Phát triển đối tượng tham gia BHXH:

Cần tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các chính sách

14:04 | 28/08/2018
(LĐTĐ) Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đề ra mục tiêu đến năm 2021, có khoảng 35% lực lượng lao động tham gia BHXH. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, tỷ lệ tham gia BHXH của người lao động vẫn rất thấp so với tổng số lực lượng lao động cả nước, rất cần có những giải pháp quyết liệt để thúc đẩy, mở rộng đối tượng tham gia.
can tiep tuc hoan thien dong bo cac chinh sach Cải tiến quy trình, tạo thuận lợi cho các đối tượng tham gia
can tiep tuc hoan thien dong bo cac chinh sach Giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho từng địa phương
can tiep tuc hoan thien dong bo cac chinh sach Giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho từng địa phương

Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Kết quả thực hiện và những định hướng cải cách chính sách BHXH” do BHXH Việt Nam phối hợp với báo Đại biểu nhân dân tổ chức, đề cập đến 4 thách thức lớn nhất mà cơ quan BHXH phải đối mặt khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Thứ nhất, nhận thức của người sử dụng lao động, của người lao động và của người dân đối với cả hệ thống an sinh xã hội trong đó có BHXH, BHYT còn hạn chế nên độ bao phủ BHXH mới chỉ chiếm 26%. Điều này tác động không nhỏ đến độ bao phủ mà chúng ta đặt ra năm 2021 là 35%.

can tiep tuc hoan thien dong bo cac chinh sach
Ngành BHXH nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người tham gia.

Thứ hai, theo ông Bùi Sĩ Lợi, trong hệ thống chính sách hiện nay của chúng ta có 2 loại hình là BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc, nhưng có sự chênh nhau về chính sách được hưởng giữa 2 loại hình này.

Cụ thể, người tham gia BHXH bắt buộc sẽ được hưởng 5 chế độ: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất, trong khi đó, người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 chính sách là hưu trí và tử tuất. Đây là thách thức cần tìm cách tháo gỡ. Thứ ba, ông Lợi cho rằng, thực tế qua các cuộc giám sát cho thấy, còn một số cấp ủy và chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này.

Vấn đề cuối cùng, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ở chừng mực nào đó, BHXH chưa lấy được niềm tin tuyệt đối từ người dân, khiến người dân còn những lo lắng như: Quỹ BHXH có bảo toàn hay không? Có công khai minh bạch không? Thủ tục hành chính có thuận tiện hay không ?...

“Đây là 4 thách thức lớn tôi cho rằng chúng ta phải sớm khắc phục bằng cả đổi mới chính sách, bằng cả tổ chức triển khai thực hiện, bằng cả chỉ đạo của Đảng về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW”, ông Bùi Sĩ Lợi nhấn mạnh.

Từ thực tiễn làm công tác chính sách, chế độ cho người lao động, ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng: Khó khăn lớn nhất, nguyên nhân khiến chưa đảm bảo việc mở rộng đối tượng theo yêu cầu là do chính sách BHXH của chúng ta chưa thực sự linh hoạt, hấp dẫn đối với người tham gia BHXH.

Theo ông Quảng, ngoài việc chưa công bằng trong chính sách giữa tham gia BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc, thì còn có sự bất bình đẳng giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Ví dụ, cách tính lương hưu khu vực tư nhân là bình quân cả quá trình giam gia BHXH, còn khu vực Nhà nước lại có lộ trình rất lâu, người tham gia BHXH sẽ có sự so bì.

Theo ông Quảng, việc thực hiện chính sách BHXH hiện nay còn vướng mắc khiến cho tâm lý của người lao động không mặn mà tham gia BHXH, đó là tình trạng doanh nghiệp nợ, chậm đóng BHXH, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động. Chưa kể các doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ doanh nghiệp bỏ trốn… khiến người lao động “đi không được, ở cũng chẳng xong”.

Bên cạnh đó, quy định tiền lương đóng BHXH hiện nay còn bất cập - người lao động phải trích ra từ tiền lương, phụ cấp lương, những khoản bổ sung khác… nhưng thực chất doanh nghiệp chỉ đóng BHXH mức lương cơ bản, mức hưởng khi về hưu không cao, dẫn đến không hấp dẫn người tham gia BHXH.

Bày tỏ sự đồng tình với ông Bùi Sĩ Lợi và ông Lê Đình Quảng về những thách thức của ngành BHXH trong việc đạt được mục tiêu về phát triển đối tượng, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cũng chỉ rõ những tồn tại thách thức cũng như hạn chế của chính sách BHXH hiện nay, như: Hiện, chính sách BHXH chỉ mới bao phủ 26% lực lượng lao động, đồng nghĩa với việc hơn 70% lực lượng lao động chưa tham gia là tỷ lệ không nhỏ.

Mặc dù chúng ta đã có rất nhiều chính sách tiến bộ nhưng thực sự chưa theo kịp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chưa phù hợp với nhu cầu, chưa đủ mạnh, chưa linh hoạt và chưa có tính kết nối, tính hấp dẫn để đối tượng tham gia. Ví dụ, BHXH tự nguyện hiện nay mức hỗ trợ rất thấp, hỗ trợ đối với người nghèo là 30%, với hộ cận nghèo 25%, đối tượng khác 10%, tất cả hỗ trợ này không phải hỗ trợ trên mức đóng mà là mức của người nghèo.

Bên cạnh đó, việc hàng năm có khoảng 600.000 người rời khỏi hệ thống để nhận BHXH một lần. Như vậy, sự gia tăng nguồn quỹ hưu trí hằng năm gần như không đáng kể, cần có cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính để đơn giản hóa và giảm thời gian đóng BHXH để thu hút người tham gia.

“Có những vấn đề của chính quyền địa phương nhưng cũng có vấn đề ngay ở cơ quan tổ chức thực hiện chúng tôi thấy rằng cần cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hơn nữa, đơn giản hóa thủ tục hơn nữa để phục vụ đối tượng tốt hơn. Trong việc tổ chức thực hiện, cần thanh tra kiểm tra tốt, qua đó, thu hút người dân tham gia nhiều hơn”, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh nhận định.

Từ những hạn chế trên, các chuyên gia đều cho rằng, cần rà soát lại hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến BHXH, xem xét sửa Bộ luật Lao động, Sửa Luật Việc làm liên quan đến thất nghiệp, sửa Luật An toàn vệ sinh lao động liên quan đến chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động... Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác giám sát, qua đó kịp thời xử lý những vi phạm, nâng cao tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp cũng như người tham gia.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này