Điệp khúc thiếu sân chơi cho trẻ em

07:37 | 30/06/2018
Theo thống kê sơ bộ của Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, hiện thành phố có khoảng hơn 200 điểm vườn hoa, sân chơi công cộng, trong đó, 4 quận nội đô là Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình… có gần 30 điểm vườn hoa, khu vui chơi công cộng (chưa kể các điểm sinh hoạt cộng đồng và sân chơi tại các khu chung cư, khu tập thể cũ). Đây thực sự là một con số khiêm tốn, không đáp ứng nhu cầu vui chơi cho trẻ em cả về số lượng và chất lượng.
diep khuc thieu san choi cho tre em Chuyện muôn thuở: Thiếu sân chơi cho trẻ em
diep khuc thieu san choi cho tre em Kỳ cuối: Đâu là giải pháp?
diep khuc thieu san choi cho tre em Kỳ 2: Chung tay xây dựng sân chơi
diep khuc thieu san choi cho tre em
Sân chơi tại khu đô thị 54 Hạ Đình, cơ sở vật chất chỉ là những chiếc ghế đá.

Tại Hà Nội có nhiều khu vui chơi với nhiều cơ sở vật chất hiện đại. Tuy nhiên, những nơi này đều được xây dựng với mục đích kinh doanh, khiến nhiều bậc phụ huynh tỏ ra e ngại khi đưa con trẻ đến chơi ở những nơi như vậy. Vì thế, bên cạnh đó, những không gian công cộng, nơi vui chơi miễn phí cho các em thì lại rất thiếu. Trên nhiều tuyến phố, trẻ em phải chơi ở khu vực vỉa hè, gần với mặt đường, với những nguy hiểm tiềm ẩn, vì cả lòng đường và vỉa hè đều có xe cộ qua lại.

Những khu tập thể cũ như Giảng Võ, Thành Công, hay Kim Liên… không phải là thiếu sân chơi, mà do chất lượng quá kém. Điển hình như giữa các khu nhà tại khu tập thể Giảng Võ (quận Ba Đình) đều một khoảng sân, nhưng lại không có cơ sở vật chất phù hợp. Thứ duy nhất để trẻ nhỏ có thể chơi được ở đây chỉ là một chiếc cầu trượt được làm bằng đá granite, nằm giữa khu nhà B2 và nhà B3. Còn các khu chung cư mới, tuy hiện đại nhưng do tiết kiệm quỹ đất nhà cửa cũng mọc lên như nêm, bởi thế sân chơi “thực sự” cho trẻ em cũng thành của hiếm.

Theo các nhà quản lý, vấn đề khó nhất để khắc phục tình trạng thiếu sân chơi là không có quỹ đất. Việc di dời các cơ quan, đơn vị đang sử dụng đất tại các khu đất xen kẽ, giáp ranh khu dân cư vào mục đích sản xuất, kinh doanh để bổ sung quỹ đất thiếu cho thiết chế văn hóa còn quá chậm chạp. Ông Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó Cục trưởng Cục bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định: “Chúng ta biết cả một tòa nhà cao tầng sẽ có số dân bằng cả một làng. Như vậy thì phải có quỹ đất để cho trẻ em vui chơi và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ khác. Nhưng khi người ta xây dựng một tòa nhà cao tầng như thế, họ đã không thực hiện quy định là dành một quỹ đất cho phát triển văn hóa, văn nghệ và tinh thần cho trẻ em”.

Ông An cho hay, giải pháp hiện tại là cần phải xã hội hóa các điểm tư nhân và các điểm dân sinh; phát triển các lớp dạy, đào tạo cho trẻ em tham gia các hoạt động thể thao, vui chơi do tư nhân quản lý. Nếu chỉ tập trung vào các khu vui chơi tại các trung tâm thương mại, phải trả tiền, thì các bé nghèo không bao giờ dám đến.

Đình Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này