“Bà hỏa” rình rập ngày nắng nóng:

Kỳ 4: Chủ động phòng, chống cháy rừng

20:53 | 07/07/2018
Hà Nội đang bước vào những ngày cao điểm của đợt nắng nóng kéo dài. Để ứng phó với nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra, nhiều địa phương có rừng trên địa bàn TP Hà Nội đã chủ động triển khai các phương án phòng, chống cháy rừng, bảo vệ "lá phổi xanh" cho Thủ đô.
ky 5 chu dong phong chong chay rung “Bà hỏa” rình rập ngày nắng nóng
ky 5 chu dong phong chong chay rung Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng trong thời điểm nắng nóng
ky 5 chu dong phong chong chay rung UBND tỉnh phát công điện khẩn phòng cháy, chữa cháy rừng

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 27.756,56 ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, diện tích đất có rừng là 18.600 ha, tập trung chủ yếu ở 7 huyện, thị xã: Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Sơn Tây, Chương Mỹ, Quốc Oai và Thạch Thất.

Rừng có vai trò quan trọng trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan và góp phần phát triển du lịch sinh thái. Theo tìm hiểu, rừng của Thủ đô chủ yếu trồng thông, keo, bạch đàn… Thực bì dưới tán phát triển mạnh, tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao. Chính vì vậy, công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng cần phải được đặc biệt quan tâm.

ky 5 chu dong phong chong chay rung
Một vụ cháy rừng tại xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) vào tháng 6/2017. (Nguồn: laodong)

Ba Vì là một huyện miền núi, có diện tích rừng và đất lâm nghiệp rộng tới 9.867 ha, tương đương 40% tổng diện tích rừng toàn thành phố. Thời gian qua, để đảm bảo cho rừng phát triển ổn định, không xảy ra cháy và khai thác tài nguyên bừa bãi, công tác tuyên truyền bảo vệ và PCCC rừng được huyện đặc biệt coi trọng.

Theo lãnh đạo UBND huyện Ba Vì, để chủ động bảo vệ tài nguyên rừng, ngay từ đầu năm 2018, huyện đã yêu cầu các xã có rừng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật bảo vệ, PCCC rừng cho người dân. Đồng thời, thường xuyên thông báo kịp thời cấp dự báo cháy rừng đến từng thôn, cụm dân cư và đơn vị bảo vệ rừng. Kiểm tra toàn bộ máy móc, trang thiết bị PCCC rừng để có kế hoạch duy tu bảo dưỡng.

Đặc biệt, khi bước vào mùa nắng nóng, công tác PCCC rừng càng được đặt lên hàng đầu với sự tham mưu chặt chẽ của cơ quan thường trực là Hạt Kiểm lâm huyện. Đội ngũ cán bộ kiểm lâm viên, kiểm lâm địa bàn thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương tổ chức tuyên truyền, tuần tra phát hiện và xử lý nghiêm các vụ phá rừng làm nương rẫy, vận chuyển lâm sản trái phép nên đã hạn chế tối đa các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

Tương tự, tại huyện Sóc Sơn, công tác PCCC rừng cũng đặc biệt được chú trọng với những kế hoạch, phương án cụ thể. Theo tìm hiểu, ngay từ cuối năm 2017, UBND huyện Sóc Sơn đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác PCCC rừng cho năm 2018. Trong đó, nhấn mạnh đến công tác phòng chống cháy rừng trong mùa khô nóng.

Trong thời gian tới, huyện Sóc Sơn sẽ tiếp tục triển khai công tác tuần tra, canh gác phòng chống cháy rừng trên địa bàn để không xảy các vụ cháy rừng. Đặc biệt tại các điểm du lịch, các điểm cắm trại của học sinh, sinh viên; huyện sẽ thắt chặt quản lý, tuyên truyền cho người dân về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, không để xảy ra tình trạng vô ý làm cháy rừng...

Mùa nắng nóng đã đến. Hơn lúc nào hết, các địa phương cần chủ động thực hiện các phương án PCCC rừng, coi nhiệm vụ phòng hơn chống, tránh tâm lý chủ quan xem nhẹ.

Tổng cục Lâm nghiệp vừa ban hành Công điện khẩn số 1061 /CĐ-TCLN-KL gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa về việc chủ động trong công tác PCCC rừng. Cụ thể, công điện nêu rõ, hiện nay, nắng nóng, khô hạn diễn biến phức tạp, hầu hết những diện tích rừng của các địa phương có nguy cơ cháy rất cao, thường xuyên ở cấp V (cực kỳ nguy hiểm).

Theo đó, để chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ, PCCC rừng, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2018, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh triển khai ngay các biện pháp: Kiểm tra, rà soát kỹ các phương án PCCC rừng ở các cấp và từng chủ rừng, bao gồm việc tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị PCCC rừng; tăng cường lực lượng tại khu vực có nguy cơ xảy ra cháy và cháy lớn. Đồng thời, xác định cụ thể các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để bố trí các nguồn lực phù hợp theo phương châm bốn tại chỗ, đảm bảo ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống mới phát sinh, không để xảy ra cháy rừng và cháy lớn…

PV (Còn nữa)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này