Quý hiếm bưởi tiến vua Luận Văn

09:45 | 09/02/2018
Từng là đặc sản dâng tiến vua thời Hậu Lê, nhờ vị ngọt thanh, thơm dịu và mọng nước, với màu đỏ đặc trưng từ vỏ, đến cùi và tép, bưởi đỏ Luận Văn (Thọ Xuân, Thanh Hóa) còn được người dân chuộng dụng để thờ cúng tổ tiên trong dịp Tết. Bên cạnh đó, giống bưởi quý này còn được xem như một biểu tượng của sự may mắn, tài lộc cho các gia đình mỗi dịp Tết đến xuân về.
quy hiem buoi tien vua luan van Bánh bác tiến vua: Giữ mãi hồn xưa
quy hiem buoi tien vua luan van Hạ Mỗ - Hà Nội: Độc đáo tục làm bánh gio
quy hiem buoi tien vua luan van Cúc "tiến vua" vàng rực cánh đồng ở Hưng Yên

“Bí ẩn” bưởi đỏ tiến vua

Về làng Luận Văn, xã Thọ Xương (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) nhiều người sẽ phải trầm trồ khi được chiêm ngưỡng những vườn bưởi đỏ ửng rực rỡ. Thế nhưng ít ai ngờ rằng, loại bưởi đỏ tiến vua nức tiếng xứ Thanh trong lịch sử, đã từng có thời điểm bị lãng quên. Nhận thấy giá trị kinh tế, cũng như ý nghĩa tâm linh mà giống bưởi tiến vua mang lại, những năm gần đây, bưởi đỏ Luận Văn đang được hồi sinh mạnh mẽ.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, sở dĩ bưởi Luận Văn khi xưa được lựa chọn để tiến vua là bởi khi chín, quả bưởi sẽ chuyển từ màu vàng sang màu đỏ gấc, từ vỏ, cùi cho đến tép bưởi đều “nhuộm” một màu đỏ rất đẹp mắt. Không những vậy, với màu đỏ đặc trưng, bắt mắt, bưởi Luận Văn còn được xem như một biểu tượng của sự may mắn, tài lộc.

Điều thú vị, khi sử dụng rượu để lau bưởi trước khi dâng cúng tổ tiên, bưởi sẽ có mùi thơm rất đặc trưng và lưu giữ được vẻ tươi đẹp cả tháng trời. Với những điều đặc biệt ấy, người xưa ưu ái xếp bưởi đỏ Luận Văn lên vị trí “vua” của các loại bưởi.

quy hiem buoi tien vua luan van
Bưởi Luận Văn trước khi có màu đỏ đặc trưng thì cũng có màu vàng như các loại bưởi thông thường khác.

Đề cập đến giống bưởi tiến vua, anh Nguyễn Văn Lưu ở thôn Mậu Ngoại, một trong những hộ trồng nhiều bưởi tiến vua nhất ở xã Thọ Xương cho hay, hiện gia đình anh có hơn 200 gốc bưởi đỏ tiến vua, trong đó có hơn 100 gốc đang cho giá trị kinh tế. Theo anh Lưu, bưởi tiến vua có những đặc tính rất khác so với các loại bưởi thông thường, khi nhỏ, bưởi cũng có màu xanh, nhưng đến khoảng tháng 7 và tháng 8 âm lịch, bưởi Luận Văn sẽ chuyển sang màu vàng.

Đặc biệt, vào khoảng tháng 10 – 11 âm lịch, bưởi tiếp tục có sự thay đổi về màu sắc, lúc này toàn thân quả bưởi từ ngoài vào trong tép bưởi đều chuyển sang màu đỏ gấc. Không chỉ có màu sắc quyến rũ, mà khi thưởng thức hương vị bưởi cũng rất ngon và có vị thơm đặc trưng.

Quý giá là vậy, nhưng theo người dân ở đây chia sẻ, bưởi Luận Văn chỉ duy trì được những đặc tính quý hiếm khi được trồng tại một số xã thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Bởi thế, trong nhiều năm qua, bưởi Luận Văn thường chỉ được tiêu thụ tại Thanh Hóa, ít khi có dịp vươn ra thị trường các tỉnh thành khác.

