Các ban HĐNDTP Hà Nội: Bàn giải pháp về 3 vấn đề nóng

12:12 | 12/07/2018
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến quý II/2018 của Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP với lãnh đạo quận, huyện, thị xã mới diễn ra, đại diện lãnh đạo các Ban của HĐND Thành phố đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, đồng thời cũng đề ra các giải pháp thực hiện đối với 3 vấn đề “nóng” là nước sạch, phòng cháy - chữa cháy và các dự án trọng điểm vì sao bị chậm tiến độ.
ban giai phap ve 3 van de nong Nội dung chất vấn đúng và trúng
ban giai phap ve 3 van de nong Nóng vấn đề quản lý, sử dụng nhà chung cư

Cần có chế tài xử lý những chủ đầu tư chậm tiến độ

Phát biểu ý kiến về nội dung tình hình tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của Thành phố, bà Phạm Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Ngân sách HĐND Thành phố cho biết, Thành phố luôn có kế hoạch bố trí nguồn vốn lớn cho các công trình trọng điểm, cụ thể, hàng năm luôn bố trí khoảng 50% chi đầu tư phát triển nguồn vốn đầu tư công cho cụm công trình trọng điểm. Riêng năm 2018, chỉ với 15 dự án công trình trọng điểm nhưng đã được bố trí hơn 9000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND Thành phố, sau 2 năm thực hiện các nội dung trong Nghị quyết của HĐND Thành phố về các công trình trọng điểm cho thấy tiến độ đang rất chậm. “Nếu so sánh với dự kiến hoàn thành đến cuối nhiệm kỳ thì trong nhiệm kỳ trước chúng ta cơ bản hoàn thành 17/23 dự án, còn hiện nay, theo báo cáo dự kiến sẽ hoàn thành 26/33 dự án. Trong đó, chúng tôi rất quan ngại đến thủ tục đầu tư của một số dự án cả sử dụng vốn đầu tư công lẫn các dự án sử dụng vốn PPP và xã hội hóa rất chậm. Đáng chú ý là 18 dự án PPP đến nay vẫn chưa phê duyệt hồ sơ đề xuất”, bà Phạm Thị Thanh Mai bày tỏ.

ban giai phap ve 3 van de nong
Bà Phạm Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Ngân sách HĐND Thành phố phát biểu tại hội nghị.

Trưởng Ban Ngân sách HĐND Thành phố cho biết thêm, việc giải ngân năm 2018 bao gồm cả kế hoạch vốn năm 2017 kéo dài cũng đang rất chậm, hiện nay thành phố mới chỉ đạt 16,5%. Trong 6 tháng đầu năm mới chỉ giải ngân được 1600 tỷ đồng. Như vậy có nghĩa là nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2018 chúng ta phải giải ngân hơn 8000 tỷ, tính trung bình mỗi tháng phải giải ngân 1400 tỷ, số lượng rất lớn.

Bà Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, nguyên nhân là do công tác chuẩn bị để triển khai các dự án nhất là các công trình dự án lớn trọng điểm chưa đồng bộ và kịp thời nên khi triển khai có rất nhiều hạng mục, gói thầu bị chậm dẫn đến các nội dung khác chậm theo làm chậm tiến độ chung của cả dự án.

Điển hình như dự án tuyến đường sắt trên cao Nhổn – Ga Hà Nội, cũng bị rơi vào tình trạng này. Bên cạnh đó, chất lượng đơn vị tư vấn và năng lực của nhà đầu tư đối với các dự án PPP cũng như chủ đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công chưa đáp ứng được yêu cầu. Sự phối hợp giữa các sở ngành với các quận huyện, đặc biệt là với các chủ đầu tư chưa thực sự hiệu quả. Do vậy, thành phố cần phải tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, Ban chỉ đạo phải trực tiếp sát sao đối với từng công trình, để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo bà Mai, hiện vẫn chưa thấy có các chế tài xử lý đối với những chủ đầu tư chậm tiến độ, kể cả chủ đầu tư dự án PPP lẫn các nhà đầu tư sử dụng vốn đầu tư công. “Thực tế có rất nhiều công trình bị chậm tiến độ kéo dài, thậm chí qua theo dõi của chúng tôi, có nhiều công trình gần như dậm chân tại chỗ, giải ngân vốn chỉ ở mức 1% đến 2%. Do vậy, tới đây, thành phố cần phải quyết liệt trong việc xử lý những chủ đầu tư bị chậm tiến độ kéo dài, thậm chí có thể thay thế bằng nhà thầu khác”, Trưởng Ban Ngân sách HĐND Thành phố nhấn mạnh.

Chủ đầu tư chậm, Thành phố khó hoàn thành mục tiêu

Phát biểu về nội dung công tác cấp nước sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội cho rằng, cấp nước sạch là chủ trương và quyết tâm lớn của thành phố. Với những kết quả đã đạt được cho thấy sự cố gắng của thành phố trong việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phục vụ người dân.

Tuy vậy, để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đặt ra là đến năm 2020, 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch, khối lượng công việc còn rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các cấp ngành và cả sự đồng thuận của người dân. Hiện thành phố đã giao cho 23 nhà đầu tư để thực hiện 34 dự án. Trên thực tế mới chỉ hoàn thành 9 dự án, còn lại vẫn đang trong giai đoạn khảo sát để lập dự án.

