Tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận trong xây dựng nông thôn mới

15:18 | 17/08/2018
Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng: Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung có hiệu quả kinh tế cao.
tin nhap 20180817134604 Hiệu quả từ việc ‘dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra...’
tin nhap 20180817134604 Chuyện ở huyện làm nông nghiệp công nghệ cao
tin nhap 20180817134604 Cả nước có 3.420 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới

Thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội, với vai trò tập hợp, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp Thành phố Hà Nội thường xuyên triển khai tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân cùng tham gia các nội dung trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

tin nhap 20180817134604

Người dân ở xã Thanh Đa, huynej Phúc Thọ chuyển dịch sang sản xuất nông nghiệp sạch. Ảnh: Mai Quý

Công tác dồn điền, đổi thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nông dân đã được các địa phương vào cuộc quyết liệt. Việc đưa cơ giới vào đồng ruộng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất được tăng cường mạnh hơn; việc củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã được coi trọng. Hạ tầng kinh tế xã hội khu vực nông thôn được tăng cường.

Đến nay, toàn Thành phố đã thực hiện dồn điền, đổi thửa được 79.183,1/75.980,1 ha (đạt 104,2%), vượt 3.673,5 ha so với kế hoạch. Diện tích dôi dư sau đồn điền đổi thửa là 1.836,9 ha, tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch mở rộng các công trình phúc lợi.

Toàn Thành phố đã chuyển đổi 17.584,9 ha vùng đất lúa kém hiệu quả sang các mô hình canh tác hiệu quả cao hơn như nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả, trồng rau an toàn, chăn nuôi xa khu dân cư, trồng hoa, trồng cây cảnh... Với việc chuyển đổi này, đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung chất lượng cao tăng thu nhập cho nhân dân.

Trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, Thành phố đã cấp được 616.704/622.861 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa, đạt 99,1%. Kết quả, đã tạo điều kiện cho các hộ nông dân liên doanh, liên kết, sản xuất theo hướng chuyên canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, có 123 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, có 11 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp...

Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở khu vực nông thôn không ngừng được nâng lên. Hiện, thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt 38 triệu đồng/người/năm (tăng 5 triệu đồng so với năm 2015). Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, tỷ lệ người dân tham gia BHYT cuối năm 2017 đạt 86,06%, vượt kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hà Nội, kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các huyện chưa đồng đều; việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Sản xuất nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ, manh mún, tâm lý mạnh dạn đổi mới còn dè dặt, tăng trưởng kinh tế nông nghiệp còn thấp. Việc thu hút nguồn lực xã hội chưa được nhiều, chủ yếu vẫn là nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

Theo đó, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hà Nội đề nghị Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể, tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ và các tầng lớp nhân dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức và nhân dân trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới. Từ đó, đoàn kết, đóng góp vào sự thành công của công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần phát huy tốt vai trò, thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội và giám sát các công việc tại các địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, chú trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”; phản ánh kịp thời những ý kiến, kiến nghị của nhân dân, qua đó đề xuất với các cấp, các ngành xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới.

Theo đánh giá của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hà Nội, từ năm 2016 đến nay, các Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các xã của thành phố Hà Nội đã tổ chức giám sát trên 20.000 các công trình, dự án, trong đó có các công trình dự án nông thôn mới tại các địa phương.

Qua hoạt động giám sát, nhiều công trình, phần việc sai sót đã được kiến nghị, giải quyết kịp thời. Kết quả đó đã giúp cho các công trình thực hiện đúng tiến độ, tiết kiệm chi phí, đảm bảo chất lượng, được nhân dân đồng tình và hoan nghênh.

B.Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này