Tác động của cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ với Việt Nam

21:42 | 23/07/2018
Xung đột thương mại Trung - Mỹ ngày càng gia tăng, việc "trả đũa" giữa hai bên về thuế xuất nhập khẩu chưa biết khi nào có biểu hiện dừng lại. Trong khi đó, Việt Nam là một nước có độ mở kinh tế khá sâu rộng, có mối quan hệ xuất nhập khẩu với các nước, trong đó có Trung Quốc và Mỹ. Do đó, dù ít dù nhiều cuộc chiến thương mại này cũng có ảnh hưởng nhất định điến doanh nghiệp Việt Nam.
tac dong cua chien tranh thuong mai trung my voi viet nam Bước đột phá về giáo dục, đào tạo
tac dong cua chien tranh thuong mai trung my voi viet nam Lịch trình cụ thể của cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Phần Lan
tac dong cua chien tranh thuong mai trung my voi viet nam Nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ kinh tế Việt Nam tăng trưởng

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với khoảng 1/5 kim ngạch xuất khẩu, còn Trung Quốc thì Việt Nam lại là thị trường nhập khẩu nhiều nhất với ¼ kim ngạch nhập khẩu hàng năm trong những năm gần đây.

Có thể khẳng định rằng, một khi cuộc chiến tranh thương mại của hai nước này xảy ra thì chắc chắn chúng ta sẽ có những ảnh hưởng nhất định về thị trường nội địa, sản xuất trong nước và xuất nhập khẩu. Tổng quan sơ bộ có thể đánh giá ban đầu đó là, cuộc chiến này sẽ đem lại nhiều tác động khó khăn hơn là tác động thuận lợi cho kinh tế Việt Nam, nhất là kinh tế thương mại.

tac dong cua chien tranh thuong mai trung my voi viet nam
Doanh nghiệp dệt may, da giày của Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi "cuộc chiến" thương mại Mỹ - Trung diễn ra. Ảnh Mai Quý

Trong phạm vi bài này chỉ đề cập đến một số nhóm hàng hóa có những tác động khó khăn và thuận lợi nhiều nhất trong thời gian tới. Về nhóm hàng hóa tiêu dùng: một khi hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế tăng lên khi vào thị trường Mỹ, chắc chắn nó sẽ tìm đường sang các thị trường khác, trong đó có thị trường Việt Nam, một thị trường đầy tiềm năng, nhiều hấp dẫn mà bất cứ nhà sản xuất hàng hóa nào cũng mong muốn thâm nhập, hàng hóa Trung quốc đã thâm nhập và sẽ xâm nhập ngày càng mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam qua sự kiện thương mại này.

Cũng như Trung Quốc, những hàng hóa chất lượng cao, hàng hóa nông sản mà Mỹ có thế mạnh như đậu nành…một khi Trung Quốc hạn chế nhập khẩu vào thị trường của họ thì chắc chắn Mỹ cũng sẽ tìm thị trường các nước, trong đó có thị trường Việt Nam, đang thiếu những hàng hóa tiêu dùng chất lượng cao, nguyên liệu để sản xuất thực phẩm, thức ăn chăn nuôi….

Nói tóm lại, hai ông khổng lồ về sản xuất hàng hóa tiêu dùng và nguyên vật liệu cho sản xuất của thế giới sẽ coi Việt Nam là một thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng trước mắt cũng như trong tương lai. Đó là chưa kể một nhóm hàng hóa khác, Trung Quốc sẽ mượn thị trường Việt Nam, xuất xứ Việt Nam để xuất hàng sang Mỹ và các nước khác, tránh bớt những thiệt hại về thuế quan nhập khẩu.

Đó là khó khăn của chúng ta, vậy thì chúng ta có những thuận lợi gì trong cuộc chiến tranh này: Một khi sản xuất Trung Quốc bị chậm lại, chắc chắn nguồn nguyên vật liệu đọng lại có xu hướng giảm giá là một thời cơ thuận lợi cho các nhà sản xuất nội địa Việt Nam đang nhập nguyên vật liệu của Trung Quốc. Một thuận lợi nữa, đó là một khi hàng hóa Trung Quốc bị hạn chế vào thị trường Mỹ, chúng ta phải tận dụng thời cơ để tăng quy mô xuất khẩu vào thị trường Mỹ, nhất là những sản phẩm dệt may, da giầy, thủy hải sản…

Một điều cần lưu tâm, chúng ta phải hành động để biến những cơ hội thành sự thực trong công tác xuất nhập khẩu hàng hóa hiện nay và trong tương lai. Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế kinh tế một cách toàn diện, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường kiểm soát thị trường một cách hiệu quả, minh bạch, nhằm đảm bảo một môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh công bằng và tạo niềm tin cho doanh nghiệp một cách lâu dài, toàn tâm toàn ý cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Đi đôi với việc khuyến khích sản xuất bền vững, nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, cả thị trường nội địa và xuất khẩu thì điều kiện đủ đó là cần phát triển một hệ thống phân phối đảm bảo đầu ra cho sản xuất hàng Việt một cách vững chắc, hiệu quả. Như chỉ đạo của Chính phủ cho Bộ Công Thương “ngăn chặn sự chi phối lũng đoạn của khâu bán lẻ”, làm sao mối quan hệ giữa sản xuất và phân phối, giữa sản xuất và bán lẻ phải gắn bó hữu cơ, phải hai bên đều có lợi, không ép cấp ép giá trong mọi tình huống giao dịch. Cần luật hóa, phân phối lợi nhuận giữa các khâu trong chuỗi sản xuất, phân phối quốc gia, trước hết là những mặt hàng thiết yếu cho quốc kế dân sinh. Tạo ra một nền thương mại công bằng, trước hết ở thị trường nội địa.

Cần quan tâm trước hết tới những nhóm hàng như nông sản thực phẩm mà Việt Nam có thế mạnh, nhưng hay gặp trục trặc khi giải quyết đầu ra cho những sản phẩm này, cần đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, mạng lưới phân phối, trung tâm dự trữ, các sàn giao dịch hàng hóa để mua bán được minh bạch, công khai, đi nhanh từ sản xuất đến người tiêu dùng xã hội. Việt Nam cần đi lên từ hai thế mạnh là kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển, để góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Trước những tác động khó khăn của cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, nắm bắt những cơ hội có khả năng đến với chúng ta, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, sự hỗ trợ của các Bộ ngành, chắc chắn Việt Nam sẽ kịp thời ứng phó với những tác động đó, góp phần vào việc phát triển kinh tế thương mại một cách hiệu quả và bền vững, trước mắt và trong tương lai.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này