Chương trình Mái ấm công đoàn: Hiện thực hóa giấc mơ an cư

Bài 2: Tiên phong vì giấc mơ an cư

11:21 | 12/04/2018
Năm 2006, Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai chương trình xây dựng “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên, CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Chủ trương này thật sự là luồng gió mới, mang tới niềm vui cho cán bộ công đoàn các cấp - những người luôn tâm huyết, trăn trở muốn làm và làm nhiều hơn những việc có ích cho đoàn viên, CNVCLĐ. 
bai 2 tien phong vi giac mo an cu Những giấc mơ trở thành hiện thực
bai 2 tien phong vi giac mo an cu Nỗ lực hiện thực hóa “giấc mơ an cư” cho công nhân

Dưới sự chỉ đạo của LĐLĐ thành phố Hà Nội, cán bộ công đoàn các cấp đã vào cuộc với tất cả sự tận tâm, nhiệt huyết để chương trình Mái ấm công đoàn thực sự giúp đoàn viên, người lao động hiện thực hóa giấc mơ an cư.

bai 2 tien phong vi giac mo an cu
Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Thị Tuyến trao Mái ấm Công đoàn cho đoàn viên thuộc CĐ quận Hà Đông.

Tới sát với gia đình đoàn viên

Nhớ lại những ngày đầu triển khai chương trình Mái ấm công đoàn, bà Nguyễn Thị Thanh Hà - nguyên Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội - một trong những cán bộ công đoàn đầu tiên lăn lộn với chương trình, không giấu được bồi hồi, xúc động.

“Tôi còn nhớ như in ngày mà chủ trương của Tổng Liên đoàn về tới LĐLĐ Thành phố. 20 triệu đồng cho một mái nhà của một đoàn viên ư? Chưa bao giờ có. Từ trước, quyết định trợ cấp cho 1 người cao nhất cũng chỉ đến 1 triệu đồng. Mặc dù nhìn vào nhu cầu xây dựng một căn nhà lúc đó, nếu có 20 triệu đồng, cũng chẳng biết sẽ bắt đầu từ đâu hoặc dùng số tiền ấy ở khâu nào của quá trình xây dựng, song đây vẫn là một niềm vui đến bất ngờ và ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Đây là một quyết định đầy tính nhân văn mà tổ chức Công đoàn chăm lo cho đời sống gia đình của đoàn viên công đoàn, người lao động. Vậy là chúng tôi hồ hởi triển khai. Còn cơ sở thì hồ hởi đón nhận”- bà Hà nhớ lại.

Từ 3 Mái ấm công đoàn được hỗ trợ trị giá 60 triệu đồng năm 2006, đến hết năm 2016, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng 426 căn nhà với trị giá hỗ trợ là 11,23 tỷ đồng.

Riêng trong năm 2017, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng 63 mái ấm với tổng kinh phí 1,72 tỷ đồng. Tính chung 10 năm qua, từ nguồn đóng góp của đoàn viên, CNVCLĐ, các doanh nghiệp, đơn vị ủng hộ, các cấp công đoàn Thủ đô đã hỗ trợ xây dựng 748 Mái ấm công đoàn với số tiền hơn 22,26 tỷ đồng.

Để chương trình đạt hiệu quả thực chất, đến được đúng các đối tượng cần hỗ trợ, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã triển khai chương trình theo một quy trình chặt chẽ. Từ tháng 8 hàng năm, LĐLĐ Thành phố đã ban hành kế hoạch, triển khai chủ trương hỗ trợ nhà ở Mái ấm công đoàn của năm sau tới các cấp công đoàn.

Từ kế hoạch của LĐLĐ Thành phố, các LĐLĐ quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành, công đoàn cấp trên cơ sở tích cực chủ động, chỉ đạo công đoàn cơ sở kiểm tra, rà soát các hộ đoàn viên, CNVCLĐ đang gặp khó khăn về nhà ở, lựa chọn, lập danh sách gửi về LĐLĐ Thành phố đề nghị xem xét, hỗ trợ.

Sau khi nhận được danh sách đề nghị hỗ trợ từ công đoàn cấp trên cơ sở, LĐLĐ Thành phố tiếp tục thành lập các đoàn công tác, trực tiếp tới gia đình đoàn viên, CNVCLĐ khảo sát, nắm bắt tình hình thực tế trước khi ra quyết định hỗ trợ.

Nhiều cán bộ công đoàn từng tham gia các đợt khảo sát chương trình Mái ấm công đoàn của LĐLĐ Thành phố kể lại, do địa bàn rộng, phân tán, gia đình các đoàn viên, CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn lại chủ yếu nằm ở những vùng quê nghèo, địa bàn vùng sâu vùng xa, nên các chuyến khảo sát thường có không ít khó khăn, vất vả.

Tuy vậy, các cán bộ công đoàn vẫn không quản ngại thời gian đi sớm, về muộn, đường xá xa xôi, thời tiết thất thường để đến với các gia đình đoàn viên, với mong muốn đưa những Mái ấm công đoàn đến được với các đối tượng thực sự cần được hỗ trợ.

“Tổ chức khảo sát Mái ấm công đoàn là việc làm không thể thiếu trong quy trình triển khai hỗ trợ Mái ấm công đoàn của LĐLĐ Thành phố. Bởi thông qua các chuyến đi, cán bộ công đoàn có dịp đến gần hơn với đoàn viên, người lao động, vừa để nắm bắt đúng đối tượng cần được hỗ trợ, vừa để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ khó khăn thắt chặt hơn tình cảm của cán bộ công đoàn với đoàn viên”- Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Đặng Thị Phương Hoa cho biết.

