lại cho người học các khoản tiền đã thu và chịu mọi chi phí trả lại đối với hành vi tổ chức dạy thêm không đúng đối tượng, không đúng nội dung đã được cấp phép; dạy thêm khi giấy phép đã hết hạn, khi chưa được cấp phép; ép buộc học sinh học thêm; Buộc giải thể cơ sở dạy thêm đối với hành vi tổ chức dạy thêm khi chưa được cấp phép.

Đặc biệt, theo Điều 9 tại dự thảo Nghị định quy định mức phạt tiền từ 2 đến 4 triệu đồng đối với hành vi dạy thêm ngoài trường của giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên; Phạt tiền từ 5 đến 6 triệu đồng đối với hành vi dạy thêm cho học sinh tiểu học hoặc học sinh đã học 2 buổi/ngày; Phạt tiền từ 6 đến 8 triệu đồng đối với hành vi cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào nội dung dạy thêm, dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa.

Theo Bộ GD-ĐT, mức phạt đối với các vi phạm về tổ chức dạy thêm, vi phạm dạy thêm tại dự thảo Nghị định là một trong những nội dung được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn theo hướng tăng mức xử phạt để răn đe và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm gây bức xúc trong xã hội thời gian qua.

Cũng liên quan đến việc dạy thêm, học thêm, cách đây vài năm, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT. Theo Thông tư này, hoạt động dạy thêm, học thêm được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây: Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học. Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.

Thông tư 17 cũng quy định về dạy thêm, học thêm, các trường hợp không được dạy thêm. Cụ thể: Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập: Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Nếu vi phạm quy định về dạy thêm, sẽ áp dụng chế tài xử lý theo Điều 7 Nghị định 138/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục với các mức: Từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không bảo đảm cơ sở vật chất theo quy định;Từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng đối tượng;Từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng nội dung đã được cấp phép;Từ 6 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép.

Đáng nói là sau khi Thông tư 17 có hiệu lực thì chỉ có một số địa phương “mạnh tay” kiểm tra và xử phạt những giáo viên “làm thêm” bằng chuyên môn. Số vụ bị “bắt quả tang” và bị xử phạt không nhiều. Đa số các địa phương đều lúng túng, bị động và chưa biết cách nào quản lý dạy thêm, học thêm cho phù hợp. Trên thực tế, hoạt động dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra ở khắp nơi và tập trung nhiều nhất ở các đô thị lớn.

Bàn về thực trạng này, các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến dạy thêm, học thêm tràn lan. Đó là chương trình học quá nặng, áp lực thi cử, thi đua, phụ huynh nặng tâm lý muốn con thành tài, đời sống giáo viên khó khăn… Như vậy, trước khi muốn dẹp nạn dạy thêm, học thêm thì Bộ GD-ĐT phải hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến căn bệnh lưu cữu này và đưa ra giải pháp trị liệu đúng, thay vì tống liều thuốc mạnh là cấm đoán và xử phạt.

Để giải quyết tận gốc vấn nạn trên thì ngoài tiếp tục giảm tải nội dung, chương trình học ở các cấp, đổi mới cách đánh giá kết quả học tập, không tạo áp lực thi cử, việc đảm bảo thu nhập đủ sống hoặc trả lương đúng giá trị lao động của giáo viên là điều cần làm gấp.

Câu hỏi đặt ra hiện nay: Liệu những chế tài sắp tới có thể hạ nhiệt cơn sốt dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay? Và ai sẽ quản lý, xử phạt hoạt động này?

Hà Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này