Góc nhìn đa chiều về xe máy, taxi công nghệ

Kỳ 3: Bài toán giao thông

22:02 | 16/03/2018
Tại Hà Nội, với các hãng vận tải công nghệ, dịch vụ đặt xe qua hệ thống mạng điện thoại di động đang phát triển rầm rộ. Thông qua phương thức này, những dạng xe công nghệ  như Grab hay Uber có thể dễ dàng “vợt” khách. 
ky 3 bai toan giao thong Kỳ 2: Giá cước “siêu rẻ” đang dần bị phá vỡ
ky 3 bai toan giao thong Kỳ 1: Tiện nhưng cũng nhiều phiền toái

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận sự việc ở chiều hướng khác, việc “săn khách” trên điện thoại di động cùng hoạt động gia tăng số lượng xe đang trực tiếp gây khó cho các cơ quan quản lý. Việc khó kiểm soát loại hình vận tải này được xem là nguyên nhân chính gia tăng tình trạng ùn tắc nội đô.

Xe “công nghệ” làm ách tắc giao thông?

Theo một báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn đang có nhiều diễn biến phức tạp và mang xu hướng mở rộng về không gian và kéo dài về thời gian. Ùn tắc giao thông dễ xảy ra trong những ngày thời tiết xấu; cục bộ dotai nạn giao thông; phương tiện hư hỏng; công trình xây dựng chiếm lòng đường… Hệ lụy là, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn quốc xảy ra 33 vụ ùn tắc kéo dài.

Theo nhiều chuyên gia giao thông, ùn tắc trong nội đô còn có một phần nguyên nhân gây ra bởi các hãng vận tải công nghệ như Uber, Grab… Theo đó, hiện có tình trạng là nhiều người đã mua xe để chạy Uber, Grab khiến số lượng xe của các hãng này bùng nổ. Hơn nữa, những dịch vụ này lại chỉ chạy một chiều. Do đó, không làm giảm ùn tắc, thậm chí còn làm tình trạng này trầm trọng hơn.

ky 3 bai toan giao thong
Trước cổng bến xe Nước Ngầm thường xuyên xuất hiện tình trạng “xe ôm công nghệ” dừng đỗ dưới lòng, lề đường.

Dạo một vòng quanh các tuyến phố trên địa bàn Hà Nội, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh “xe ôm công nghệ” mặc đồng phục lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ để kịp giờ đón khách, thậm chí có lái xe vừa chở khách, vừa chở hàng, vừa giao dịch với khách qua điện thoại khiến không ít người tham gia giao thông nhiều phen hú vía. Dễ thấy nhất là với loại hình “xe ôm công nghệ”.

Cụ thể, trên tuyến đường Giải Phóng, Phạm Hùng – những khu vực tập trung các bến xe lớn như Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm… thường xuyên xuất hiện tình trạng “xe ôm công nghệ” dừng đỗ dưới lòng, lề đường. Thậm chí, khu vực trước cổng bến xe Nước Ngầm, đội ngũ xe ôm này còn quây kín cả phần vỉa hè, đẩy người đi bộ xuống lòng đường.

Phản ánh về hiện tượng nhiều tài xế xe ôm công nghệ vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ, chị Đinh Thị Linh (32 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là khách hàng khá thường xuyên sử dụng Grabbike để gọi xe. Tuy nhiên, chị không hài lòng về chất lượng dịch vụ.

Theo chị Linh, 10 lần bắt Grabbike thì có tới 7-8 lần các tài xế khiến chị lo ngại về sự an toàn của bản thân trên đường đi. “Đường rất đông, từ nhà tôi đến cơ quan chỉ khoảng 2 cây số, nhưng cậu lái xe grab vượt đèn đỏ tới 3 lần. Thỉnh thoảng cậu này còn phi lên vỉa hè để tránh đường đông rồi sử dụng điện thoại để tra bản đồ và nhận “cuốc” mới khi đang tham gia giao thông. Tôi sau đó ít khi sử dụng lại dịch vụ Grabike vì cảm thấy nó không an toàn với bản thân” – chị Linh chia sẻ.

