Nước sạch ở ngoại thành:

Kỳ 1: Nước sạch mà chưa “sạch”

16:45 | 13/09/2018
(LĐTĐ) Tại Hà Nội, đang tồn tại tình trạng người dân “thờ ơ” với nước sạch. Nhiều địa phương, dù có trạm cấp nước đã đi vào khai thác song số người dân sử dụng lại tương đối thấp. Cá biệt, có địa phương suốt nhiều năm liền người dân phải sử dụng nước sạch mà không hề “sạch”, chất lượng không đảm bảo. Thực tế này cho thấy, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có biện pháp vào cuộc chấn chỉnh.
ky 1 nuoc sach ma chua sach Vì mục tiêu phủ kín nước sạch
ky 1 nuoc sach ma chua sach Huyện Ba Vì: Người dân chưa mặn mà với nước sạch

Chất lượng nước không đảm bảo

Đến xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì), dạo qua các thôn Tó Tả, Thượng Phúc, Nhân Hòa, Siêu Quần hỏi bất cứ nhà dân nào cũng đều được phản hồi là nước sinh hoạt không đảm bảo. Theo cư dân ở đây, hằng ngày, họ phải dùng nguồn nước sinh hoạt chảy từ vòi ra có nhiều cặn hoặc chuyển màu.

Khi đun sôi, mùi tanh hôi của nước xộc vào mũi. Bà Nguyễn Thị Thúy, trú tại Đội 4, cho biết, xã Tả Thanh Oai nằm gần sông Nhuệ, khu nghĩa trang Văn Điển và nhiều kênh, mương có thời điểm ô nhiễm khiến người dân lo ngại sẽ gây ảnh hưởng đến nước sạch sinh hoạt. Người dân địa phương phải tự khắc phục bằng việc sử dụng nước giếng khoan hoặc mua nước của Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp.

ky 1 nuoc sach ma chua sach

Một trạm cấp nước sạch ở Tả Thanh Oai có dấu hiệu xuống cấp

Tuy nhiên, dù đã phải bỏ tiền ra mua nước song chất lượng quá thấp khiến bà và những người dân trong khu vực bức xúc. “Nếu khoan giếng thì sợ nguồn nước ngầm bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm ở sông Nhuệ. Dân chúng tôi đã kêu rất nhiều nhưng nước vẫn bẩn. Nhiều lúc nước chảy ra từ vòi mà đục ngầu, chuyển màu tựa như một bát đất. Nhà tôi chỉ dùng nước này để rửa chân tay, nếu muốn dùng được vào ăn uống thì phải cho chảy qua hệ thống máy lọc” – bà Thúy chia sẻ. Theo nhiều người dân nơi đây, nếu muốn lắp đường nước, họ phải mất từ 5 – 6 triệu/1 đồng hồ nước. Tuy nhiên, nước muốn sử dụng thì phải loại bỏ cặn bẩn bằng cách xả 4, 5 xô, chậu trước rồi để cho lắng lại.

Một người dân quả quyết: “Chúng tôi không rõ là nước có đảm bảo chất lượng hay không nhưng cảm quan thì thấy nhiều lúc nước xả ra đầy lăng quăng, bọ gậy, nhẹ hơn thì chuyển màu”. Theo tìm hiểu, xã Tả Thanh Oai có 3 trạm cấp nước giúp điều tiết đến 4 thôn trong xã. Cụ thể, người dân thôn Thượng Phúc và Nhân Hòa sử dụng chung một trạm nước; thôn Siêu Quần sử dụng một trạm nước; trạm còn lại là do Hợp tác xã Tả Thanh Oai quản lý, cấp nước cho khoảng 2.500 hộ dân.

Theo đánh giá, hiệu suất hoạt động trung bình của các trạm cấp nước nông thôn còn tương đối hạn chế, trung bình chỉ đạt khoảng 75% so với công suất thiết kế. Trong khi đó, tỷ lệ thất thoát nước hiện nay của các trạm cấp nước còn khá cao, thấp nhất là 10%. Ngoài ra, chất lượng nước sạch cũng chưa đồng đều, do chưa được quản lý theo đúng quy định.

Việc kiểm định chất lượng nước chủ yếu do Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội thực hiện. Các trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã hầu như chưa thực hiện việc kiểm định chất lượng nước đối với nguồn nước do các hộ dân tự khai thác theo hướng dẫn của Sở Y tế.

Công tác vệ sinh tại các trạm cấp nước, nhất là vấn đề xử lý chất thải trong quá trình lọc nước chưa được quan tâm thường xuyên. Hầu hết các trạm cấp nước đang hoạt động không có hệ thống xử lý chất thải, vì vậy trong quá trình lọc nước có chứa rất nhiều các kim loại độc hại với cơ thể con người chưa được xử lý, nhưng vẫn được các trạm cấp nước xả thẳng ra môi trường... Nguyên nhân vấn đề này được xác định là do nhiều trạm cấp nước nông thôn được xây dựng từ lâu, thiết kế trạm đầu mối của các trạm cấp nước lạc hậu; diện tích đất trạm đầu mối nhỏ và nằm xen kẹt ở khu đông dân cư… Công tác duy tu, duy trì trạm xử lý và đường ống không được quan tâm thực hiện thường xuyên dẫn đến công trình nhanh xuống cấp.

