Tiền lương khu vực công - tư nên tiệm cận nhau

14:34 | 18/05/2018
“Tiền lương tối thiểu chung của khu vực công phải tiệm cận với bình quân tiền lương tối thiểu của mỗi vùng tại khu vực tư (khu vực quan hệ lao động), xu thế phải bằng và cao hơn, qua đó mới thu hút và giữ chân được người tài vào làm việc tại khu vực công”. Đó là chia sẻ của ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội về Đề án cải cách tiền lương vừa được đưa ra xem xét tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII vừa qua.
tien luong khu vuc cong tu nen tiem can nhau Tiền lương phải đảm bảo cuộc sống cho người hưởng lương
tien luong khu vuc cong tu nen tiem can nhau Tiền lương tối thiểu mới đáp ứng khoảng 94% nhu cầu sống tối thiểu
tien luong khu vuc cong tu nen tiem can nhau Tiền lương phải thực sự đáp ứng cuộc sống

Tại Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho phóng viên, biên tập viên chuyên trách các cơ quan thông tấn, báo chí diễn ra từ 16-18/5 tại Quy Nhơn, Bình Định, chia sẻ những điểm mới của Đề án cải cách tiền lương tại Hội nghị Trung ương 7 Khoá XII vừa qua, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết: Đề án cải cách tiền lương là 1 trong 3 Đề án quan trọng được trình tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII của Đảng. Thực tế, chính sách tiền lương đã qua 4 lần cải cách vào các năm 1960, 1985, 1993, 2003 nhưng đến nay có quá nhiều bất cập.

tien luong khu vuc cong tu nen tiem can nhau
Cải cách chính sách tiền lương được nhiều người lao động quan tâm (ảnh minh họa)

Vì vậy, chính sách cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp trình Hội nghị Trung ương lần này có mục đích lớn nhất là tạo động lực mới đối với những người có năng lực trình độ cao, chuyên tâm làm việc góp phần tăng năng suất thu hút nhân tài vào làm việc tại các cơ quan nhà nước.

Theo ông Lợi, việc cải cách tiền lương phải đảm bảo nguyên tắc góp phần tái sản xuất giản đơn, tái sản xuất mở rộng, một phần để người lao động nuôi gia đình và có tích lũy. Giải đáp băn khoăn của báo chí về việc tiền lương sẽ được trả theo vị trí việc làm, nhưng cùng 1 vị trí việc làm giữa người mới ra trường và người làm việc lâu năm, liệu có sự khác biệt? Ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định rằng: Chắc chắn sẽ vẫn phải xem xét tới yếu tố thâm niên, vì cùng 1 vị trí nhưng người đã làm việc 5 năm, có kinh nghiệm, chắc chắn phải khác với người mới làm việc 1 năm.

“Tới đây, chúng ta sẽ xem xét sắp xếp lại bảng lương vì hiện chúng ta có nhiều rất nhiều thang bảng lương, nhưng sẽ chỉ còn 5 bảng lương. Việc xếp lại bảng lương theo trật tự hiện tại theo bảng lương mới là việc làm không đơn giản bởi phải làm sao để đảm bảo trả lương theo vị trí việc làm nhưng có tính tới thâm niên công tác, chuyên môn, kinh nghiệm... để tạo được sự công bằng.

Chia sẻ thêm về tiền lương giữa khu vực công và khu vực tư (khu vực có quan hệ lao động), ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, tiền lương là sự đánh giá giá trị của sức lao động của người lao động. Vì vậy, khu vực công hay tư, giá trị sức lao động đều như nhau.

Do đó, không có lý gì duy trì một khoảng cách lớn về tiền lương giữa 2 khu vực công và tư bất hợp lý như hiện nay, khi một bên mức lương cơ sở khởi điểm của khu vực công là 1.300.000 đồng/tháng và một bên là khu vực tư, mức lương tối thiểu vùng được áp dụng từ 2.760.000 - 3.980.000 đồng/tháng tùy theo từng vùng.

“Thực tế bất cập này là một trong các nguyên nhân làm giảm động lực làm việc và thu hút nhân lực về lâu dài trong khu vực công. Trong khi đó, khu vực công có vai trò xây dựng và hình thành các chính sách cho cả hệ thống”, ông Lợi nhấn mạnh.

Theo quan điểm của ông Lợi, mức thấp nhất của tiền lương khu vực công phải tiệm cận với tiền lương của khu vực quan hệ lao động, tối thiểu thấp nhất bằng bình quân của 4 vùng và sau đó tiến dần tới phải cao hơn bình quân của 4 vùng. Lao động quản lý được xác định là lao động phức tạp, như vậy, lao động phức tạp bằng bội số của lao động giản đơn.

Không thể có chuyện làm quản lý cao cấp lương không bằng công nhân, chắc chắn sẽ có hiện tượng “chảy máu chất xám” và không bao giờ thu hút được người tài vào quản lý nhà nước. Đây chính là việc thực hiện mục tiêu thu hút người tài vào khu vực Nhà nước, hạn chế tình trạng “chảy máu chất xám.

Bàn về nguồn lực cho cải cách tiền lương, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, Hội nghị Trung ương 7 Khoá XII đã đưa ra 7 giải pháp nhằm tạo nguồn lực. Trong đó, giải pháp đầu tiên và căn cơ nhất là tăng thu ngân sách trên cơ sở tăng trưởng kinh tế. Muốn vậy, cả trung ương và địa phương đều phải dành ngân sách để phục vụ cải cách tiền lương cho người lao động. Và điều quan trọng là muốn có nguồn lực bền vững cho cải cách tiền lương, chúng ta cần thực hiện tốt việc đổi mới cải cách bộ máy hành chính, tinh giản biên chế…

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này