Giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường từ các làng nghề

Bài toán vẫn chờ lời giải!

10:40 | 23/03/2018
Nhiều năm qua, những nhà máy, xí nghiệp, làng nghề truyền thống hoạt động xen kẽ với các khu dân cư không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường khiến cuộc sống của người dân Thủ đô gặp nhiều khó khăn.
bai toan van cho loi giai Hà Nội công nhận thêm 8 “Làng nghề” năm 2017
bai toan van cho loi giai Trước nguy cơ thất truyền
bai toan van cho loi giai Nâng cao giá trị các làng nghề

Mặc dù các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường đang diễn ra nhưng trên thực tế, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn đang là bài toán chưa có lời giải.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thì Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước, với 1.350 làng nghề, phân bổ theo 8 loại hình sản xuất: Chế biến lương thực, thực phẩm; thủ công, mỹ nghệ; nhuộm, thuộc da; tái chế chất thải; gia công cơ kim khí; sản xuất vật liệu xây dựng; chăn nuôi, giết mổ gia súc và một số loại hình khác. Vấn đề ô nhiễm môi trường tại các cơ sở làng nghề của Hà Nội đang ở tình trạng báo động.

bai toan van cho loi giai
Nếu chính quyền sở tại thực thi nghiêm thì vỉa hè luôn được thông thoáng.

Hoạt động sản xuất tại các làng nghề phát sinh ô nhiễm cao, thế nhưng tại khu vực này hầu như không có công trình xử lý chất thải phù hợp. Đối với hoạt động xử lý nước thải, có đến 35,6% hộ gia đình không xử lý, 60% chỉ có hệ thống xử lý thô sơ. Một số công trình nghiên cứu thử nghiệm xử lý nước thải làng nghề đã được triển khai nhưng hiệu quả còn thấp, kém ổn định, các công trình xử lý nước thải tập trung của làng nghề hầu hết chưa được đầu tư, một vài điểm đang đầu tư nhưng chưa thực sự đi vào hoạt động...

Điển hình về tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng nghề là tại làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì). Hàng chục năm nay, nơi đây trở thành nơi tái chế phế liệu, lông vũ động vật. Rất nhiều các hộ dân trong làng đang sản xuất và sinh sống bằng nghề này. Các cơ sở chế biến, tái chế phế liệu không có các biện pháp bảo vệ môi trường khiến tình trạng ô nhiễm tại đây ngày thêm nghiêm trọng. Khắp các đường lớn ngõ nhỏ tại Triều Khúc, đâu đâu cũng thấy những bao tải dứa chất đầy dây truyền, ống thở, bơm tiêm và các loại phế phẩm bằng nhựa khác.

Thậm chí, nhiều hộ còn tận dụng khoảng sân, khoảng hiên ít ỏi của gia đình để làm nơi tập kết, phân loại rác thải y tế. Từng túi nhựa thải bị ủ lâu ngày, lẫn trong đó là đủ thứ tạp chất, dịch, thực phẩm bẩn, nên khi trời mưa, nước cứ thế rỉ ra và bốc mùi hôi tanh nồng nặc. Cùng với đó, các hộ dân làm nghề xay xát và tái chế nhựa của xã Tân Triều theo với các thiết bị lạc hậu khiến mùi nhựa lúc nào cũng khét lẹt. Ở giữa cánh đồng của làng, hàng loạt các nhà xưởng được dựng lên trái phép với đủ các ngành nghề hoạt động cũng khiến môi trường sống tại đây không đảm bảo.

Các rãnh thoát nước trong làng, mặc dù đã được bê tông hóa song vẫn bốc lên mùi hôi thối do nước thải từ hoạt động sản xuất của các hộ làm nghề trong làng đều xả thẳng xuống cống chung mà không qua bất cứ hệ thống xử lý nước thải nào. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây khiến cho người dân cảm thấy rất khó chịu. Tuy nhiên, vì điều kiện khó khăn, không còn cách nào khác, người dân đành chấp nhận sống chung với tình trạng ô nhiễm này. Một số hộ dân có điều kiện đã bán nhà để chuyển đi nơi khác sinh sống vì không chịu nổi tình trạng ô nhiễm trên.

Không chỉ riêng làng nghề, nhiều nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất khác cũng đang ngày đêm gây ô nhiễm môi trường. Theo báo cáo của UBND xã Việt Hùng (Đông Anh), trên địa bàn thôn Trung có 18 cơ sở sản xuất ván gỗ ép, tái chế nhựa, dầu cặn thành dầu đốt và gia công đúc, cán thép đang hoạt động. Tuy nhiên, hiện chỉ có 8 cơ sở có đề án bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Số còn lại tự do hoạt động, ngày cũng như đêm liên tục xả thải trực tiếp đủ loại khói bụi, chất thải độc hại chưa qua xử lý ra môi trường. Tình trạng này, không chỉ gây tác động xấu đến môi trường sống, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như việc sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương.

Theo Thông báo số 1164-TB/TU truyền đạt kết luận của Thường trực Thành ủy về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường: Để tiếp tục khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo việc rà soát, phân loại, phát hiện các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố để có biện pháp xử lý.

Đối với những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thành phố cần đưa ra lộ trình khắc phục và kiên quyết không cấp Giấy phép xả thải vào môi trường, đình chỉ hoạt động nếu không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường. Đối với các cơ sở gây ô nhiễm, nhưng có thái độ và hành động tích cực phối hợp với chính quyền để giải quyết, thì chính quyền các cấp cần tạo điều kiện thuận lợi và những cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể trong khuôn khổ pháp luật hiện hành của Nhà nước.

Nơi các cơ sở sản xuất, kinh doanh, làng nghề gây ô nhiễm môi trường nhưng phân tán thì thành phố xem xét tăng mức hỗ trợ, khuyến khích chuyển đến cụm công nghiệp tập trung, nơi có trạm xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn. Đồng thời sẽ di dời 117 cơ sở ô nhiễm ra khỏi khu vực nội thành trên địa bàn Thành phố.

H.Duy – T.Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này