Phát triển vận tải hành khách công cộng:

Nâng cao chất lượng và tiện ích

09:13 | 21/06/2018
Chiều 20/6, Ban Đô thị Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội làm việc tại Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nhằm khảo sát tình hình thực hiện Đề án phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội.
tin nhap 20180620174944 Tạo bước đột phá trong hoạt động vận tải bằng xe buýt
tin nhap 20180620174944 Hà Nội sắp thí điểm 3 tuyến mini buýt đi vào các phố nhỏ
tin nhap 20180620174944 Đề xuất mở làn riêng cho xe buýt thường tại Hà Nội: Các chuyên gia nói gì?
tin nhap 20180620174944 Đề xuất làn riêng cho xe buýt: Vấn đề là kết cấu hạ tầng!

Theo ông Nguyễn Nguyên Quân - Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố, mục đích chính của công tác khảo sát lần này là nhằm đánh giá và nhìn nhận lại những kết quả đã đạt được trong quá trình thực hiện đề án. Thông qua đó cũng xác định rõ những vấn đề tồn tại, hạn chế để có những kiến nghị, điều chỉnh phù hợp lên Thành phố.

tin nhap 20180620174944
Đoàn công tác thuộc Ban Đô thị Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội làm việc với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội

Tại buổi làm việc, nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận như: giải pháp thu hút người dân sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại, tăng dịch vụ, kéo dài các tuyến vùng xa ngoại thành, điểm dừng đỗ chưa hợp lý, kết nối xe buýt với các phương tiện vận tải hành khách khác... Đặc biệt, các ý kiến cũng đi sâu, làm rõ những bất cập, hạn chế trong chủ trương, điều hành, quản lý mà các đơn vị doanh nghiệp vận tải đang phải đối mặt.

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, tính đến tháng 5/2018, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm 111 tuyến, trong đó 92 tuyến buýt trợ giá; 09 tuyến buýt không trợ giá; 10 tuyến buýt kế cận. Trong 92 tuyến trợ giá có 76 tuyến đặt hàng, 14 tuyến đấu thầu, 02 tuyến đang vận hành thí điểm.

Mạng lưới xe buýt hiện đã bao phủ khắp 30 quận huyện, thị xã tương ứng với 411/584 xã phường, đạt 70,4% độ bao phủ trên địa bàn Thành phố, kết nối cơ bản tới các khu đô thị, các cụm dân cư, bệnh viện, trường học và các cụm công nghiệp. Tổng số doanh nghiệp đang tham gia cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá trên địa bàn Thành phố gồm 10 đơn vị.

tin nhap 20180620174944
Vận tải bằng xe buýt BRT được nhân dân ủng hộ, ghi nhận và đánh giá cao

Được biết, từ năm 2012 đến hết quý I năm 2018 Sở GTVT Hà Nội mở mới 31 tuyến buýt và 16 nhánh tuyến, nâng tổng số tuyến buýt từ 67 tuyến năm 2012 lên 92 tuyến năm 2018 (tăng 37,3%). Đặc biệt, từ ngày 01/01/2017, Thành phố đã chính thức đưa vào vận hành tuyến buýt BRT 01: Bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã, một loại hình buýt mới lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, đã được nhân dân ủng hộ, ghi nhận và đánh giá cao.

Mạng lưới tuyến buýt tính tới thời điểm hiện nay đã bao phủ toàn bộ 12/12 quận nội thành và trung tâm hành chính của 18/18 huyện, thị xã ngoại thành, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Đại diện Sở GTVT cho biết, trong những năm qua, nhiều ứng dụng công nghệ và trang thiết bị được bổ sung góp phần tăng cường hiệu quả công tác quản lý điều hành. Các phương tiện, thiết bị hỗ trợ cho công tác kiểm tra giám sát như camera, bộ đàm cho lực lượng kiểm tra giám sát đã được khai thác có hiệu quả.

Lực lượng kiểm tra giám sát đã đưa vào khai thác Trung tâm giám sát hoạt động buýt qua thiết bị giám sát hành trình (GPS) kết nối với các doanh nghiệp và tiếp nhận thông tin từ 100% các xe buýt đang hoạt động cải thiện rõ rệt chất lượng hoạt động kiểm tra giám sát, công tác nghiệm thu sản phẩm và cải thiện chất lượng dịch vụ của các đơn vị. Hệ thống chốt điện tử (Sử dụng thẻ RFID) cũng đã được đưa vào thử nghiệm tại 04 vị trí (trung chuyển Trần Khánh Dư, Hoàng Quốc Việt, Long Biên và bến xe Giáp Bát) nhằm hỗ trợ cho công tác giám sát chuyến lượt.

Ghi nhận và ánh giá cao những nỗ lực của Sở GTVT thời gian qua, ông Nguyễn Nguyên Quân cho biết, thời gian tới Sở cần quan tâm khắc phục những bất cập liên quan đến mạng lưới tuyến. Đặc biệt, ngoài công tác mở rộng thì cần tiến hành rà soát, kết nối mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với các khu đô thị, khu vực ngoại thành và trung tâm thành phố. Thực hiện đồng bộ hóa hạ tầng ở các điểm chờ, tăng cường thu hút xã hội hóa trong đầu tư xây dựng liên quan. Ngoài ra, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố cũng đề nghị Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu và có những giải pháp góp phần ổn định và tăng sản lượng hành khách…

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này