Thu kinh phí công đoàn qua một tài khoản:

Minh bạch hóa tài chính

12:02 | 14/08/2018
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện thu kinh phí công đoàn (KPCĐ) 2% tại khu vực sản xuất kinh doanh qua 1 tài khoản trung gian và cấp trả tự động theo tỷ lệ phân phối tới các cấp công đoàn (CĐ), đã khẳng định chủ trương đúng của Tổng LĐLĐ Việt Nam: Công khai, minh bạch tài chính CĐ. Để hiểu thêm về phương thức thu KPCĐ mới, PV báo Lao động Thủ đô đã có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Anh – Trưởng Ban Tài chính Tổng LĐLĐ Việt Nam.
minh bach hoa tai chinh Tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền các hoạt động nổi bật của Công đoàn Việt Nam
minh bach hoa tai chinh Công khai, minh bạch tài chính Công đoàn
minh bach hoa tai chinh Hiệu quả triển khai thu kinh phí công đoàn qua một tài khoản

PV: Xin ông có thể cho biết mục đích thu KPCĐ khu vực sản xuất kinh doanh qua 1 tài khoản? So với cách thu truyền thống theo từng cấp CĐ như trước đây có gì khác?

minh bach hoa tai chinh
Ông Phan Văn Anh triển khai thu KPCĐ theo phương thức mới đến các cấp CĐ

-Ông Phan Văn Anh: Căn cứ Khoản 2, Điều 26 Luật Công đoàn năm 2012, quy định, “KPCĐ do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động”; Nghị định 191/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ đã cụ thể hóa mức đóng KPCĐ, tại Điều 5: “Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.”

Từ khi Luật Công đoàn và Nghị định có hiệu lực, công tác thu KPCĐ đã khắc phục được phần nào tình trạng thất thu, tuy nhiên, công tác theo dõi, đôn đốc các đối tượng đóng KPCĐ làm căn cứ xác định số phải thu, công tác phối hợp, phân cấp thu vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại.

Quy định về thưởng, phạt với việc thu KPCĐ

Thưởng: Theo Quyết định 1908/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016, Quy định về quản lý tài chính, tài sản CĐ, thu, phân phối nguồn thu và thưởng, phạt thu, nộp, phối hợp thu tài chính CĐ: Các tập thể, cá nhân có thành tích về thu, nộp tài chính CĐ, phối hợp thu được khen thưởng từ 1-7% tổng số KPCĐ thu được.

Phạt: Theo Điều 24C Nghị định 88/2015/NĐ-CP quy định, người sử dụng lao động có thể bị phạt tối đa 75 triệu đồng đối với hành vi không đóng KPCĐ cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng và chậm nhất 30 ngày doanh nghiệp phải nộp cho tổ chức CĐ số tiền KPCĐ chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng và số tiền lãi của số tiền KPCĐ chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của Ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.

Để khắc phục những hạn chế tồn tại trên, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp trong đó việc thực hiện phối hợp Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) làm đối tác cung cấp phần mềm quản lý thu KPCĐ để thực hiện thu tập trung về một tài khoản và cấp trả tự động phần kinh phí được sử dụng cho các cấp CĐ theo quy định của Tổng Liên đoàn.

Việc phối hợp triển khai phần mềm quản lý thu KPCĐ với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam sẽ giúp cho tổ chức CĐ quản lý tốt hơn việc thu KPCĐ: Dữ liệu thu KPCĐ được công khai, minh bạch; quản lý chi tiết các đơn vị phải đóng KPCĐ, từ đó hạn chế thất thu cũng như trục lợi từ việc chậm đóng KPCĐ. Việc thu KPCĐ qua 1 tài khoản là 1 phương thức thu mới mà không trái với các quy định pháp luật và quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam hiện hành về thu, phân phối nguồn thu KPCĐ.

Bên cạnh đó, phương thức thu KPCĐ ứng dụng công nghệ thông tin giúp cho công tác theo dõi, quản lý, công tác báo cáo được kịp thời, chính xác và thuận tiện ở cả 4 cấp, cũng như tăng cường chỉ đạo, giám sát, đôn đốc của Tổng Liên đoàn và trách nhiệm của các cấp CĐ. Toàn bộ các dữ liệu liên quan đến việc thực hiện đóng KPCĐ đều được cập nhật trên hệ thống.

