Trang bị, mặc áo phao khi đi đò:

Sau 2 năm, quy định vẫn đang bị phớt lờ

12:11 | 08/08/2018
Mặc dù tháng 7/2016, Nghị định 132 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa bắt đầu có hiệu lực thi hành, nhưng sau 2 năm ghi nhận thực tế tại một số bến phà, quy định này vẫn đang bị buông lỏng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy. 
sau 2 nam quy dinh van dang bi phot lo Hàng trăm học sinh đánh đu tính mạng trên chuyến đò ọp ẹp
sau 2 nam quy dinh van dang bi phot lo Chủ phương tiện, hành khách đều thờ ơ

Khảo sát tại một số bến phà trên địa bàn Hà Nội, tình trạng người dân không mặc áo phao khi đi đò vẫn diễn ra tràn lan, phớt lờ các quy định. Ghi nhận tại bến phà Vạn Phúc (xã Vạn Phúc – Thanh Trì – Hà Nội) nối với bến phà Dương Liệt (xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), ở cả hai bến hầu hết người đi đò qua sông ở đây đều không mặc áo phao theo quy định của Luật giao thông đường thủy. Các chủ đò thản nhiên không nhắc nhở, phổ biến hay phát áo phao cho khách, dụng cụ cứu sinh, áo phao được treo hai bên mạn đò dường như chỉ nhằm mục đích trang bị cho có hoặc chỉ dùng cho việc đối phó với các đoàn kiểm tra hơn là dùng để cứu sinh theo đúng nghĩa của nó.

Khi hỏi hành khách về quy định mặc áo phao khi đi đò hầu hết các hành khách đều cho rằng họ biết có quy định đó tuy nhiên do họ không được chủ đò phát áo phao nên không thể thực hiện quy định.

sau 2 nam quy dinh van dang bi phot lo
Hành khách không mặc áo phao khi đi phà - một tình trạng phổ biến tại bến phà Dương Liệt và bến phà Vạn Phúc (Ảnh: Hoa Nguyễn)

Anh Trần Quốc Khoa (hành khách thường xuyên di chuyển trên chuyến phà Vạn Phúc) cho biết: “Hơn tháng nay, do nhận đảm nhiệm công trình xây dựng ở gần bến phà nên ngày nào tôi cũng di chuyển sáng một lượt đi, chiều một lượt về trên chuyến phà Vạn Phúc này. Lượng khách trên phà thường rất đông các phương tiện qua lại nhưng chưa một lần nào tôi thấy chủ đò phát áo phao hay nhắc nhở, phổ biến mặc áo phao cho hành khách trên phà, cũng như chưa một lần nào thấy có đoàn chức năng tới kiểm tra. Đang vào mùa mưa bão, mỗi lần xuống đò là tôi lại lo, cảm thấy như đang treo tính mạng của mình cho “tử thần”, mặc dù biết là rất nguy hiểm nhưng vẫn phải đi vì nếu có chờ thì chuyến nào cũng như nhau cả thôi”.

Trái ngược với sự lo lắng của nhiều hành khách, số ít khách còn lại vẫn yên tâm qua sông, thản nhiên “đánh đu” số phận của mình với “hà bá”. Với họ, miễn sao được đi sớm, về sớm còn việc mặc áo phao là không cần thiết.

“Quãng đò này ngắn, có đoạn là sang tới bến bên kia, mặc áo phao lỉnh kỉnh mặc vào, tháo ra, tốn thời gian, chúng tôi đi chợ sáng sớm nên phải nhanh cho kịp chợ”, ông Nguyễn Văn Linh chia sẻ.

Tình trạng người dân không mặc áo phao khi đi phà không chỉ tồn tại ở Hà Nội mà tại các bến đò ở một số địa phương khác cũng chung cảnh tương tự. Các chuyến đò tại bến Bính (phường Minh Khai, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) và các chuyến tàu chở khách du lịch di chuyển từ bến Bính sang đảo Cát Bà và chiều ngược lại hoặc trên những con tàu chở du khách ra tham quan các vịnh trên đảo quy định mặc áo phao cũng đều bị phớt lờ.

sau 2 nam quy dinh van dang bi phot lo
Những chuyến đò tại bến Bính (TP. Hải Phòng) cũng trong cảnh phớt lờ quy định mặc áo phao khi đi đò (Ảnh: Hoa Nguyễn)

Lý giải về nguyên nhân hành khách, cũng như chủ đò không tuân thủ quy định mặc áo phao khi qua sông bằng phà, một chủ đò nhăn mặt: “Quy định là vậy nhưng để người dân thực hiện không phải là chuyện dễ. Chúng tôi phát áo phao cho khách, thuyết phục khách mặc nhưng nhiều khách chê bẩn không mặc rồi họ than mất thời gian của họ. Khách đi đò hầu hết là người dân địa phương nên nếu khách không mặc áo phao mà không cho họ qua sông là điều hơi khó”.

Trước những gì đã và đang diễn ra tại nhiều bến phà thiết nghĩ chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để, cương quyết hơn ở những nơi vi phạm nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách mỗi khi qua sông trên các phương tiện đường thủy.

Hoa Nguyễn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này