Trao nhầm con ở BVĐK Ba Vì:

Các gia đình cần có những cách ứng xử lành mạnh

22:15 | 12/07/2018
Sự việc Bệnh viện Đa khoa huyện Ba vì (Hà Nội) trao nhầm trẻ sơ sinh xảy ra cách đây 6 năm khiến cả hai gia đình có con bị trao nhầm đều rơi vào tình trạng bị tổn thương tâm lý. Tuy nhiên trước sự nhầm lẫn vô tình đó, theo chuyên gia tâm lý, hai bên gia đình cũng như phía bệnh viện nên ngồi lại cùng nhau, vị tha, khoan dung cho nhau, tạo những điều kiện tốt nhất cho trẻ được nhận tình thương từ hai phía gia đình nhằm hạn chế những ảnh hưởng tới tâm lý, sự phát triển của trẻ về sau này.
cac gia dinh can co nhung cach ung xu lanh manh 76449 Vụ trao nhầm con tại Bệnh viện đa khoa Ba Vì: Chưa thống nhất được mức bồi thường
cac gia dinh can co nhung cach ung xu lanh manh 76449 Yêu cầu xử lý nghiêm kíp trực trao nhầm con ở Bệnh viện Đa khoa Ba Vì

Cần sự vị tha, khoan dung chứ không phải oán trách nhau

Trao đổi với Lao động thủ đô về việc ảnh hưởng tâm lý đối với con trẻ, với cha mẹ trong câu chuyện trao nhầm trẻ, nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất (Giám đốc Công ty tâm lý An Việt Sơn) cho rằng: “Tất cả đều do ứng xử, 4 phụ huynh nếu có cách ứng xử không được lành mạnh, không được vị tha và khoan dung lắm thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của trẻ. Nhất là khi nhận chính con của mình về lại chê con do không được sống cùng với bố, mẹ đẻ, sống với bố mẹ bên kia (bố mẹ nuôi trẻ 6 năm – phóng viên) nên bị khổ sở, đen đủi, gầy còm quá. Giá con được sống với bố mẹ đẻ ngay từ đầu thì bây giờ con sẽ đẹp đẽ, xinh xắn hơn. Nếu như vậy chỉ gây hận thù, mà hận thù không phải chỉ với bố, mẹ đã nuôi trẻ mà hận thù với chính với cả bố, mẹ đã sinh ra trẻ, hận thù cả những người đã trao nhầm trẻ”.

Do đó, theo ông Chất, khi phát hiện ra sự nhầm lần mỗi bố, mẹ có thêm bạn mới, trẻ có thêm người anh, em mới, thêm bố, mẹ khác nữa, do đó phải làm thế nào để trẻ mãi mãi biết ơn bố, mẹ đã nuôi trẻ 6 năm qua và quý mến bố, mẹ đẻ. Cả hai bên gia đình nên ngồi với nhau, bắt tay nhau, hồ hởi, phấn khởi chứ không nên trách cứ nhau và giúp trẻ ổn định tâm lý, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ bằng cách để trẻ thường xuyên được gặp gỡ nhau như anh, em ruột, cho trẻ được nhận tình thương từ cả 4 bố, mẹ chứ không chỉ từ 2 bố, mẹ.

cac gia dinh can co nhung cach ung xu lanh manh 76449
Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất (Giám đốc Công ty tâm lý An Việt Sơn)

Cùng thống nhất cách cư xử với các cháu, giáo dục trẻ có lòng vị tha, khoan dung với mọi người, kể cả đối với những người đã trao nhầm trẻ ở bệnh viện và cả với bố, mẹ đã nuôi trẻ thời gian qua. Không ai có lỗi cả, đây là sự vô tình do đó phải khoan dung vị tha và trau dồi cho trẻ những đức tính ấy ngay từ bây giờ thì về sau trẻ mới không ảnh hưởng tâm lý.

