Mẹ và con gái

08:56 | 16/06/2018
“Bố ơi! Bố đâu rồi?". Con bé vừa gọi vừa nhảy chân sáo vào phòng khách. Nó khựng lại khi nhìn thấy chị đang ngồi xem ti vi ở ghế rồi buông một câu: "Ồ, không có bố”.
tin nhap 20180616081426 Người xưa đừng buồn khi nhớ về ngày xưa
tin nhap 20180616081426 Cùng mùa xuân trở lại
tin nhap 20180616081426 Một đời thương nhớ

Nó chạy tót ra sân sau với bố và em, không hỏi mẹ nửa câu. Chỉ một lát sau, chị đã thấy tiếng cười vui vẻ của ba bố con ở mảnh vườn trước nhà. Chị buông tiếng thở dài, mệt mỏi thả mình xuống ghế. Mắt nhìn ti vi nhưng chẳng biết trên đó đang chiếu cái gì.

Hồi mới lấy nhau, vì cả hai gia đình nội ngoại đều khó khăn, không giúp gì được cho con nên cuộc sống của vợ chồng chị khá chật vật. Chị đã từng ao ước có một cuộc sống đầy đủ, không phải lo lắng gì về cơm áo, gạo tiền. Chị còn mong cho tuổi thơ các con đừng quá khốn khổ như mình. Tương lai của chúng sẽ phải sáng sủa hơn gấp nhiều nhiều lần hiện tại của bố mẹ chúng.

tin nhap 20180616081426

Và để có được cuộc sống như trong giấc mơ ấy, chị đã phải rất nỗ lực. Thời còn là một giáo viên dạy ở một trường THPT của huyện, ngoài những giờ lên lớp, chị ra sức dạy thêm. Những ngày thứ bảy chủ nhật, trong khi người ta cho con cái đi công viên hay về quê thăm ông bà nội ngoại thì chị phải mang cả học sinh về nhà dạy để có thêm thu nhập.

Nghề bán cháo phổi thật chẳng sung sướng gì nhưng đến bữa nhìn các con được gắp nặng đũa, chị cũng thấy tan biến bao mệt mỏi. Ngày ấy, tháng một lần, chị làm một bữa ăn tươi theo sở thích của mấy bố con. Nhìn các con vừa ăn, vừa gật gù khen tài nấu nướng của mẹ chị thấy vô cùng hạnh phúc.

Vài năm sau vì có một số thành tích trong giảng dạy, lại đúng vào thời điểm thiếu cán bộ nên chị được điều sang giữ chức phó phòng giáo dục, rồi trưởng phòng. Không lâu sau đó chị vinh dự được bầu là Đại biểu Hội đồng nhân dân huyện. Lần lượt có chân Huyện ủy viên, thường vụ Huyện ủy. Đường công danh của chị như diều gặp gió.

Cuộc sống của một gia đình nhà giáo phải ở trong căn nhà tập thể cấp 4 tồi tàn năm nào được thay dần bằng cuộc sống đầy đủ, tiện nghi và sang trọng. Chị không còn phải lo chắt bóp, tiết kiệm để mua đất, mua nhà nữa. Việc chi tiêu hàng tháng cũng không còn phải giở sổ ra ghi chép rồi cuối tháng cộng cộng trừ trừ.

Nhưng, bữa cơm chỉ có ba bố con bọn trẻ ngày càng nhiều hơn. Chị thường xuyên phải họp hành, đi công tác rồi tiếp khách. Thời gian dành cho gia đình đã ít, sự quan tâm đến hai cô con gái đang tuổi dậy thì càng ít hơn. Lâu lắm rồi chị chưa hỏi han bài vở các con. Sở dĩ như vậy vì đôi lúc gặp các thầy này cô nọ, chẳng hiểu họ nói lấy lòng hay là sự thật, chỉ biết ai cũng ca ngợi “Hai đứa thật thông minh, ngoan ngoãn” làm chị khá yên lòng.

Cũng không biết tự bao giờ, những lần dắt các con đi ăn kem hay mua một bộ quần áo theo ý chúng cũng thưa dần. Có lần, con gái út kêu thèm ăn món nem Sài Gòn của mẹ, chị đã cáu kỉnh mắng: mẹ còn mắt mũi nào mà giở rói những món đó. Rồi rút luôn mấy chục nghìn cho con ra chợ mua.

