Những đứa trẻ không có tuổi thơ

10:40 | 23/05/2018
Thật buồn vì không hẳn tuổi thơ của chúng phải nhọc nhằn lam lũ gì dẫu còn không ít những cảnh đời như thế. Tuổi thơ của một bộ phận trẻ em ngày nay là 4 bức tường. Là những trang sách với những dòng chữ dày đặc…
nhung dua tre khong co tuoi tho Cử tri và nhân dân lo lắng về những hành vi thiếu 'tôn sư trọng đạo'
nhung dua tre khong co tuoi tho Cô giáo rơi nước mắt vì món quà đặc biệt của học sinh trong buổi học cuối năm

Ngồi với tôi mới khoảng nửa tiếng mà lát lại thấy anh bạn học cũ xem đồng hồ vẻ sốt ruột lắm. Rồi anh lấy điện thoại, nói như ra lệnh: “Ăn xong rồi thì bỏ bát vào chậu rửa, lấy quyển vở tập viết hôm qua bố dặn ấy, chữ: ông, bà, bố, mẹ. Mỗi chữ một trang nhớ chưa? Viết nắn nót vào không thì tí về bố bắt úp mặt vào tường đấy. Không được xem ti vi, bố gắn camera rồi biết không?”.

Đoán là anh gọi cho con, tôi hỏi: “Vừa tổng kết năm học xong, gì mà nhồi con ghê thế?”. “À, cái thằng này nhà mình mà không giao cho nó một bài gì đó để bôi ra cả buổi sáng thì nó sẽ hoặc là chúi mũi vào quyển truyện, hoặc là ngủ suốt ngày, không cần ăn ấy chứ”.

nhung dua tre khong co tuoi tho

Dù ngành giáo dục đã đưa ra nhiều quy định để giảm bớt áp lực học hành cho học sinh, nhưng cho đến nay, việc học vẫn trở thành sức ép khủng khiếp với phần đông những đứa trẻ được đến trường.

Bây giờ, yêu cầu của việc học ngày càng cao, đời sống kinh tế của các gia đình ngày càng khá giả, người người nhà nhà tìm mọi cách để con có điều kiện học tập tốt nhất, chỉ sợ lơ là là con "đuổi không kịp" bạn bè. Thành thử, người có tiền thì không tiếc bỏ ra đầu tư cho con. Người không có tiền thì làm cật lực, chắt bóp chi tiêu để tập trung cho chúng bằng bạn bằng bè…

Cũng phải nói thêm rằng việc học của trẻ ngoài nhu cầu về kiến thức ra thì còn không ít bậc phụ huynh cho con theo học vì sốt ruột hoặc chạy đua với phong trào. Con người ta học con mình chơi thì sốt ruột. Quan điểm văn phải ôn, võ phải luyện trở thành lí do bao biện của nhiều ông bố bà mẹ nên họ không cần biết sức con mình đến đâu và thực tế chúng tiếp thu được bao nhiêu phần kiến thức mà thầy cô truyền thụ.

Có những gia đình còn gửi con đi học thêm chỉ vì nhà không có người quản. Gửi đến nhà thầy cô con học được chữ nào hay chữ ấy, không thì cũng chẳng sao vì đã có người trông coi, giám sát, ít nhất chúng không ra ngoài lêu lổng. Nhìn không ít học sinh đến trường với những chiếc kính nhiều phẩy đeo trên đôi mắt vốn rất ngây thơ trong sáng, người lớn chúng ta không khỏi chạnh lòng. Phải chăng việc đeo kính của các cháu một phần không nhỏ là do mắt phải làm việc nhiều quá?.

Chẳng phải cứ nhớ mãi về điệp khúc "ngày xưa” muôn thuở, nhưng đúng là thời chúng tôi đi học, chúng tôi vẫn có thời gian chơi những trò chơi mình thích. Ở nhà, sau bữa cơm tối, bố mẹ sẽ bật cho chị em tôi xem chương trình Bông hoa nhỏ trên truyền hình rồi chúng tôi mới ngồi vào bàn học. Những hôm ít bài tập hoặc những ngày nghỉ, bố mẹ cho phép chị em tôi đọc truyện. Cốt sao những gì chúng tôi đọc phải phù hợp với lứa tuổi và đọc có chừng mực để giữ sức khỏe cho ngày mai tới trường…

Nghỉ hè, bố mẹ sẽ gửi chúng tôi về quê với ông bà. Chúng tôi sẽ tha hồ theo lũ trẻ con trong làng, trong xóm đi kéo vó, đẩy xe bò lúa, chăn trâu hay ra đồng thả diều vào các buổi chiều. Những bài văn tả cảnh ngày đó, tôi nhớ mình được điểm rất cao, chứ không như học sinh của tôi bây giờ, đọc một đề văn tả “Bác nông dân đang cày ruộng”, “Cánh đồng lúa đang thì con gái” hay “Dòng sông quê em vào buổi sáng đẹp trời”…đứa nào cũng nhăn mặt kêu khó…Cũng thật dễ hiểu bới bọn chúng bây giờ làm gì có tuổi thơ.

Thật buồn vì không hẳn tuổi thơ của chúng phải nhọc nhằn lam lũ gì dẫu còn không ít những cảnh đời như thế. Tuổi thơ của một bộ phận trẻ em ngày nay là 4 bức tường. Là những trang sách với những dòng chữ dày đặc…

Trả lại cho các em tuổi thơ theo đúng nghĩa, thiết nghĩ đâu phải chỉ là mong ước của riêng tôi!

T.H

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này