Để đảm bảo tiến độ theo đúng chỉ đạo của thành phố thì tiến độ triển khai hiện nay còn chậm. Nguyên nhân chủ yếu do công tác phối hợp giữa các chủ đầu tư với các quận huyện chưa được chặt chẽ. Bên cạnh đó, ở một số huyện tỷ lệ cấp nước còn thấp như: Phú Xuyên, Hoài Đức, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ba Vì,… đây là những địa phương cần được ưu tiên trong thời gian tới. “Ngoài ra, hiện trên địa bàn thành phố có 119 công trình cấp nước sạch trước đây, nhưng chỉ có 60% hoạt động hiệu quả còn lại đã xuống cấp, hư hỏng, có trạm đã dừng hoạt động.

Do đó, trong quá trình quy hoạch phát triển mạng lưới nước sạch cũng cần phải quan tâm tính toán đến các trạm này và có các hình thức chuyển đổi để phù hợp với yêu cầu hiện nay. Rất nhiều trạm cho đến nay mặc dù chúng ta đã thực hiện hơn chục năm nay nhưng vẫn chưa được quyết toán. Đây là vấn đề đặt ra để UBND Thành phố quan tâm giải quyết”, ông Nguyễn Nguyên Quân bày tỏ.

Theo Trưởng Ban Đô thị HĐND Thành phố, việc thất thoát nước hiện vẫn còn cao, trên 20%, kế hoạch đến năm 2020 giảm xuống còn 18%. Cùng với đó, chất lượng nước, nhất là trong mùa hè, vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm, có lúc, có khu vực chưa đảm bảo, do đó, việc đặt ra chỉ tiêu chất lượng nước sạch đảm bảo uống nước tại vòi và chỉ tiêu cung ứng nước sạch cho khu vực nông thôn là một thách thức lớn.

Ông Nguyễn Nguyên Quân cho rằng, UBND cần đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch cấp nước, điều chỉnh quy hoạch cấp nước để làm căn cứ thực hiện. Đồng thời tăng cường kiểm tra đôn đốc tiến độ đối với các chủ đầu tư phát triển nguồn cũng như đối với 23 nhà đầu tư hiện thành phố đang giao cho phát triển mạng lưới để họ đảm bảo đúng tiến độ. Bởi nếu như các chủ đầu tư này ko đảm bảo tiến độ thì mục tiêu của thành phố sẽ khó đạt được.

Đối với các quận huyện, chính quyền các địa phương cần xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chủ đạo. Các địa phương cần chủ động phối hợp với các chủ đầu tư để lập, triển khai dự án, tháo gỡ khó khăn. Đặc biệt, cấp phường, xã phải trực tiếp vào cuộc, tăng cường vận động nhân dân để tạo sự đồng thuận. Đồng thời, rà soát đánh giá lại đối với các dự án trước đây để đề xuất thành phố các phương án xử lý nhằm tạo sự đồng bộ giữa mạng lưới trước đây với mạng lưới đang được đầu tư hiện nay.

Cần quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu nếu xảy ra cháy

Phát biểu ý kiến về nội dung tăng cường các biện pháp bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế HĐND Thành phố đã thẳng thắn cho rằng ý thực PCCC của những người đứng đầu các doanh nghiệp, đơn vị và một bộ phận người dân còn chưa tốt, chủ quan, ngại đầu tư cho công tác PCCC, thậm chí coi đây là việc của lực lượng PCCC mà không phải việc của mình. Cho nên khi xảy ra cháy thường gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Hoài Nam, nhiều nơi, chính quyền chưa thực sự quyết tâm, chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC. Công an tại một số quận, huyện, xã phường chưa thực sự vào cuộc quyết liệt trong việc xử lý những vi phạm PCCC trên địa bàn.

“Khi xảy ra vụ cháy quán karaoke ở quận Cầu Giấy, chúng ta đã ngồi kiểm điểm với nhau và chỉ ra nhiều bài học, nhưng sau một thời gian im ắng, đâu lại vào đấy, các cơ sở karaoke vẫn lại hoạt động bình thường mặc dù hệ thống PCCC chưa thực sự đảm bảo. Hay như việc tạo ô thoát nạn đối với nhà có chuồng cọp, cửa khóa,… tất cả những điều đó mọi người đều biết, nhưng không làm.

Việc phối hợp giữa cảnh sát PCCC với công an và chính quyền địa phương cũng chưa tốt, đơn cử, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy lập hơn 800 biên bản xử phạt hành chính nhưng lại chưa bàn giao cho công an cũng như chính quyền địa phương để tăng cường quản lý.

Do đó, cứ ở đâu xảy ra cháy là y rằng chỗ ấy chưa làm hết trách nhiệm”, ông Nguyễn Hoài Nam bày tỏ và bày tỏ mong muốn Ban Thường vụ Thành ủy sớm có chỉ thị về lĩnh vực này, trong đó xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu từng bộ phận trong công tác này.

Nguyễn Công

(ghi)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này