Đề cao tình người

11:36 | 09/03/2018
- Một câu chuyện đau lòng nhiều người đã bàn, tớ định không bàn nữa dưng những thông tin buồn về tình người cứ diễn ra mỗi ngày, khiến không thể đừng được.
de cao tinh nguoi Cao cả và nhân văn
de cao tinh nguoi Thật đáng mừng!
de cao tinh nguoi Lùi thật ấy chứ!

- Mấy hôm trước trong câu chuyện đa chiều, em đã thấy bác vui, phấn khởi lắm sao hôm nay lại nặng lòng vậy. Mà câu chuyện đau lòng bác nói là câu chuyện gì thế?

- Vui thì vẫn vui, dưng tớ vẫn thấy nặng lòng về cái tình người quá. Đó là câu chuyện phụ huynh học sinh bắt cô giáo quỳ chỉ bởi cô giáo này đã bắt con họ quỳ do nghịch ngợm tại lớp học. Câu chuyện khiến cả xã hội phải nói là căm phẫn. Riêng tớ, tớ thấy đau tức đến run người.

- Em cũng có tâm trạng như bác. Qua câu chuyện này không chỉ là nỗi đau quanh chuyện giữa cô giáo - học sinh – phụ huynh mà còn ẩn chứa một nỗi đau bao trùm toàn xã hội.

-Đúng vậy, đó là sự lẩn tránh trách nhiệm của ông hiệu trưởng. Mặc dù ông này không quỳ dưng rõ ràng ông ấy đã “quỳ” trước sự vô đạo đang diễn ra trong chính ngôi trường mà mình phụ trách.

-Đó cũng là sự ngông cuồng, không những vô đạo mà còn vô giáo dục của vị phụ huynh mang danh luật sư. Ông này đã “phang” búa rìu vào mặt bằng đạo đức của những người gọi là có chữ nghĩa, với tinh thần “tôn sư trọng đạo”.

-Có nghĩa là ông này đã “quỳ” trước những thói hư của con mình. Và một thứ “quỳ” nữa là sự dễ dàng “vứt đi” nhân cách, danh dự của một cô giáo, nghề cao quý được gọi trìu mến là “trồng người”.

-Một người dễ dàng từ bỏ nhân cách, danh dự và sự “đứng thẳng” như thế phỏng có thực hiện được sứ mệnh “trồng người”, dạy con người đứng thẳng, khi mà bản thân mình không trân trọng sự đứng thẳng của mình, thật khó mà thuyết phục.

-Và trên hết là những đứa trẻ khi biết được chính bố mẹ mình đã không trân trọng những người thầy, thì thái độ của chúng sẽ ra sao khi mỗi ngày đến lớp vẫn được rao giảng “tiên học lễ, hậu học văn”.

-Đấy bao nhiêu điều phải nói qua sự cố này, thế mà bác lại nói không bàn nữa, là sao?

-Thì tớ thấy thiên hạ nói nhiều rồi định không nói nữa, dưng sáng vừa được xem cái clip cảnh một phụ nữ cầm gậy vụt lia lịa vào một học sinh gái tại một trường nội trú nào đó, chẳng biết thật giả thế nào dưng xem mà thấy tức run người.

-Bên cạnh việc liên tục xuất hiện những clip học sinh đánh nhau dã man, như vậy là môi trường giáo dục có quá nhiều vấn đề đáng bàn, bác nhể.

-Đúng là như vậy. Một môi trường giáo dục còn có những tỳ vết đau lòng như thế làm sao khiến chúng ta yên tâm được. Bên cạnh việc học chữ là học nhân cách. Mà nhân cách của mỗi người phải được giáo dục từ nhỏ, trước hết là ở gia đình, tiếp đến là trường học, sau mới đến xã hội.

-Ai dám đảm bảo những đứa trẻ có những ông bố, bà mẹ như mấy bậc phụ huynh bắt cô giáo quỳ, lấy sự sai nghiêm trọng để xử một cái sai khác sẽ “đứng thẳng” được trong cuộc sống sau này.

-Nhân chuyện này, tớ muốn bàn thêm với chú về chuyện “tình người”, bên cạnh bao nhiêu việc tốt, làm ấm lòng cộng đồng, ở nơi này nơi khác, người ta vẫn đối xử với nhau còn hơn cả kẻ thù.

-Vâng, người ta có thể hả hê trước nỗi đau của người khác, và sẵn sàng tạo ra những nỗi đau cho đồng loại chỉ vì những lý do dù là đơn giản nhất.

-Đấy, trước ngày 8-3, ngày cả thế giới suy tôn, nâng niu phụ nữ, ở Đà Lạt lại có 3 phụ nữ bị các đấng mày râu của một quán ăn hành hung đến nỗi phải nhập viện, chỉ vì chê các món ăn ở đây kém.

-“Không đánh phụ nữ dù chỉ bằng một nhành hoa”, câu ngạn ngữ này chắc không ai là không biết, dưng tại sao số phận của nhiều phụ nữ vẫn đau buồn đến thế? Nạn bạo hành phụ nữ vẫn diễn ra thường xuyên khi những người chồng cho rằng mình có quyền như thế.

-Và nếu nói đến chuyện “quỳ” thì không ít phụ nữ đã phải quỳ trước chồng con trong bao nhiêu mâu thuẫn gia đình. Họ cam chịu như thể nghĩa vụ của họ là phải vậy.

-Chẳng cần nói cao xa gì với những chế tài, chế định, để không còn phải “tức run người” như bác nói, theo em quan trọng nhất là phải đề cao tình người.

Thiện Tâm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này