Đô thị hóa và bài toán bảo tồn di dích

11:46 | 19/07/2018
Phát triển gắn với bảo tồn. Quan điểm nhất quán và đúng đắn là vậy. Tuy nhiên, cùng với quá trình đô thị hóa diễn ra quá nhanh, nên việc bảo tồn không dễ dàng chút nào. Câu chuyện về Khu di chỉ Vườn Chuối là ví dụ điển hình.
tin nhap 20180719113948 Kỳ cuối: Làm sao vừa bảo tồn vừa phát triển
tin nhap 20180719113948 Kỳ 1: Không thể để di sản “ngủ yên”

Nằm ở thôn Lai Xa, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội- Khu di chỉ Vườn Chuối được các nhà khoa học cho rằng có niên đại kéo dài từ khoảng giai đoạn cuối văn hóa Phùng Nguyên qua giai đoạn văn hóa Đồng Đậu - Gò Mun và cuối cùng là văn hóa Đông Sơn. Tuy nhiên hiện nay, cùng với việc bối cảnh đô thị hóa đang đe dọa di tích. Khu di chỉ này được phát hiện và nghiên cứu bởi Viện Khảo cổ học khoảng năm 1969. Từ đó đến nay, đã có 8 lần nghiên cứu, khai quật tại khu di chỉ này.

tin nhap 20180719113948
Mộ cổ niên đại 2000 năm ở khu di tích Vườn Chuối. (Nguồn ảnh: vanhoathethao)

Tại đây, phát hiện các di tích như hố đất đen, cụm gốm, mặt bằng gốm đất nện, mộ táng, di tích động vật và thực vật. Những dấu vết khác như hố cột, bếp, lò đúc đồng, dấu vết gia cố mặt bằng cư trú, nền nhà… cho thấy những hoạt động sinh động diễn ra liên tục và Vườn Chuối là phức hợp khảo cổ học quan trọng thời kỳ Tiền Đông Sơn và Đông Sơn ở lưu vực sông Hồng. Các di vật được làm bằng các chất liệu khác nhau, loại hình khá đa dạng. Đặc biệt đã phát hiện nhiều hiện vật gỗ như vòng, hiện vật hình núm, hình lược… trong tầng văn hóa Gò Mun.

Theo nghiên cứu khảo cổ học, xung quanh khu vực có di tích Vườn Chuối còn có một số di tích khảo cổ học khác như Gò Mỏ Phượng, Gò Rền Rắn, Gò Chùa Gio, Gò Chiền Vậy… đều có giá trị rất lớn. Những di tích này tạo thành một phức hợp các di tích tiền sử, sơ sử liên tục ở đây, tạo thành một trung tâm tụ cư, trung tâm văn hóa quan trọng ở khu vực phía Tây Hà Nội. Các nhà khoa học đánh giá di tích lịch sử này tương ứng với lịch sử thời kỳ tiền Hùng Vương và Hùng Vương dựng nước, chứng minh sự phát triển liên tục về nguồn gốc của văn hóa Đông Sơn.

Do đó, nó cũng góp phần chứng minh nguồn gốc, sự lan tỏa và phát triển của dân tộc Việt Nam. Loại di tích có niên đại kéo dài hàng nghìn năm trong thời kỳ dựng nước đầu tiên càng có giá trị khoa học to lớn. Mặt khác, di tích này càng quan trọng khi nó tồn tại với số lượng cực kỳ nhiều, càng hiếm hơn trong điều kiện người Việt cổ ngày càng phát triển và lan tỏa mạnh mẽ từ khu vực trung du xuống vùng đồng bằng châu thổ.

Tuy nhiên, khu di tích này đứng trước nguy cơ bị xóa sổ do dự án xây dựng khu đô thị Kim Chung - Di Trạch, đồng thời nạn trộm cắp cổ vật đang hoành hành ở đây trong khi không có chế tài để bảo vệ. Điều này khiến các nhà quản lý, các nhà khoa học buộc phải ngồi lại để cùng bàn bạc biện pháp “giải cứu” di chỉ.

