Tạo sự bình đẳng với lao động nữ

11:25 | 20/07/2018
Xét về vị thế làm việc, lao động nữ thường phải làm các công việc không ổn định, dễ bị tổn thương hơn nhiều so với lao động nam. Đây là nhận định được nêu ra tại diễn đàn “Doanh nghiệp phát triển bền vững gắn với các giá trị bình đẳng” do Thời báo Kinh tế Việt Nam, Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE), Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và dự án Investing in Women tổ chức mới đây.
tao su binh dang voi lao dong nu Các hoạt động hỗ trợ lao động nữ: Nhìn từ huyện có đông công nhân
tao su binh dang voi lao dong nu Còn nhiều rào cản vô hình đối với lãnh đạo nữ

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn coi bình đẳng giới là một ưu tiên trọng tâm trong xây dựng và thực hiện luật pháp chính sách của mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong kinh tế, lao động-việc làm. Điều đó được thể hiện trong Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bình đẳng giới, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, v.v.

tao su binh dang voi lao dong nu

Nguyên tắc bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới trong môi trường làm việc, trả lương bình đẳng cho nam và nữ đối với công việc có giá trị tương đương, cấm phân biệt đối xử về tình trạng hôn nhân, không bị phân biệt đối xử trong việc làm, nghiêm cấm quấy rối tình dục nơi làm việc, cấm các hình thức tuyển dụng có phân biệt đối xử giữa nam và nữ đã được quy định trong Bộ Luật Lao động.

Đồng thời, các biện pháp bảo vệ lao động nữ được áp dụng như: Tăng thời gian nghỉ thai sản, đảm bảo mức lương của người lao động nữ sau khi nghỉ thai sản ngang bằng mức lương trước khi nghỉ; Nhà nước có chính sách giảm thuế cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, có kế hoạch, biện pháp tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động nữ ….

Lần đầu tiên, chế độ thai sản dành cho nam giới được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi của nam giới và tạo điều kiện cho họ có thời gian chăm sóc cho vợ lúc sinh con.

Trong quá trình thực thi, nhiều chính sách, chương trình về bình đẳng giới trong doanh nghiệp được xây dựng, ban hành. Đó là việc áp dụng các nguyên tắc về bình đẳng giới trong Thỏa ước lao động tập thể tại các doanh nghiệp; Bộ quy tắc ứng xử về phòng chống quấy rối tình dục nơi làm việc…

Điều này đã tạo ra môi trường làm việc thân thiện, lành mạnh, công bằng, khuyến khích được cả lao động nữ và nam tham gia vào sản xuất; đồng thời cũng thu hút và giữ chân được nhân tài và tăng năng suất lao động, góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp bền vững nhằm tăng thu nhập cho người lao động và doanh thu của doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, chú trọng đến nữ làm chủ doanh nghiệp cũng đang là ưu tiên hàng đầu. Với những nỗ lực đó, Việt Nam đã và đang có những thành tựu nổi bật về bình đẳng giới, là nước đứng thứ 69/144 quốc gia xếp hạng về thu hẹp khoảng cách giữa nam và nữ trong các lĩnh vực.

Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Lê Quân, tại Việt Nam vẫn còn tồn tại hàng loạt các thách thức về khoảng cách giới. Đó là, vẫn còn có sự khác biệt giữa nam và nữ trong phân bổ việc làm theo khu vực, nghề nghiệp (nam giới chiếm ưu thế ở các ngành khoa học, kỹ thuật, kinh tế, tài chính; còn nữ giới đang làm việc chủ yếu ở các ngành giáo dục, y tế; xã hội, các ngành dịch vụ). Xét về vị thế làm việc, lao động nữ vẫn tập trung ở những việc làm có vị thế kém hơn như lao động tự làm và lao động gia đình không hưởng lương (nữ là 21,6%, nam là 10.2%- năm 2017).

Đây lại là những công việc không ổn định, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ Luật Lao động và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện) do vậy, lao động nữ dễ bị tổn thương hơn. Thu nhập giữa lao động nữ và lao động nam vẫn còn chênh lệch, giai đoạn 2009-2016, tiền lương bình quân của nữ luôn thấp hơn của nam, mức chênh lệch khoảng 30$, trên tổng mức lương chưa đạt 200$/tháng.

Bên cạnh đó, 98% số doanh nghiệp do nữ làm chủ có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tập trung vào lĩnh vực thương mại, lợi nhuận thấp. Ngoài ra, phụ nữ làm công việc chăm sóc không lương nhiều hơn nam giới 105 phút mỗi ngày, tức là hơn 12 giờ mỗi tuần, 6,5 ngày làm việc mỗi tháng, hoặc gần 80 ngày làm việc mỗi năm. Quan niệm gắn vai trò và giá trị mặc định cho cả phụ nữ (là người chăm sóc gia đình) và nam giới (là trụ cột kinh tế trong gia đình và xã hội) đang tạo ra rào cản trong việc tiếp cận cơ hội việc làm và kinh tế cho cả phụ nữ và nam giới.

Trước thực trạng trên, diễn đàn “Doanh nghiệp phát triển bền vững gắn với các giá trị bình đẳng”được tổ chức đã là một hoạt động thiết thực, đem tới cho các đại biểu đại diện các doanh nghiệp cơ hội được tiếp cận, cập nhật thông tin, giao lưu và chia sẻ với những chuyên gia quốc tế về lao động - việc làm, bình đẳng giới. Qua đó, doanh nghiệp có nhận thức đầy đủ hơn về tầm quan trọng của bảo đảm và thực thi các giá trị bình đẳng nói chung, bình đẳng giới ở nơi làm việc trong chính sách, chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này