Cải cách chính sách BHXH:

Mở rộng đối tượng trong khu vực phi chính thức

14:23 | 14/08/2018
Một trong những điểm mới được đề cập đến trong Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) là sẽ mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc với nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt. Đây được xem là thách thức không nhỏ đối với ngành BHXH.
mo rong doi tuong trong khu vuc phi chinh thuc Không để người cao tuổi nào bị bỏ rơi
mo rong doi tuong trong khu vuc phi chinh thuc Cải cách chính sách BHXH: Tiến tới mọi người cao tuổi đều có lương hưu
mo rong doi tuong trong khu vuc phi chinh thuc BHXH Việt Nam quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 tới người lao động

Nghị quyết số 28-NQ/TW để ra mục tiêu đẩy nhanh quá trình gia tăng số lao động tham gia BHXH trong khu vực phi chính thức. Cụ thể, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

mo rong doi tuong trong khu vuc phi chinh thuc
Phát triển đối tượng tham gia trong khu vực phi chính thức là mục tiêu hướng tới trong cải cách chính sách BHXH.

Nghiên cứu thiết kế các gói BHXH ngắn hạn với mức đóng, mức hưởng, phương thức giao dịch phù hợp với người lao động trong khu vực phi chính thức.

Trao đổi về nhiệm vụ này của ngành tại buổi tọa đàm “Cải cách chính sách BHXH hướng tới BHXH toàn dân” mới đây, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho rằng, đây là điểm khó nhất vì nhóm này không trong khu vực quan hệ lao động chính thức, luôn trong tình trạng biến động nhiều mặt về cả thời gian, địa điểm, môi trường làm việc và cả thu nhập… nên việc quản lý, nắm bắt để tuyên truyền vận động tham gia là rất khó khăn.

Vì vậy, bà Minh cho rằng, cần sự liên kết, kết nối giữa các tổ chức, cơ quan, có liên quan và với các chính sách khác để có thể quản lý được và tổ chức tuyên truyền vận động để động viên người dân tham gia.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng: Nghị quyết số 28-NQ/TW đã bổ sung 4 nhóm đối tượng, nhưng quan trọng là nhóm đối tượng linh hoạt, đó là 37 triệu lao động mà chúng ta gọi là khu vực phi chính thức (chủ yếu là khu vực nông nghiệp nông thôn và nông dân) - đây là nhóm đối tượng cực kỳ khó khăn để phát triển tham gia.

Để phát triển đối tượng trong nhóm này, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng phải lấy kinh nghiệm từ việc tổ chức, thực hiện quỹ BHYT: Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tham gia BHYT với một số nhóm đối tượng yếu thế, và hỗ trợ 70% với một số đối tượng có mức thu nhập trung bình. Bên cạnh đó, chính quyền mỗi địa phương đều bổ sung mức hỗ trợ nhất định.

Bài toán đặt ra ở đây là chúng ta phải tăng cường mức hỗ trợ của người dân để tham gia vào hệ thống BHXH. Theo đó, có thể khi người dân mới tham gia BHXH, Nhà nước có mức hỗ trợ tối đa (khoảng 70%) nhằm tạo thói quen, đẩy nhanh độ bao phủ BHXH, đến khi người dân có điều kiện kinh tế khá giả hơn và đã nhận thức được tính ưu việt của chính sách, có thói quen tham gia BHXH thì chúng ta xem xét thực hiện lộ trình hỗ trợ theo hướng giảm dần một cách phù hợp.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, vấn đề “cốt lõi” là chúng ta phải làm chuyển biến nhận thức của người dân về tính ưu việt trong chính sách của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội; phải làm sao để người dân nhận thức được rằng, tham gia vào hệ thống an sinh xã hội không chỉ là quyền mà còn trách nhiệm của người dân đối với xã hội.

Bởi bản chất, BHXH là chính sách an sinh xã hộ trụ cột của Nhà nước, được Nhà nước quản lý và bảo hộ. Quỹ BHXH tập trung tại Trung ương và Chủ tịch Hội đồng Quản lý quỹ là Bộ trưởng Bộ Tài chính. Nguồn đầu tư của quỹ BHXH phải bảo đảm được sự tăng trưởng, phát triển và bảo tồn. Và đặc biệt, với một số đối tượng người lao động về hưu mà lương hưu không đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, Nhà nước sẽ có chính sách điều chỉnh lương hưu kịp thời nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Khẳng định quyết tâm của ngành BHXH trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, tuy nhiên, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cũng nhấn mạnh: Công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH không phải là công việc của riêng ngành BHXH.

Bởi không chỉ Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị mà ngay cả Nghị quyết số 28 vừa được ban hành mới đây đều nhấn mạnh rằng, phát triển đối tượng tham gia BHXH là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

“Yếu tố tiên quyết là phải làm cho mỗi người dân nhận thức được về tính ưu việt, ý nghĩa, vai trò của chính sách BHXH và những quyền lợi của người dân sẽ được bảo đảm, nâng cao như thế nào. Với lộ trình cải cách chính sách BHXH mà Nghị quyết số 28 đưa ra, mặc dù sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng BHXH Việt Nam tin tưởng rằng, với sự nỗ lực, cố gắng của ngành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH theo tinh thần của Nghị quyết”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh khẳng định.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này