Tại cuộc Tọa đàm khoa học đánh giá giá trị và đề xuất phương án bảo tồn di chỉ khảo cổ học ở Vườn Chuối diễn ra vừa qua, ông Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Thực tế hiện nay, cứ nhà khảo cổ đến trước thì kẻ phá hoại, trộm cắp đến sau. Đã có nhiều kẻ trộm đến khu di tích này. Chúng ta đều biết hiện nay, nhiều di tích khảo cổ đã không còn nữa, như Cổ Loa đang bị thu hẹp. Phải khảo sát, thăm dò, khai quật khảo cổ học mới đề xuất được các phương án bảo tồn.

TS Phạm Quốc Quân - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia thì cho rằng, lỗi là do quy hoạch khảo cổ học của Thành phố chưa được thực hiện. Ngoài ra đây cũng là lỗi do chưa có sự liên thông giữ các ngành. Những lỗi này khá phổ biến ở bất cứ dự án nào trong quá trình phát triển kinh tế ở nhiều địa phương trong cả nước với sự mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Đặc biệt, với Kim Chung – Di Trạch chưa có sự xâm hại đáng kể, thì việc điều chỉnh nó cho thích hợp là cần thiết, nhằm cứu vớt một khu di tích khảo cổ học. Nên chăng, khu đô thị này cần quy hoạch lại, để dành một phần diện tích thích hợp cho công viên, cây xanh phục vụ đô thị?.

Theo TS. Phạm Quốc Quân, rất có thể, những ngôi nhà cao tầng của dự án đô thị Kim Chung - Di Trạch nằm ngay tại lõi của khu di tích? Nếu đúng như vậy, sự điều chỉnh dự án phải được đặt dưới tầm nhìn của thành phố, sao cho Vườn Chuối sẽ là một trong nhiều công viên cho toàn bộ những khu đô thị quanh vùng. Đó cũng là một trong những yêu cầu cảnh quan, sinh thái mà bất cứ khu đô thị hiện đại nào đều phải hướng tới.

Còn theo GS. Nguyễn Văn Huy - Nguyên Giám đốc Bảo tàng dân tộc học, di tích khảo cổ học Vườn Chuối đã được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá, song hiện chưa có đầy đủ tư liệu. Để di tích Vườn Chuối không bị xóa bỏ, trước hết cần bảo tồn tổng thể toàn bộ di tích nếu hiện trạng di tích tốt. Tiếp đó, phải bảo tồn từng phần di tích có hiện trạng tốt, phần còn lại sẽ làm nghiên cứu và di dời các di tích, di vật về Bảo tàng Hà Nội.

Nếu di tích bị xâm hại về cơ bản thì phải kiến nghị khai quật di dời tổng thể di tích, di vật về bảo tàng Hà Nội để nghiên cứu đánh giá giá trị, trưng bày và phát huy giá trị của di tích. Cần phải tiến hành điều tra tổng thể các di sản khảo cổ khu vực này để đánh giá hiện trạng đề xuất giải pháp bảo tồn, bởi đây là loại di tích dễ bị xâm hại nhất do nằm ở giữa cánh đồng.

“Ngay từ bây giờ nghiên cứu, xây dựng các phương án bảo tồn đề xuất với UBND TP Hà Nội có biện pháp bảo vệ khu di tích nahf”, GS Nguyễn Văn Huy đưa ra ý kiến.
Trước vấn đề này, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao (VHTT) Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, Sở VHTT sẽ lập quy hoạch, báo cáo UBND TP Hà Nội xếp hạng di tích; tập hợp các ý kiến của các nhà khoa học để đưa ra các phương án bảo vệ, phát huy, khai quật khảo cổ khu di chỉ Vườn Chuối.

Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trương Minh Tiến: Sắp tới Sở VHTT Hà Nội sẽ có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội, yêu cầu chủ đầu tư phải dành diện tích bảo tồn cho khu di chỉ Vườn Chuối trong điều chỉnh quy hoạch chi tiết.

Đồng thời, có biện pháp bảo vệ hiện trạng di chỉ quan trọng này, không để người dân tự ý trồng cây làm ảnh hưởng đến khu vực bảo vệ. Trong quá trình thi công dự án, ngoài diện tích bảo tồn, chủ đầu tư phải phối hợp với Sở VHTT cử cán bộ theo dõi và thu các hiện vật nếu phát hiện được trong quá trình thi công để tránh thất thoát hiện vật.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này