Bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV: "Cột sống" chương trình điều trị HIV/AIDS bền vững

19:02 | 14/06/2018
Theo thông tin từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, đơn vị này vừa tổ chức Hội nghị “Đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho tiếp cận thuốc kháng HIV và hướng tới mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế”.
tin nhap 20180614155140 Những nguyên tắc chung cần chú ý khi tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng
tin nhap 20180614155140 Đẩy mạnh truyền thông phòng chống HIV/AIDS
tin nhap 20180614155140 Công cụ mới phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả

Phát biểu tại Hội nghị, bà Stephanie De Goes, Điều phối viên Chương trình PEPFAR -(PEPFAR bao gồm tất cả chương trình liên quan đến HIV/AIDS được Hoa Kỳ hỗ trợ và hoạt động dưới sự chỉ đạo của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam) cho rằng: Bảo hiểm y tế (BHYT) là cột sống của chương trình điều trị HIV/AIDS bền vững của một quốc gia. Trong nhiều năm qua, PEPFAR đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác và Bộ Y tế để triển khai nhằm tăng độ BHYT cho người nhiễm HIV cũng như cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS thông qua bảo hiểm y tế.

tin nhap 20180614155140
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá cao nỗ lực của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, trong việc triển khai BHYT cho người nhiễm HIV.

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và là nước thành công nhất trong số các nướcmà PEPFAR đang hỗ trợ trong việc triển khai BHYT cho người nhiễm HIV. Việt Nam cũng có thể là nước đầu tiên trong số các nước do PEPFAR hỗ trợ có thể đạt được mục tiêu 90 - 90- 90 vào năm 2020.

Tuy nhiên, năm 2020 đang đến rất gần mà nhiều mục tiêu chắc chắn Việt Nam cần phải rất nỗ lực mới có thể đạt được. PEPFAR cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về thông tin chiến lược để có môi trường thuận lợi cho việc triển khai BHYT trong thời gian tới. Đồng thời, PEPFAR cũng sẽ cùng phối hợp với Việt Nam để đảm bảo cung cấp dịch vụ chất lượng trong môi trường thân thiện.

Tại Hội thảo, TS. Dương Thúy Anh, thay mặt Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 2188/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Hướng tới 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT.

Theo báo cáo, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc triển khai BHYT. Hiện cả nước đã có tới 83,4% người nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) có thẻ BHYT trong đó có 5 tỉnh, thành phố có 100% người nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc ARV có thẻ BHYT và 30 tỉnh, thành phố tỷ lệ này đạt trên 90%.

Nhiều văn bản và hành lang pháp lý đã được ban hành. Các địa phương cũng đã chủ động triển khai BHYT cho người nhiễm HIV từ việc truyền thông, hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia BHYT cũng như kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS để có thể ký hợp đồng và thanh toán được với Quỹ BHYT. Đặc biệt, các tổ chức quốc tế cũng đã và đang chung tay hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai BHYT cho người nhiễm HIV không chỉ về kỹ thuật mà cả bằng những nguồn tài chính quan trọng...

Kết luận Hội nghị, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đã đánh giá cao nỗ lực của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, sự phối hợp của các đơn vị liên quan thuộc BHXH Việt Nam, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cũng như sự vào cuộc của các địa phương trong triển khai BHYT cho người nhiễm HIV.

Tuy nhiên, với mục tiêu bắt đầu thanh toán thuốc ARV cho bệnh nhân qua BHYT từ 1/1/2019 thì thời gian còn rất ngắn, lộ trình đưa thuốc ARV từ nguồn BHYT thay thế cho nguồn viện trợ đã rất rõ ràng. Do vậy, Thứ trưởng yêu cầu các địa phương tiếp tục khẩn trương, chủ động triển khai BHYT cho người nhiễm HIV. Việc thanh toán ARV qua BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS là bắt buộc, các địa phương không cố níu kéo hay dựa vào nguồn viện trợ. Địa phương nào để bệnh nhân không tiếp cận được với thuốc ARV, trước tiên là trách nhiệm của Lãnh đạo Sở Y tế.

Thứ trưởng cũng nhắc nhở các địa phương kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS còn chậm cần khẩn trương triển khai ngay trong tháng này và tháng sau vì phải thanh toán các dịch vụ y tế khác cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT với cơ quan BHYT để làm quen dần trước khi thanh toán thuốc ARV qua BHYT. Cơ sở điều trị HIV/AIDS nào nếu không thể ký được hợp đồng với BHYT cần phải chuyển bệnh nhân sang phòng khám, bệnh viện có hợp đồng với BHYT. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ nới rộng tiêu chuẩn cơ sở điều trị HIV/AIDS để làm sao nhiều cơ sở y tế có thể tham gia vào điều trị ARV.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị các cơ sở y tế không phát triển thêm phầm mềm quản lý bệnh nhân đơn lẻ và đề nghị các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho BHXH Việt Nam lồng ghép quản lý bệnh nhân HIV/AIDS, dữ liệu điều trị ARV vào hệ thống phần mềm quản lý bệnh nhân của BHYT trong hệ thống chung cả nước. Có như vậy chúng ta mới có cơ sở dữ liệu quốc gia điều trị ARV để việc quản lý việc điều trị HIV/AIDS được tốt hơn.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này