Cần quản khoa học

Việc các “xế công nghệ” thường xuyên vi phạm an toàn giao thông, theo tìm hiểu một phần trách nghiệm xuất phát từ chính đơn vị quản lý. Cụ thể, với các tài xế GrabBike và UberMoto, được biết, phía công ty và các lái xe không hề có ràng buộc về hợp đồng lao động, mà chỉ ký kết về thuê phần mềm.

Hiện để đảm bảo trật tự an toàn giao thông với loại hình vận tải công nghệ, các ban nghành liên quan đã áp dụng không ít biện pháp “cứng rắn”. Theo thông tin từ Sở GTVT Hà Nội, sau khi kết thúc một tháng thí điểm cấm taxi và xe hợp đồng Uber, Grab dưới 9 chỗ trên 11 tuyến phố, giao thông đã đạt được nhiều hiệu quả rõ rệt.

Mặc dù không xử phạt nhưng qua một tháng triển khai, thanh tra giao thông cho biết, lực lượng làm nhiệm vụ trên đường đã phát hiện, nhắc nhở hàng trăng trường hợp xe vi phạm. Các xe vi phạm chủ yếu là xe chở khách Uber, Grab, với các lỗi là đi vào đường cấm, không niêm yết thông tin, điều khiển xe chở hành khách không có phù hiệu; trả hành khách tại nơi cấm đỗ; dừng đỗ sai quy định… Theo Sở GTVT Hà Nội, thời gian tới với những xe vi phạm nhiều lần, doanh nghiệp có nhiều xe vi phạm, ngoài xử lý lái xe, thanh tra giao thông Sở GTVT sẽ mời cả doanh nghiệp chủ quản lên để có các hình thức xử lý tiếp theo.

Ngược lại, công ty cũng không cung cấp những quyền lợi mà người lao động được hưởng như bảo hiểm lao động, bảo hiểm thất nghiệp…Sau khi đáp ứng đầy đủ yêu cầu về bằng lái xe, giấy đăng ký xe, giấy khám sức khỏe, bảo hiểm xe, điện thoại thông minh… các lái xe sẽ được học một lớp cấp tốc về cách sử dụng phần mềm đặt xe của công ty, sau đó có thể ngay lập tức hành nghề. Quá sơ sài khi tuyển dụng đã dẫn đến hệ lụy là, lái xe công nghệ còn thiếu kỹ năng và ý thức đảm bảo an toàn giao thông cho hành khách và chính bản thân mình.

Trao đổi về vấn đề ùn tắc giao thông, theo ông Đỗ Xuân Bình (Nguyên Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội) việc tắc đường có liên quan mật thiết tới số lượng xe. Theo ông Bình, dù là taxi công nghệ hay taxi thường thì cũng giống như các phương tiện xe cá nhân… khi đạt một số lượng lớn thì đều gây ra tắc đường, quá tải hạ tầng giao thông. “Vấn đề được đặt ra ở đây là tỷ trọng phát triển xe công nghệ một cách tùy tiện và gia tăng nhanh chóng rõ ràng làm tình trạng tắc đường ngày càng trở nên nặng nề. Taxi làm 20 năm mới có số lượng xe lên tới 18.000 xe nhưng mới 2 năm mà Hà Nội có trên 15.000 taxi công nghệ được cấp phép thí điểm thì đương nhiên sẽ phải chịu cảnh tắc đường trầm trọng.

Việc cấm các loại xe hợp đồng tại một số tuyến phố trung tâm sẽ giảm phương tiện cá nhân vào nội đô, giảm ùn tắc giao thông giờ cao điểm.Hệ lụy thứ 2 là ô nhiễm môi trường tăng lên không kiểm soát được. Hà Nội sẽ phải chi. Hà Nội chưa thu được bao nhiêu tiền thuế đối với loại xe này nhưng sẽ phải chi số tiền rất lớn, có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng để làm thế nào tránh tắc đường, tránh ô nhiễm. Bất lợi nằm ở chỗ đó” – ông Bình nhấn mạnh.

Bên cạnh những ưu thế không thể phủ nhận, khách hàng vẫn mong muốn nhiều hơn nữa từ dịch vụ xe ôm công nghệ Uber và Grab. Cụ thể ở đây chính là việc tuân thủ luật giao thông đường bộ. Bởi, sau giá thành, sự tiện lợi, nhanh chóng, điều tối quan trọng chính là sự an toàn trên mỗi chuyến hành trình.

Phạm Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này