Việc nộp KPCĐ không ảnh hưởng đến chi phí của đối tượng đóng KPCĐ, không yêu cầu đối tượng đóng KPCĐ phải mở tài khoản tại VietinBank. Các đối tượng là doanh nghiệp đóng KPCĐ không mất phí chuyển tiền, nếu chuyển tiền trong hệ thống VietinBank sẽ được VietinBank miễn phí, nếu chuyển tiền từ ngoài hệ thống VietinBank thì Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ là người chịu phí.

Tổ chức CĐ nói chung và Tổng LĐLĐ Việt Nam nói riêng sẽ cùng với VietinBank tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, không gây khó khăn cho các doanh nghiệp có nghĩa vụ đóng KPCĐ theo phương thức mới này.

Xin ông có thể cho biết quy trình phân phối KPCĐ cho các cấp CĐ sau khi thu qua 1 tài khoản của Tổng Liên đoàn?

- Hiện, tổ chức CĐ Việt Nam có một tài khoản duy nhất thu KPCĐ tại Vietinbank cụ thể: Tên tài khoản: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Số tài khoản là: 117001366668.

Theo quy định về tỷ lệ phân phối năm 2018 của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Quy chế phối hợp với VietinBank, sau khi doanh nghiệp chuyển tiền KPCĐ vào tài khoản nêu trên thì hệ thống phần mềm do Vietinbank cung cấp sẽ tự động thực hiện cấp trả 68% KPCĐ về tài khoản của CĐ cơ sở, 32% KPCĐ còn lại về CĐ các cấp trên chậm nhất là sau 24 giờ.

Với những doanh nghiệp chưa có tổ chức CĐ, phần kinh phí cấp lại cho CĐ cơ sở sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Khoản 4, Điều 21 Quyết định 1908/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016, Quy định về quản lý tài chính, tài sản CĐ, thu, phân phối nguồn thu và thưởng, phạt thu, nộp tài chính CĐ nêu rõ: Đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thành lập CĐ cơ sở: CĐ cấp trên được phân cấp thu KPCĐ khi nhận được KPCĐ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng được sử dụng theo tỷ lệ phần trăm trong tổng số thu KPCĐ theo hướng dẫn hàng năm của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn để chi cho hoạt động tuyên truyền, phát triển đoàn viên, thành lập CĐ cơ sở, ký Thỏa ước lao động tập thể, bảo vệ, chăm lo cho người lao động tại các đơn vị này. Cuối năm, số KPCĐ sử dụng cho các hoạt động trên chưa hết phải quản lý, theo dõi và trả lại cho CĐ cơ sở khi đơn vị đó thành lập tổ chức CĐ...

Việc thực hiện thu KPCĐ qua 1 tài khoản đã triển khai được hơn 1 năm. Xin ông cho biết kết quả thực hiện tính đến thời điểm này?

- Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện việc thu KPCĐ qua 1 tài khoản, đến nay, toàn hệ thống đã có 81/83 đơn vị đã kê khai số liệu theo mẫu biểu quy định của Tổng Liên đoàn; 75/83 đơn vị đã cập nhật dữ liệu vào phần mềm, trong đó có những đơn vị hoàn thành tốt như: LĐLĐ tỉnh Ninh Bình, LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, CĐ Đường sắt Việt Nam, CĐ Xây dựng Việt Nam.

Theo đánh giá của Tổng LĐLĐ Việt Nam, phần mềm thu KPCĐ đã vận hành tốt, thực hiện cấp trả tự động trong vòng 24 giờ cho các cấp CĐ, cũng như xuất dữ liệu báo cáo đúng như yêu cầu của Tổng Liên đoàn. Bên cạnh đó, phần mềm thu KPCĐ này còn giúp cho tổ chức CĐ công khai, minh bạch, quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả của hoạt động tài chính CĐ theo tinh thần Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Bảo Duy thực hiện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này