Nói theo ngôn ngữ kinh tế thì đặc sản này chưa được thương mại hóa và chưa được nhiều người biết đến như bưởi Năm Roi, bưởi Diễn, hay bưởi Đoan Hùng...Tuy nhiên, cùng với sự hồi sinh giống bưởi quý tiến vua tại vùng đất Thọ Xuân, ngày nay nhiều người trên khắp mọi miền đất nước đã biết đến dòng bưởi này bởi hương vị, màu sắc bắt mắt và nét văn hoá tâm linh đặc trưng.

quy hiem buoi tien vua luan van
Bưởi đỏ tiến vua không chỉ có giá trị kinh tế cao mà còn mang ý nghĩa may mắn, tài lộc.

Gìn giữ giống bưởi quý

Khi được hỏi về giống bưởi đỏ tiến vua Luận Văn, chị Nguyễn Thị Ngân (ở xã Thọ Xương, Thọ Xuân, Thanh Hóa) như bắt được “mạch”, chị kể, hiện gia đình nhà chị đang có gần 70 gốc bưởi cho quả, mỗi gốc trung bình từ 30 – 40 quả. Theo chị Ngân, mặc dù giống bưởi đỏ ít sâu bệnh, tuy nhiên, để trồng được giống bưởi Luận Văn không chỉ đòi hỏi người trồng phải có kinh nghiệm, mà còn đòi hỏi phải làm theo đúng quy trình khoa học.

Theo đó, bưởi Luận Văn được trồng chủ yếu theo hai cách: Chiết cành và ghép cành. Đối với bưởi chiết cành, từ khi trồng đến năm thứ 2 hoặc thứ 3 là đã cho ra quả; còn đối với bưởi ghép thì phải sang năm thứ 4 mới bắt đầu cho thu hoạch. “Vào ngày thường, bưởi đỏ Luận Văn có giá bán rẻ hơn ngày Tết và có giá trung bình từ 60 – 70 nghìn đồng/1 quả.

Tuy nhiên, vào dịp Tết nếu như bán tại vườn, loại bưởi này đã có giá bán là 80 – 120 nghìn đồng/1 quả, tùy mẫu mã. Đặc biệt khi ra thị trường, tùy từng quả và tùy từng thời điểm mà giá bán có thể giao động từ 150 – 200 nghìn đồng/1 quả (trọng lượng từ 1,5 – 2kg). Giống bưởi này hiện không chỉ mang lại thu nhập cao cho các gia đình trồng bưởi, mà còn góp phần gìn giữ giống bưởi quý của quê hương”, chị Ngân cho hay.

Tìm hiều về giống bưởi quý này chúng tôi được biết, hiện trên địa bàn xã Thọ Xương đang trồng và thâm canh hơn 10ha giống bưởi đỏ tiến vua. Ngoài ra, giống bưởi quý hiện cũng đang được người dân nhân rộng ra ở các thôn, các xã lân cận thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Nhiều người trồng bưởi ở đây cho biết, do bưởi đẹp lại ngon, vì thế, không cần phải mang đi xa để bán, nhiều thương lái đã tìm đến tận các nhà vườn để đặt mua từ trước Tết.

quy hiem buoi tien vua luan van

Được biết, hiện giống bưởi tiến vua Luận Văn đã được người dân ở nhiều địa phương khắp cả nước nhân giống thành công. Đây cũng là một tín hiệu mừng, nhưng cũng mang lại nhiều e ngại cho người dân trồng bưởi ở Thọ Xuân.

Bởi lẽ, theo thông tin của người dân ở đây, hiện trên thị trường đã có giống bưởi đỏ “nhái” thương hiệu bưởi đỏ Luận Văn. Vì thế, về lâu về dài, để gìn giữ và phát triển giống bưởi quý này, cần có sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý. Qua đó, không chỉ bảo hộ danh tiếng của giống bưởi tiến vua, mà còn giúp giống bưởi Luận Văn phát triển bền vững.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này