Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 lên 8%: Hoàn toàn có cơ sở

12:13 | 12/07/2018
Đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019, Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra phương án tăng 8% (tăng từ 220 – 330 nghìn đồng/tháng). Với phương án này theo Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ đáp ứng được 95,4% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
de xuat tang luong toi thieu vung nam 2019 len 8 hoan toan co co so Không thể không tăng lương tối thiểu vùng
de xuat tang luong toi thieu vung nam 2019 len 8 hoan toan co co so Tăng cường giám sát để đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Lý giải căn cứ để đưa ra mức đề xuất tăng lương lần này, ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng: Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018 có nhiều thuận lợi, GDP tăng trưởng 7,08%, cao nhất trong 7 năm qua; CPI tăng 4%; năng suất lao động tăng trên 5%...

de xuat tang luong toi thieu vung nam 2019 len 8 hoan toan co co so
Theo khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, cuộc sống của công nhân lao động khá vất vả, cần được tăng lương.

Những căn cứ để Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra phương án trên là theo Điều 91 Bộ luật Lao động: “Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”.

Bên cạnh đó, căn cứ Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, xác định: “Thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”.

Theo ông Mai Đức Chính, mức tăng 8% là hoàn toàn có cơ sở. Cụ thể, trước đây chúng ta cứ tranh cãi mà không đưa ra thời hạn mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu, nhưng vừa rồi Hội nghị Trung ương 7 đã ra Nghị quyết đến năm 2020 lương phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ.

Cũng theo ông Chính, thực tế hiện nay, mức lương đã đáp ứng được 92% mức sống tối thiểu. Như vậy, chỉ còn 8% cho 2 năm nữa. Chính phủ đã điều chỉnh lương cơ sở khu vực Nhà nước từ ngày 1/7 là 7%, thì ít nhất doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh lương cho người lao động bằng mức đó.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cho biết, cuộc sống của công nhân lao động khá vất vả, tiền thuê nhà trọ của 1 gia đình tối thiểu đã khoảng 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/tháng, tiền điện nước khoảng 500 ngàn đồng, chưa kể các khoản tiền ăn, tiền học của con cái…

Như vậy, để đáp ứng mức lương 8% cho 2 năm thì mỗi năm tăng 4%, cộng thêm tỷ lệ trượt giá nữa thì phải hơn 8%, nhưng chúng tôi hết sức chia sẻ với doanh nghiệp nên đề nghị mức tăng là 8%.

Nêu ví dụ cụ thể hơn về việc cần điều chỉnh mức sống tối thiểu sát hơn với thực tế, ông Mai Đức Chính cho biết: Với tính toán ban đầu của bộ phận kỹ thuật, giá phòng trọ 250.000 đồng/người. Mức này khó giúp người lao động đáp ứng được điều kiện ở tối thiểu. Ít nhất phải là 400.000 đồng, chưa kể tiền điện, nước bổ sung thêm khoảng 200.000 đồng/người.

Theo khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, đa số người lao động cho biết thu nhập cơ bản chỉ đủ trang trải, đời sống gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, trong các nội dung trao đổi, người lao động bức xúc nhất là lương thấp, không có các khoản phụ cấp (25,7%), trong đó tỷ lệ bức xúc cao nhất là ở vùng III (31%); tiếp đó là trả lương không đúng với sức lao động bỏ ra (7%). Người lao động còn bức xúc ở các nội dung khác, như: Làm thêm giờ, tăng ca nhiều; định mức lao động (mức khoán) cao; trả lương không công khai, minh bạch; không điều chỉnh lương định kỳ.

Còn theo PGS.TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), qua khảo sát 150 doanh nghiệp ở cả 4 vùng lương với trên 3.000 phiếu trong năm 2018 cho thấy, tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp hiện có nhiều khởi sắc, tăng trưởng cao, số lượng doanh nghiệp được thành lập mới nhiều hơn số doanh nghiệp giải thể, phá sản. Điều này cho thấy tín hiệu tình hình kinh tế khả quan.

“Nhìn tổng thể, hiện nay mức lương của công nhân lao động đã được cải thiện hơn so với năm 2016, nhưng số lượng công nhân lao động không đủ chi tiêu do áp lực cuộc sống cũng tăng lên. Đây là đối tượng công nhân lao động mà Tổng LĐLĐ Việt Nam mong muốn đời sống của họ phải được cải thiện nhiều hơn cả”, ông Thọ nhấn mạnh.

Bày tỏ thêm quan điểm về vấn đề này, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn cho rằng: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có thể đề nghị không tăng lương tối thiểu vùng năm 2019, không bù đắp phần chênh lệch giữa lương tối thiểu và mức sống tối thiểu, nhưng phần năng suất lao động tăng lên vẫn phải tính, phần trượt giá vẫn phải tính (khoảng 4%, cộng với ít nhất 3,5% năng suất lao động cũng khoảng 7,5%). Nghị quyết Trung ương 7 cũng đã nêu đến năm 2020 sẽ kết thúc thương lượng tăng lương tối thiểu vùng, nên nếu để sang năm tới mới tăng lương thì mức tăng sẽ rất cao.

Mặc dù ý kiến của Tổng LĐLĐ Việt Nam là rất có cơ sở, song rất tiếc về phía đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại đưa ra quan điểm trái chiều và đề nghị không nên tăng lương tối thiểu vùng.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này