“Nếu đổ lỗi cho bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên, đổ lỗi cho người nuôi con để con bị xấu xa, thiệt thòi vô tình sẽ tự nhiên tạo cho trẻ những ức chế và trẻ không biết xử lý như thế nào. Điều quan trọng là làm sao để đem tới cho trẻ những điều vui vẻ và thanh thản trong cuộc đời để giúp trẻ có sự phấn chấn, có sự biết ơn người lớn mà không oán trách ai cả”, chuyên gia tâm lý Chất phân tích kỹ hơn.

Lời nói của bố mẹ có thể làm thay đổi cả cuộc đời con trẻ

Có thể thấy, những năm đầu đời là lúc trẻ hình thành nhân cách mạnh mẽ nhất. Khi biết được sự việc trao nhầm, trẻ sẽ có tâm lý bỡ ngỡ, không tiếp nhận người lạ, thậm chí khó tiếp nhận sự thật này. Qua đó, trẻ có thể gặp trở ngại về tâm lý dẫn tới có những hành vi tâm lý lệch chuẩn, ảnh hưởng sự phát triển về sau.

Lúc này, đòi hỏi người lớn phải có sự chia sẻ, thông cảm để cùng giúp cho con thích nghi, không áp đặt con. Tạo cho trẻ có hướng suy nghĩ tích cực trong trường hợp này. Giúp trẻ nhận thấy rằng từ sự nhầm lẫn đó tạo ra những cái thêm tốt đẹp cho hai gia đình khi bố mẹ có 2 người con bằng tuổi nhau, trẻ có thêm anh, em hoặc chị, chắc chắn sự tốt đẹp đó trẻ sẽ được hưởng về lâu dài sau này, mọi người sẽ giúp đỡ trẻ tốt hơn, người vui chơi với trẻ sẽ nhiều hơn.

Cùng với đó, các bố, mẹ không bao giờ tác động đến trẻ bằng cách như trước con khổ sở giờ về sống cùng, bố, mẹ sẽ bù đắp cho tất cả mọi thứ, mua nhiều đồ ăn ngon, may cho thật nhiều quần áo đẹp để con không phải khổ như thời gian sống cùng bố, mẹ nuôi trước đây. Mà phải cho con có suy nghĩ, chúng rất may mắn vì đã có thêm bố, mẹ và bố, mẹ nuôi cũng đã có nhiều cố gắng trong việc chăm sóc trẻ khi trẻ sống cùng với họ trong quãng thời gian đã qua.

Ngoài ra, để tốt hơn cho cả những đứa trẻ và các bố, mẹ trong hoàn cảnh nhầm lẫn con không đáng có này, chuyên gia tâm lý Chất chia sẻ: Bố mẹ nhận tin này là có một “sét” rất lớn nhưng bậc cha mẹ cần thấy rằng may mắn họ vẫn được nhận, đưa con đẻ của mình về nuôi và chắc chắn họ sẽ nuôi con khôn lớn tốt đẹp. Từ đây cha mẹ sẽ có những hiểu biết thêm, đặc biệt không nên nhắc cho con biết cũng như thông tin với người khác để cho rằng phía bệnh viện làm vô trách nhiệm, mình không cho tiền nên họ làm như thế, họ cố tình làm như thế vì nhà kia cần con trai,...

“Những thông tin đó đều không lành mạnh, chắc chắn những thông tin đó mà dày lên thì chính bố, mẹ đó bị thiệt thòi vì khi ấy chính con trẻ sẽ nghĩ bố mẹ không biết khoan dung, vị tha, không biết thương người, vô tình làm cho trẻ luôn gặp căng thẳng. Càng lớn lên trẻ sẽ càng nghĩ được công lao của người nuôi trẻ mấy năm như thế nào, tự trẻ sẽ tốt nếu hai bên bố, mẹ biết đưa đến những thông tin tốt lành cho trẻ. Mỗi bậc cha, mẹ cần luôn nhớ, một lời nói của mình có thể làm thay đổi cả cuộc đời của con. Thực tế trong quá trình làm việc, các chuyên gia tâm lý của Thế giới cũng đã công nhận điều đó là đúng”, chuyên gia Chất nhấn mạnh.

My Nguyễn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này