Đáng chú ý, những trạm cấp nước này đã được xây dựng từ hơn 20 năm trước đây nên các trang thiết bị phần lớn đã lạc hậu, cũ kỹ. Chung tình cảnh trên, gần đây người dân sống tại xã Ngọc Hồi cũng tá hỏa khi nhận được thông tin hàm lượng độc tố Asen trong nước sinh hoạt nơi đây vượt quá 6 lần quy chuẩn cho phép.

Cụ thể, kết quả xét nghiệm lý hóa (kèm theo báo cáo số 1089 BC-TTYT ngày 17/4/2018) của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội về chất lượng nước trên địa bàn huyện Thanh Trì cho thấy: Trạm cấp nước Yên Kiện có chỉ số Amoni cao gấp gần 5 lần mức cho phép (14,72mg/l so với <3mg/l) và Asen vượt gần 6 lần mức cho phép (0,057mg/l so với 0,01mg/l).

Khi được hỏi, nhiều người dân trong khu vực cho biết, nước nơi đây không đảm bảo. Để có nước ăn uống, hầu hết các hộ dân đều trang bị máy lọc để xử lý lại nguồn nước sinh hoạt từ trạm. Nói cách khác, người dân không dám sử dụng nước trực tiếp vì cho rằng, nếu cứ dùng trực tiếp thì nguồn nước sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. “Do nguồn nước bẩn quá nên các cục lọc thường xuyên bị tắc, trung bình cứ 1,5 – 2 tháng là phải thay lõi lọc một lần.

Nếu không thay lõi lọc thì sẽ không có nước ra để ăn” – một người dân chia sẻ. Chưa bàn đến chất lượng nguồn nước được cung ứng từ trạm cấp tới người dân xã Ngọc Hồi, tuy nhiên khi người viết khảo sát tại trạm cấp nước Yên Kiện thì nơi này rất nhếch nhác, các ống nước gỉ sét, tường phủ đầy rêu phong.

Cần sớm khắc phục

Theo tìm hiểu, hiện mô hình quản lý các trạm cấp nước nông thôn không thống nhất. Hiện nay, tồn tại 4 mô hình quản lý là doanh nghiệp, UBND xã, hợp tác xã và cộng đồng. Tuy nhiên, có một điểm chung từ mô hình giao cho cộng đồng, UBND xã và hợp tác xã quản lý là đơn vị quản lý chỉ phục vụ việc khai thác, không có duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời.

Vì vậy, những mô hình quản lý này chưa xây dựng được quy trình sản xuất, xử lý, vận hành nước đối với các trạm cấp nước đã đi vào hoạt động. Việc này cũng kéo theo hệ lụy là hoạt động kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các công trình cấp nước sạch còn dở dang hoặc đang trong tình trạng xuống cấp thường gặp nhiều khó khăn.

Trở lại câu chuyện người dân Tả Thanh Oai bức xúc vì chất lượng nước không đảm bảo. Có một điểm chung nhưng khá nghịch lý giữa những người dân trong vùng là thay vì dùng để ăn uống, họ chỉ dùng nước từ các trạm nước sạch để giặt rũ, tắm rửa. Bà Nguyễn Thị Phúc, 59 tuổi, trú tại thôn Nhân Hòa khẳng định, mặc dù đã lắp đặt, mỗi tháng tốn hơn 100.000 đồng tiền nước nhưng gia đình bà chưa bao giờ dùng nước tại trạm cấp mini để ăn uống. “Muốn ăn thì chịu khó mua cái máy lọc giá khoảng 7 triệu về lọc. Bây giờ, đa số người dân nơi đây ăn nước mưa hoặc mua nước bình với giá 15.000 đồng/bình, chấp nhận phải tốn kém để đảm bảo sức khỏe” – bà Phúc Khẳng định.

Để tìm hiểu thông tin, chúng tôi tìm đến trạm cấp nước mini hiện đại bậc nhất trong khu vực là ở Tả Thanh Oai, do Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tả Thanh Oai quản lý. Ông Nguyễn Như Dũng – Phó Giám đốc Hợp tác xã, Phụ trách trạm cấp nước cho biết, “Gần đây dư luận phản ánh tình trạng chất lượng nước không đảm bảo cũng không hoàn toàn chính xác.

Kết quả về xét nghiệm, nước không đảm bảo tiêu chuẩn là trạm nước thuộc thôn Siêu Quần chứ không phải chỗ tôi. Chúng tôi đã trình lên huyện đặc biệt là đề xuất có thêm giàn phơi nắng để giảm độc tố nước. Vừa rồi huyện đã đồng ý, sắp tới sẽ triển khai” – Ông Nguyễn Như Dũng chia sẻ.

Lê Thắm – Luyện Đinh

Còn nữa…

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này