Còn nguyên Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Thị Thanh Hà thì tâm sự: “Tôi còn nhớ rõ lắm những ngày đi khảo sát từng nhà của đoàn viên được cơ sở đề nghị hỗ trợ mái ấm. Có những địa chỉ khó có thể gọi là nhà ở và ở nơi đó, chủ nhà khi tâm sự với cán bộ công đoàn, nước mắt chỉ chực lăn dài trên má. Những lúc ấy, các cán bộ công đoàn luôn phải làm cho bầu không khí tươi sáng lên, lạc quan lên bằng những câu chuyện bông đùa để đoàn viên của mình không đắm chìm trong buồn tủi, mà hy vọng ở ngày mai”.

Chủ động tháo gỡ mọi vướng mắc

Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng kế hoạch, triển khai tới các cấp công đoàn, tiến hành rà soát và tiên phong hỗ trợ mức kinh phí ban đầu, để chương trình “Mái ấm công đoàn” có sức sống lâu bền, các cấp công đoàn từ thành phố tới cơ sở cũng chú trọng vận động vận động các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng, người thân giúp đỡ, tạo động lực cho đoàn viên nỗ lực vươn lên.

Nói về vấn đề này, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Đặng Thị Phương Hoa cho biết, trước hết, Công đoàn phải phát huy vai trò chủ động, tiên phong của mình bằng cách trực tiếp hỗ trợ kinh phí ban đầu cho đoàn viên với mức hỗ trợ theo quy chế hoạt động của Quỹ Xã hội LĐLĐ Thành phố.

Cùng đó, Công đoàn cần đứng ra tuyên truyền, vận động, kêu gọi đoàn viên, CNVCLĐ Thủ đô cùng chung tay đóng góp cho Quỹ Xã hội LĐLĐ Thành phố để có nguồn kinh phí tiếp tục hỗ trợ trở lại cho các đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn. Qua công tác tuyên truyền, vận động của tổ chức công đoàn, các cấp, ngành và đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ Thủ đô đều nhận thức được sâu sắc về mục đích, ý nghĩa thiết thực và giàu tính nhân văn của chương trình nên đã tích cực tham gia ủng hộ.

Hàng năm, đông đảo CNVCLĐ Thủ đô với tấm lòng thơm thảo và tinh thần tương thân tương ái cũng đã đóng góp cho quỹ theo khả năng của mình, ít nhất một ngày lương. Đặc biệt, từ sự tiên phong của tổ chức Công đoàn, rất nhiều doanh nghiệp, cơ quan, ban ngành đã vào cuộc tích cực giúp cho chương trình được triển khai nhanh và đạt hiệu quả cao.

Cũng theo Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Đặng Thị Phương Hoa, thực tế cho thấy để có được một “Mái ấm Công đoàn” hoàn thành và đưa vào sử dụng, bản thân lãnh đạo và cán bộ công đoàn phải đến nhà đoàn viên không chỉ một lần mà nhiều lần. Từ khâu thăm hỏi, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của từng đoàn viên, lấy ý kiến của tập thể CNVCLĐ trong đơn vị, đến việc lập hồ sơ, tư vấn, giúp đỡ để gia đình xây dựng đảm bảo tính kiên cố, vững chắc, sử dụng lâu bền, theo dõi tiến độ thi công, giao nhận tiền mua vật tư; tổ chức nghiệm thu nhà sau khi đã xây dựng xong, lập và đề nghị quyết toán…

Thậm chí, có trường hợp, cán bộ công đoàn phải trực tiếp liên hệ với chính quyền địa phương để thực hiện việc xác nhận và cấp giấy phép xây dựng nhà, cấp sổ đỏ cho đoàn viên. Hay có những trường hợp lãnh đạo và cán bộ công đoàn phải trực tiếp đến gặp gỡ, động viên, thuyết phục gia đình và thông báo rõ nội dung và điều kiện để được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà, để gia đình đồng thuận cho con rể, con dâu đất ở… phù hợp.

Cùng đoàn viên trải qua bao nhiêu khó khăn, vướng mắc, điều ấn tượng nhất đối với cán bộ công đoàn là nét mặt rạng ngời, niềm hạnh phúc vỡ òa của của đoàn viên và người thân trong gia đình khi khánh thành nhà mới. Các đoàn viên nói lời cảm ơn công đoàn mà mắt còn ngấn lệ. Và rồi đây, chính họ sẽ là những những người truyền đi thông điệp cảm động nhất về tình Công đoàn, trong việc quan tâm, chăm lo thiết thực cho đoàn viên và người lao động.

“Quá trình đi khảo sát thực tế mới thấy, đoàn viên, người lao động còn rất vất vả, đời sống của anh chị em còn nhiều khó khăn, đòi hỏi tổ chức Công đoàn cần quan tâm nhiều hơn nữa. Chỉ khi nào mọi đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn đều được giúp đỡ, chia sẻ thì người cán bộ công đoàn mới có thể an tâm, mới thấy được công sức của mình bỏ ra là thỏa đáng” - Phó Chủ tịch Đặng Thị Phương Hoa trăn trở.

Vì vậy, LĐLĐ Thành phố xác định, thời gian tới, sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình “Mái ấm công đoàn” với những cách làm linh hoạt, sáng tạo góp phần mang lại niềm vui an cư đến với nhiều đoàn viên, người lao động.

Bảo Duy- P.Diệp

Bài cuối: Hiệu quả từ cách làm sáng tạo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này