![]() | Hiểu luật để sống và làm việc theo pháp luật |
![]() | Nói không với “cạm bẫy” mạng xã hội |
![]() | Nuôi dưỡng tình yêu kiểu công nhân |
Chia sẻ với chúng tôi, chị Vũ Thị Hằng (quê Thái Bình, đang làm việc tại KCN Thăng Long) cho biết, hai vợ chồng chị đều làm công nhân trong KCN, nếu không làm thêm, thu nhập của chị được 5 triệu/tháng, còn làm thêm thì được khoảng 7 triệu. Hai vợ chồng mỗi tháng trung bình làm được khoảng 13 triệu (cả tăng ca) nhưng thu không đủ chi.
![]() |
Còn nhiều CNLĐ phải chật vật với cuộc sống |
Chị Hằng nhẩm tính, tiền gửi con, tiền ăn, tiền sữa, bỉm mỗi tháng cũng ngót nghét 6 triệu. Còn tiền nhà, tiền điện nước cũng xấp xỉ 2 triệu/tháng. Đấy là chưa kể tiền ăn uống, sinh hoạt và các khoản chi tiêu phát sinh của hai vợ chồng. Khi được hỏi về tiền tích lũy, chị Hằng thở dài: “Lương hai vợ chồng làm không đủ ăn thì lấy đâu ra tích lũy. Chẳng biết tương lai thế nào, hiện tại cứ cố gắng làm tăng ca để có thêm thu nhập lo cho cuộc sống đã.”
Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thân, công nhân đang làm việc tại KCN Phú Nghĩa cũng cho biết, mức thu nhập của cả hai vợ chồng chị (chưa kể tăng ca) trung bình mỗi tháng được 10 triệu. Với khoản thu nhập ít ỏi ấy, nếu không tăng ca, chị khó lòng trang trải chi phí sinh hoạt, đặc biệt là lo cho 2 con nhỏ. Dù chấp nhận tăng ca nhưng thu nhập tăng thêm hằng tháng cũng chỉ được khoảng 4 triệu đồng. Không kham nổi chi phí sinh hoạt đắt đỏ, mới đây, vợ chồng chị đã quyết định gửi đứa hai con về quê nhờ ông bà chăm sóc.
Nhiều đồng nghiệp của chị Thân cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Do thu nhập bấp bênh nên họ xem việc tăng ca là giải pháp duy nhất để cải thiện thu nhập. Chia sẻ với chúng tôi, chị Trần Thị Thắm cho biết: “Ngày bình thường làm 8 giờ đã tiêu tốn rất nhiều sức lực, nếu làm thêm nữa thì sức khỏe bị bào mòn. Vẫn biết là không có lợi cho sức khỏe về lâu dài nhưng chúng tôi làm gì có sự lựa chọn nào khác? Nếu không tăng ca, chắc chắn không sống nổi”.
Thực tế cho thấy, có nhiều CNLĐ vì nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền và phần lớn thời gian đều dành để tăng ca nên dù đã tuổi “băm” nhưng vẫn “giường đơn gối chiếc”. Anh Nguyễn Văn Thành, công nhân đang làm việc tại KCN Quang Minh chia sẻ, từ khi bắt đầu làm việc tại công ty, anh luôn cố gắng và dành nhiều thời gian nhất có thể cho công việc và thường xuyên tăng ca với mục đích tích cóp một khoản tiền để sau này có tiền trang trải khi lập gia đình và có chút vốn để lập nghiệp riêng.
“Nhưng đồng lương công nhân, vừa tăng ca làm việc, vừa phải chi tiêu tằn tiện lắm mới đủ sống. Nhiều lúc cũng mong muốn tìm được người thương để về chung một nhà. Nhưng nghĩ cho cùng thì một mình còn đang phải chật vật, đến khi có vợ có con nữa thì biết xoay sở kiểu gì vì thế mà năm nay tuy 30 tuổi nhưng vẫn ngày đi làm, tối về nằm không, những ngày lễ, Tết về quê, người thân hỏi han tình hình công việc rồi lại kèm thêm câu “bao giờ lấy vợ?” lại khiến mình lại cảm thấy chạnh lòng.” – anh Thành tâm sự.
Theo kết quả khảo sát mới nhất của Tổng LĐLĐ Việt Nam về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của NLĐ năm 2018 được công bố mới đây, với thu nhập và chi tiêu hiện nay (không có biến động về việc làm, thu nhập và đời sống) có 32,1% NLĐ cho biết gia đình họ có khoản tiền tiết kiệm, trung bình ở mức 1,5 triệu đồng/tháng. Đây là khoản tiền mà NLĐ dành dụm để chi tiêu dịp lễ Tết, lúc ốm đau, hoạn nạn, thất nghiệp và tích lũy đầu tư cho việc học hành của con cái. So sánh thu nhập với chi tiêu của NLĐ và gia đình, cho thấy: 17,4% NLĐ cho biết có dư dật và tích luỹ; 43,7% cho biết vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 26,5% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% cho biết thu nhập không đủ sống. |
M.Q
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/con-nhieu-cong-nhan-phai-chat-vat-voi-cuoc-song-77263.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này