Đôi lúc, chị cũng thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm của một người mẹ. Nhưng rồi, lại tự bao biện cho mình: Chị cũng đã cố gắng hết sức để cho các con một cuộc sống sung sướng. Mỗi khi đi công tác xa về, chị thường chuộc lỗi bằng những món quà. Những thứ khá đắt tiền như khuyên tai, vòng, nhẫn hay quần áo... Song, hình như bọn trẻ không hề hào hứng với những món đồ ấy. Hai đứa vẫn mặc những bộ đòng phục giản dị đến trường. Những bộ quần áo đắt tiền mẹ mua trong những dịp đi công tác vẫn được bọn trẻ treo ngay ngắn trong tủ, còn nguyên mùi hồ.

Có lần đi làm về, thấy bố đang nằm ở ghế, con gái lớn thì nhổ tóc sâu, con gái nhỏ thì nắn chân cho bố, chị đã đứng rất lâu...chẳng biết con chị đang nói về chuyện gì mà con em có vẻ tiếc nuối: “Hiiii, em nhớ nhất là đôi dép cây dừa mẹ mua cho hồi mẹ đi học ở hà Nội. Bố đèo em về quê thế nào lại rơi mất một chiếc. Bây giờ, có đi bao nhiêu dôi dép đẹp hơn, em vẫn rất thích cái đôi dép nhựa cây dừa hồi bé...”. Chị biết, ấy là con gái đang nhớ về quãng thời gian gia đình còn khó khăn nhưng mà vui vẻ, ấm áp. Nhưng, cuộc sống mà. “Có cái này thì cái kia phải khuyết một tí”, chị đã nghĩ như thế .

Nhưng, điều làm chị buồn nhất không phải là con cái từ chối những món quà của mẹ. Mà là sự xa cách của bọn chúng về tình cảm với mình. Nhiều hôm đi làm về muộn, thấy ba bố con đang vui vẻ nấu ăn trong bếp, thoáng thấy bóng mẹ, chúng chào qua loa, chiếu lệ rồi mỗi đứa lảng ra một nơi. Đến bữa phải gọi hai đứa mới lò dò từ trên gác xuống. Suốt bữa ăn, chúng chả nói chả rằng. Không khí bữa ăn hôm nào cũng nặng nề.

Có những chủ nhật hiếm hoi, chị được ở nhà. Thay vì mừng rỡ, hai đứa con gái cứ gặng hỏi: “Hôm nay mẹ không đi làm à?”. Dường như sự có mặt của mẹ làm chúng khó chịu. Nhưng đối với bố chúng lại rất tình cảm. Có chuyện gì chúng cũng kể với bố. Cả những chuyện rất thầm kín như “hiiii, bạn H lớp con tự nhiên mọc đầy râu, xong là nói ồm ồm rất buồn cười.”

Chuyện giờ sinh hoạt cô giáo kiểm điểm tội trong lớp có hai bạn viết thư cho nhau. Rồi con bé khoát tay một cái: “sau này, con nhất định chọn một người như bố”. Mỗi lần đi họp phụ huynh, hai đứa nó đều nói rõ: “Mai bố họp cho con nhé”. Nhiều đêm chị buồn lắm, nằm nghĩ tủi thân chảy nước mắt. Thật ra chị làm lụng, phấn đấu là vì ai chứ?

Tắt ti vi, chị buồn rầu đi lên phòng. Từ ô cửa sổ, thấy ba bố con đang chụm đầu nhổ cỏ vườn, thi thoảng hai con lại cười như nắc nẻ. Chắc anh lại đang kể một câu chuyện tiếu lâm nào đó. Chị bước sang phòng hai con. Căn phòng không rộng lắm nhưng được sắp xếp khá gọn gàng. Phía đầu giường là tấm ảnh anh đang cười. Đối với bọn trẻ, anh là thần tượng.

Đúng rồi, hai đứa nhà chị đều đang ở tuổi dậy thì. Chúng cần biết bao sự gần gũi, quan tâm của mẹ. Vậy mà vì bộn bề công việc, chị lại quên mất điều đó. Chị lại cứ nghĩ rằng tất cả những gì mang lại cho con suốt thời gian qua là quá đủ.

Từ giờ chị sẽ cố gắng lấp đầy khoảng trống mà bấy lâu chị đã vô tình quên lãng.

Quỳnh Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này